Lễ Ông Táo hàng năm |
Tết Ông Công,
còn gọi là Ông Táo hay Vua bếp, gắn liền với truyền thuyết về tình vợ chồng của
một người đàn bà với 2 người đàn ông. Họ sống rất tình nghĩa với nhau. Song vì
tai họa lửa mà cả 3 cùng chết cháy. Nhà Trời thấy họ sống có tình có nghĩa bèn
phong cho là Vua bếp, giúp quản lý bếp núc trong các nhà. Từ đó dân ta hàng năm
cúng Vua bếp vào ngày 23 tháng chạp, vì cho rằng ngày này Vua bếp lên chầu Trời
để tâu Ngọc hoàng về công tội chủ nhà trong năm qua.
Chuyện truyền thuyết
đúng sai không ai biết được, nhưng tác giả đã kiểm chứng nhiều lần, mỗi khi
cúng mời Ông Táo về, thì thấy quả thực có 1 bà và 2 ông về bàn thờ. Cái này
không sai! Bà thì mặc áo tứ thân mầu nâu tươi có yếm, váy thâm, đội khăn vấn mỏ
quạ, chân đi dép. Hai Ông thì áo gấm hoa, quần trắng, đội mũ cánh chuồn, đi
giầy đen. (Không phải hình hài như hàng mã bán ở chợ).
Cậu Hoàng Văn Quân chuẩn bị lễ trước Ban thờ: Thổ Công và Gia tiên |
*Dưới đây xin
có hướng dẫn về việc cúng tết Ông Công nhân 23 tháng Chạp năm Quý Tị.
Đồ lễ: Cần có hương nước nến (hoặc đèn dầu), hoa, trái
cây, tiền thật (cúng xong nhận lại để
dùng, coi như lộc của lễ), kẹo bánh và các thứ khác nữa tuỳ thích, và mâm
cơm rượu, cá chép sống, có thêm giầy mũ áo và cá chép hàng mã (có bán cả bộ ở
chợ- thứ này cũng chỉ là tượng trưng chứ không thật). Mọi đồ lễ đều phải tươi
thơm. Cúng vào giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp. Cũng có thể cúng sớm hơn vào ngày 22.
Lời khấn: (có thể đọc bài khấn sau đây, khấn xong hóa
bài khấn này):
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần 3 vái).
Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Con kính lạy các
quan Thần linh Thổ công, Thần long mạch cùng Ông Bà tổ tiên dòng họ…
Hôm nay là ngày 23 tháng chạp năm Quý Tị, tín chủ
chúng con là…(họ tên chủ nhà) cùng phu thê…(họ tên vợ) thay mặt cho
các con cháu có chút lễ mọn và tấm lòng thành kính dâng: ngài Đông
trù Tư mệnh Táo Phủ Thần quân, các quan Thần linh Thổ công, Thần long
mạch, ông bà tổ tiên nội (ngoại) tộc. Kính mời các vị Táo quân
và các Tôn thần cùng ông bà tổ tiên hiển linh thụ hưởng lễ vật và
phù hộ độ trì cho chúng con.
Cúi xin Tôn thần và Tổ tiên gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm
chúng con đã mắc phải trong năm này. Xin ban phước lộc phù hộ độ trì, chỉ
giáo cho chúng con đường đi nước bước để năm sau chúng con giữ được sức
khỏe, an khang thịnh vượng, vạn sự được như ý.
Chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin được chứng giám và phù
hộ độ trì.
(Cầu gì cụ thể nữa thì kể ra…).
Chúng con xin phép hóa chân hương và lau dọn bát hương, bàn thờ sau lễ
này.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần 3 vái).
Việc sau lễ: Cúng
xong thì hóa vàng thả cá chép nhẹ nhàng ra sông hồ ao sạch. Không thả vào bể cá
cảnh. Rồi tiến hành hóa hết chân hương, mỗi bát hương chỉ giữ lại 3 chân hương,
hóa mọi thứ trên bàn thờ, lau chùi bát hương và bàn thờ sạch sẽ. Xong thắp mỗi
bát hương 1- 3 nén hương. Có đủ nến (hoặc đèn dầu) và nước. Đồ lễ có hay không
đều được. Chắp tay kính lạy Thần linh, Gia tiên là xong. Nhà nào có bàn thờ
Phật thì phải cúng cả bàn thờ Phật. (Theo GS Đích)