Thứ Hai, 3 tháng 10, 2016

Cúng thế nào cho đúng-TS Vũ Thế Khanh giám đốc trung tâm UIA

TS Vũ Thế Khanh giám đốc trung tâm UIA (Chuyên nghiên cứu tiềm năng con người)



Được biết  đến như là 1 nhà nghiên cứu tâm linh, đồng thời cũng là đại diện cao nhất cho UIA- đơn vị được Chính phủ giao cho khảo nghiệm về các khả năng đặc biệt, trong đó có khả năng tìm mộ bằng ngoại cảm ; trong hơn 20 năm qua, tiến sĩ Vũ Thế Khanh là người trực tiếp kiểm chứng các ca áp vong, giao lưu với các linh hồn liệt sĩ và gia tiên các dòng họ Chính vì vậy, trụ sở của UIA tại số 1 Đông Tác thường được nhắc đến ngắn gọn: “ngôi nhà giải mã các thông điệp từ thế giới ma” khi mà nơi ấy ẩn chưa nhiều thông tin về cuộc đời, về các sự kiện quá khứ của người đã khuất, được khơi lại thông qua khả năng ngoại cảm hoặc áp vong.


Nói như vậy để hiểu, trong chừng mực nhất định, tiến sĩ Vũ Thế Khanh đã trực tiếp trải nghiệm được một số điều về thế giới tâm linh. Nhân rằm tháng 7 âm lịch năm nay sắp tới, mà theo đó, lễ Vu Lan là một trong những nghi thức thiêng liêng được đông đảo người dân tham gia, như là một phần thể hiện chữ hiếu của mình đối với các bậc cha mẹ, ông bà đã qua đời, Báo Thể Thao Việt Nam mời Tiến sĩ Vũ Thế Khanh giao lưu trực tuyến để giải đáp những thắc mắc mà độc giả quan tâm: Lễ Vu Lan- làm sao cúng cho đúng nghi thức ?
Bạn đọc Lê Xuân Minh (Quận Tân Phú, TPHCM)
Hàng năm, cứ vào rằm tháng 7 âm lịch thì đông đảo gia đình người Việt trên khắp mọi miền Tổ quốc đều sắm lễ để đi chùa cầu an, cầu siêu cho cha mẹ…. Vậy tiến sĩ có thể giải thích chi tiết về các ngày lễ trong rằm tháng 7 được không thưa tiến sĩ
TS Vũ Thế Khanh: “Rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm là ngày xá tội vong nhân, dân gian gọi một cách nôm na là ngày cúng cô hồn. Nhưng đây cũng còn là ngày báo hiếu mà giới tăng ni Phật tử gọi là ngày lễ Vu Lan. Vào độ trăng tròn tháng Bảy âm lịch, người dân và Phật tử tại Việt Nam lại lên chùa dự lễ Vu Lan báo hiếu, nhớ đến công ơn của cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất… Về tại tư gia, các gia đình cũng thắp hương tưởng nhớ đến người thân và mâm lễ cúng cho những vong hồn chưa được siêu thoát. Ở nhiều nước Á Đông, ngày Rằm tháng 7 là dịp để người sống tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ, ông bà đã mất. Ở Nhật gọi là lễ Obon. Chữ Bon này tức là Urabon, do Nhật phiên âm từ tiếng Phạn Ullambana; Trung Quốc phiên âm từ Phạn ra Hán là Vu Lan Bồn hoặc Ô Lam Bà Na; Việt Nam gọi tắt là Vu Lan.
Bạn đọc Trần Hữu Ngọc Minh (ngocminh120681@….)
Chỉ còn thời gian ngắn thôi thì sẽ đến ngày lễ Vu Lan. Tiến sĩ có thể cho biết nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ được xem là tối thiêng liêng của con người khi hướng về bố mẹ mình?
TS Vũ Thế Khanh: Chi tiết hơn thì có thể giải như sau: Vu-lan (chữ Hán: 盂蘭) được hiểu là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ trọng đại của Phật giáo. Lễ này trùng vào ngày Rằm tháng 7 Xá tội vong nhân của phong tục Á Đông, trùng luôn Tết Trung nguyên của người Hán.
Theo dân gian, vào ngày này, mọi tù nhân ở Địa ngục có cơ hội được xá tội, được thoát ra khỏi cõi địa ngục
Theo tích xưa của nhà Phật, Mục Kiền Liên- 1 trong các đại đệ tử của Phật là một người con đại hiếu, đã đắc chứng Lục thông la Hán. Sau khi mẹ Ngài qua đời, vì quá yêu thương mẹ, Mục Kiền Liên đã dùng đôi mắt thần nhìn khắp 6 nẻo luân hồi để tìm mẹ. Cuối cùng, Ngài đau xót quá đỗi khi thấy mẹ đang nơi ngạ quỷ, bị đày làm quỷ đói. Ngài đã khất thực được một bát cơm thì liền dùng phép thần thông để mang bát cơm đến cho mẹ. Bà Thanh Đề thấy cơm thì vui mừng khôn siết, 1 tay bốc ăn, 1 tay che đi vì e có kẻ khác giành giật. Khi miếng cơm vừa đến miệng thì cơm bỗng bốc cháy bằng than. Vì quá đau xót khi nhìn thấy cảnh ấy, Mục Kiền Liên đến cầu xin Đức Phật cách giúp mẹ mình ra khỏi cảnh giới khổ đâu Đức Phật dạy rằng: không thể dùng phép thuật thần thông, mà hãy mời các chư tăng tu hành chánh đạo đến lập đàn sau khi kết thúc mùa an cư kiết hạ đúng vào ngày 15/7. Mục Kiền Liên nghe xong liền đi cúng dường. và mời các vị chư tăng đến đăng đàn chẩn tế Khi pháp hội chẩn tế vừa xong thì lập tức mẹ của Mục Kiền Liên ra khỏi ngạ quỷ.
Từ đó về sau, các phật tử theo gương ngài Mục Kiền Liên, lập đàn chẩn tế để cứu độ lục thân 7 đời cha mẹ và gọi đó là đại lễ Vu Lan cầu phá địa ngục cho những vong hồn. Trong đời sống tinh thần của người Việt, sự tích hay nguồn gốc của việc cúng Rằm tháng bảy dường như không quan trọng, mà điều linh thiêng và quan trọng hơn là vào ngày đó, một cái cầu vô hình dường như được bắc giữa hai bờ của thế giới Dương (người sống) và thế giới Âm (người chết).
Đạo Phật được ghi nhận là đã có mặt trên đất nước Việt Nam chúng ta từ đầu Công Nguyên, luôn hòa quyện và không ngừng phát triển mang lại cho nền văn hóa Việt Nam những đặc trưng riêng biệt vừa đậm đà bản sắc dân tộc nhưng cũng mang triết lý Phật giáo sâu sắc. Một trong những ngày lễ lớn của Phật giáo đã ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam, đó là ngày lễ Vu Lan. ngày những người con, người cháu báo ân cha me, ông bà, tổ tiên, phù hợp với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Bạn đọc Hoàng Đình Thư (Đống Đa, Hà Nội)
Vậy tại sao lễ Vu Lan lại trùng vào rằm tháng 7?
TS Vũ Thế Khanh: Câu hỏi này khá thú vị vì nhiều người mặc nhiên cho rằng cứ đến rằm tháng 7 là đến Lễ Vu Lan. Quay trở lại tích Nhà Phật về Mục Kiền Liên báo hiếu . Thời điểm mà Mục Kiền Liên chọn làm ngày để lập đàn cứu mẹ là 15 tháng 7 âm lịch. Khi đưa ra lời khuyên cho Mục Kiền Liên cứu mẹ, Đức Phật đã nói rằng không thể sử dụng thần thông (vì thần thông cũng không thể cải được nghiệp) mà phải mời các vị chư tăng tu hành chánh đạo cùng tham gia đăng đàn chẩn tế thì mới có thể đạt được thành tưu viên mãn là đưa mẹ của Mục Kìền Liên ra khỏi địa ngục. Do mùa hè nên côn trùng di chuyển rất nhiều, dễ bị các chư tăng khi đi khất thực dẫm phải,sẽ phạm vào tội sát sanh, nên Nhà Phật chọn 3 tháng ( từ ngày 15 tháng 4 đến ngày 15 tháng 7) là thời điểm “an cư kiết hạ” để tránh dẵm phải các côn trùng và cũng là mùa tu hành để tinh tấn về đạo lực.
Sau 3 tháng, đúng đến ngày 15 tháng 7 âm lịch , các chư Tăng hoàn thành mùa an cư kiết hạ, và khi đã trải qua thời gian thiền định, công đức, đạo lực của các chư Tăng rất lớn, hào quang rực rỡ, Vì vậy, việc hiện diện của các chư vị Chánh tăng này tại đại lễ đàn chẩn tế sẽ có thần lực nhiệm màu, giúp cho bà Thanh Đề ngay lập tức đươc thoát khỏi cảnh giới ngạ quỷ.
Khi thoát khỏi địa ngục, bà Thanh Đề nói với con là ngài Mục Kiền Liên rằng: nhờ có các vị Thánh tăng trợ duyên nên mẹ mới có cơ hội thoát khỏi địa ngục, vậy con hãy tạ ơn các vị Thánh Tăng bằng cách hãy đi cứu những chúng sinh còn đang bị đọa nơi địa ngục”.
Ngài Mục Kiền Liên làm theo lời mẹ, phát đại nguyện rằng: bất kỳ chúng sinh nào còn trong địa ngục, nếu nguyện đến hồng danh của Ngài thì Ngài sẽ xuất hiện và trợ giúp cho chúng sinh đó được giải thoát thoát. Khi nào địa ngục không còn bóng người thì ngài mới lên ngôi CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC.
Theo gương ngài Mục Kiền Liên, những người con hiếu thảo cũng lập HỘI VU LAN để cúng dường cầu nguyện, cứu độ cho hương linh cha mẹ, ông bà, tổ tiên và chẩn tế, bố thí công đức cho thập loại chúng sinh. Đó chính là ý nghĩa cao đẹp của Lễ Vu Lan được tổ chức vào dịp 15 tháng 7 âm lịch hàng năm.
Bạn đọc Lê Khắc Bảo Tâm (huyện Mỹ Lộc, Nam Định)
Làm thế nào để việc cúng Lễ Vu Lan được ý nghĩa, đạt thành tựu viên mãn?
TS Vũ Thế Khanh: Phải hiểu rõ rằng thành tựu viên mãn nhất khi thành kính dâng Lễ Vu Lan là: học tập và noi gương Mục Kiền Liên để cứu người thân, cha mẹ ra khỏi địa ngục đau khổ. Nếu không làm được điều đó, thì đi lễ lạt chỉ là hình thức bên ngoài, tốn kém. Vậy để trả lời câu hỏi rằng cúng làm sao để đạt thành tựu viên mãn, như đã nói, thì Đầu tiên và quan trọng nhất, những người con hiếu cháu thảo cần noi theo Mục Kiền Liên để thực hành những việc hiếu hạnh phụng dưỡng cha mẹ, ông bà đang còn sống, và phát nguyện hối hướng công đức cho họ khi đã khuất. Sau này, một số người do trình độ văn hoá yếu kém lại bị một số kẻ hành nghề mê tín dị đoan lợi dụng nên sinh ra những động thái làm sai lạc xa rời với mục đích ý nghĩa ban đầu của lễ hội Vu Lan, làm cho các nghi thức cúng lễ dần sa vào mê tín như bói toán, cầu cơ, đốt hàng mã,…
Bạn đọc Nguyễn Phục (Duy Xuyên, Quảng Nam)
Trên mâm cúng tổ tiên, gia đình bày một mâm cỗ chay hoặc mặn. Ngoài ra, nhiều người cho rằng nhất thiết trong ngày này là phải có tiền vàng, những vật dụng sinh hoạt hàng ngày như quần, áo, nón, giày dép, mắt kiếng, ….làm bằng giấy dành cho người đã lìa trần, thường được gọi bằng: hàng mã. Xin hỏi ông, những phong tục này có từ đâu và có mang màu sắc mê tín di đoạn không?
TS Vũ Thế Khanh: Tại một số dân tộc, điển hình là Trung Hoa, tục mai táng người chết rất phức tạp nên việc hoàn thành nghi thức rằm tháng 7 cho người chết cũng rất phức tạp, mỗi nơi một kiểu. Ví dụ, ngày xưa, khi có người chết, gia đình của họ sẽ chôn đồ vật theo người chết, nhất là những đồ vật mà khi còn sống trên dương gian, người đó đã luôn gắn bó.
Sau này, đến thời Vương Dũ liền chế ra vàng bạc, quần áo… đều bằng đồ giấy để cúng rồi đốt đi để thay thế cho vàng bạc và đồ dùng thật trong khi tang ma, tế lễ.…. Từ đó, nghề làm đồ mã trở nên thịnh hành.
Nhưng sau đó một thời gian, khi nhận thấy việc cúng vàng mã ðã bị mài mòn thì hậu duệ của ông Vương Dũ là Vương Luân đã làm một trò gian lận khi bài binh bố trận cho một người giả chết rồi đưa vào quan tài, Khi họ hàng thân quyến đến nhà thắp nhang cúng lễ và đốt rất nhiều đồ vàng mã thì bỗng dưng “người chết ” này sống lại, và “phán” rằng: Do biếu nhiều vật dụng, tiền bằng hàng mã , lại có cả hình nhân thế mạng nên đã mua chuộc đươc ma quỷ, Diêm Vương di căn cải mệnh, đã được tha mạng. Ở nước ta, do bị đô hộ của văn hoá Trung Quốc thời gian dài nên cũng bị ảnh hưởng bởi phong tục này chứ đạo Phật không có tục đốt vàng mã.
Như đã nói, đốt vàng mã mang màu sắc mê tín dị đoan, đó là tín ngưỡng dân gian do ảnh hưởng của Văn hóa Trung Hoa từ xa xưa, hoàn toàn không phải là tín ngưỡng của Đạo Phật.
Hiện nay , một số chùa vẫn duy trì tục đốt vàng mã, tục lệ này do các Phật tử sơ cơ tự đem vào chùa mà thôi, các Tăng Ni không chủ trương việc này.
Tuy nhiên, hiện tại một số chùa, có một số vị chủ trì vì muốn phương tiện “chiều lòng Phật tử” để giữ khách, nên vẫn tạo cơ hội cho các Phật tử đốt nhiều vàng mã tại Chùa, nhưng thực sự trong lòng họ cũng chẳng tin sự linh nghiệm của tục đốt vàng mã..
Bạn đọc tranthaiminhgiang20
Rằng tháng 7 còn có liên quan đến Tết Quỷ. Truyền thuyết dân gian cho rằng từ mùng 2/7, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan và đến rằm tháng 7 thì “thả cửa” để cho ma quỷ túa ra tứ phương, đến sau 12 giờ đêm ngày 15/7 thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại địa ngục. Bởi vậy, từ đêm 14/7 đến 15/7, người ta thường đốt nến, hóa vàng bạc hoặc giết gà vịt cúng quỷ đói để cầu được bình an và những điều tốt đẹp, không bị ma quỷ hại phá, đó chính là nguồn gốc của tên gọi Tết Quỷ. Làm thế nào để phân biệt được sự khác nhau giữa tết Quỷ và lễ Vu Lan?
TS Vũ Thế Khanh: Phải phân biệt rõ: Dùng vàng mã, giết hại sinh vật để , biếu tặng, ma quỷ,…nhằm mục đích vụ lợi cho mình được yên ổn thì đã khác xa với việc báo hiếu của Mục Kiền Liên. Đối với Phật Giáo, dùng hào quang trí tuệ, lòng từ bi, và thực hành theo luậtt nhân quả để tiêu trừ nghiệp chướng thì mới ra khỏi địa ngục được. Hay nói cách khác, dùng ánh sáng Phật Pháp để soi đường cho sinh linh không sa vào cõi đau khổ mới được coi là thiết lễ Vu Lan. Vậy Tết Quỷ trùng rằm tháng 7 nhưng không có nghĩa giống nghi thức lễ Vu Lan của đạo Phật.
Bạn đọc Lý Trúc Bảo (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Nam)
Truyền thuyết dân gian cho rằng từ mùng 2/7, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan và đến rằm tháng 7 thì “thả cửa” để cho ma quỷ túa ra, đến sau 12 giờ đêm ngày 14/7 thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại địa ngục. Ông nhìn nhận truyền thuyết này là có thực hay chỉ là sự tưởng tượng, mê tín dị đoan?
TS Vũ Thế Khanh: Trước tiên, phải hiểu Tết Quỷ đó là quan niệm dân gian, được hiểu như đó là ngày “xả trại”, thả cho các tù nhân một thời gian ngắn rồi lại cầm tù trở lại.
Trong khi đó, theo quan niệm Đạo Phật , Lễ Vu Lan là dùng công đức, từ bi, hiếu thảo để cứu vớt sinh linh chấm dứt hẳn đau khổ. Vì vậy, ban đầu mục đích của truyền thuyết rất trong sáng, như là một nét văn hóa đẹp, sau này một số nơi bị biến dạng sang các nghi thức khác do các tín ngưỡng tạp nhạp trong dân gian.
Bạn đọc Hồng Tâm (Đông Tác, Kim Liên, Hà Nội)
Nguyên nhân nào mà vào dịp rằm tháng bảy, chúng ta thường cúng trước ngày 15?
TS Vũ Thế Khanh: Trong dân gian, ngày 15/7 là ngày hạn mở cửa, giống như là thời hạn “đóng gói hàng gửi” bưu điện vậy. sau ngày 15/7 sẽ không nhận nữa. Cũng có truyền thuyết mô tả sự tích này là trong “thế giới tâm linh” có 1 dòng sông chở hàng hoá của người trần gửi cho người âm, đó là dòng Sông Chở Mã. Sau 15/7 “thuyền chở mã” đã rời bến, nên đốt mã sau ngày đó sẽ không còn giá trị cho người âm nữa, Xin lưu ý, đấy là truyền thuyết, chứ hiện tượng “chở mã” này có đúng hay sai thì hoàn toàn không có gì làm bằng chứng .
Bạn đọc Tôn Thất Hồng Nguyên (Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội)
Tôi cho rằng việc cúng rằm tháng bảy chỉ giúp những người lớn tuổi an tâm, và giúp 1 số người sợ hãi mà hướng thiện hơn, còn giới trí thức thì nên hiểu nền tảng của Phật Giáo là Nhân Quả chỉ có gieo Nhân lành thì mới có cơ hội hái Quả thiện thôi. Tôi nói như vậy, tiến sĩ thấy thế nào?
TS Vũ Thế Khanh: Bạn nghĩ vậy chưa đúng hoàn toàn đâu. Người ta khi càng nhiều tuổi càng trải nghiệm, vì thế càng am hiểu về các lẽ sống ở đời, nhất là càng tin vào luật nhân quả và lòng hiếu thảo. Việc tham dự Lễ Vu Lan như là một dịp nhắc nhở mỗi năm ít nhất cũng phải 1 lần, Tức là, có thể trong cả một năm, anh có thể vì mưu sinh mà quên công ơn cha mẹ, nhất là bậc sinh thành đã lìa trần, nhưng đến Lễ Vu Lan thì anh không thể quên đi ý nghĩa“ Uống Nước Nhớ Nguồn”. Đồng thời, đối với người con hiếu thảo, thì ngày nào cũng là ngày Vu Lan.
Bạn đọc ở số điện thoại 0934319…
Trong dịp lễ Vu Lan, người dân nói chung và bà con Phật tử ngoài việc lên chùa cài hoa hồng, tụng kinh cầu siêu, cúng dường trai tăng… còn thiết mâm lễ cúng cho những vong hồn chưa được siêu thoát (còn gọi là lễ xá tội vong nhân). Ông có cho rằng đó là điều nên làm không hay chỉ mang ý nghĩa tinh thần cho người sống vì thấy vẫn còn giữ mối liên lạc với người thân đã từ trần, chứ tuyệt nhiên chẳng giúp ích gì cho người thân ấy khi đã trút hơi thở?
TS Vũ Thế Khanh: Nếu bạn nghĩ chẳng giúp gì cho người thân thì cũng không hẳn như thế đâu. Việc thiết mâm lễ cho những vong hồn chưa siêu thoát mang 2 ý nghĩa: cho người chết và cho cả người sống. Vậy câu hỏi đặt ra là vấn đề không phải có nên làm hay không mà nên làm thế nào cho đúng. Nếu làm theo gương Mục Kiền Liên, lấy từ bi, trí tuệ và chữ hiếu làm đầu thì chẳng những có thể đem lại sự giải thoát cho người đã khuất theo quan điểm nhà Phật mà còn vừa nuôi dưỡng lòng hiếu thảo cho người đang sống, đối đãi với cha mẹ, với người thân trong gia đình được thuận hòa, an vui.
Riêng về cúng lễ cho các cô hồn thì ngoài sự giống nhau khi tham dự Lễ Vu Lan là cùng xuất phát từ tâm nguyện của mình hồi hướng cho người đã khuất, còn có sự khác biệt cần lưu ý. Lễ Vu Lan là cúng lễ cho ông bà, cha mẹ, được xuất phát từ sự hiếu thảo yêu thương, trong khi cúng lễ cho các cô hồn là cúng lễ cho các linh hồn không nơi nương tựa, cho thập loại chúng sinh xuất phát, từ lòng từ bi lòng vị tha đối với muôn loài, không phân biệt là thân tình ruột thịt hay là người dưng.
Bạn đọc ở địa chỉ email: quan.hong.ngoc2101@….
Ở quê tôi, đúng 15/7 là ngày “ông thần tha ma, chủ nhà tha thợ cấy”, “mở cửa ngục xá tội vong nhân”. Người dân thường làm một lễ cúng tạ ơn các thần linh, một mâm tưởng nhớ ông bà gia tiên, với mong ước các vong hồn siêu thoát và cầu bình an cho gia đình. Vì vậy nên đa phần các gia đình thường cúng cơm mặn. Tôi rất băn khoăn vì có lần tôi đọc sách thì được khuyên là nên cúng chay.
TS Vũ Thế Khanh: Cúng chay hay mặn là do tín ngưỡng của mỗi người. Cũng giống như chúng ta chiêu đãi khách. Có vị khách thích thịt, cá. Cũng có vị khách thích đồ chay thanh tịnh. Những vị khách hay thèm thịt cá thì hàng ngày có nhu cầu sát sinh để tạo ra các món ăn mà mình ưa thích . Những khách hàng ăn chay thì họ không sát sinh mà vẫn có thể tìm được các món ăn hợp khẩu vị. Cứ cho rằng người ta dâng cúng cho người đã chết mà họ có thể thưởng thức được, hoặc đã tiếp nhận được, thì ta thấy cúng đồ thịt cá thì “người nhận” sẽ thèm khát, nghiện thức ăn mặn, từ đó tạo nghiệp sát sinh. Nếu như có tái sinh kiếp sau thì họ sẽ chọn vào các gia đình hành nghề sát sinh để đầu thai. Như vậy thì nghiệp chướng chất chồng, sẽ khổ cho ông bà, tổ tiên đã khuất trong các kiếp tái sinh sau này. Nếu cúng chay, sẽ tạo duyên cho các linh hồn đó quen dần với những khẩu vị thanh tịnh, khiến cho thần thức của họ được minh triết, thì họ sẽ chọn những gia đình hiền lương, nhân ái để tái sinh trong kiếp sau .
Bạn đọc Lê Nguyễn Thái Minh (quận 10, TPHCM)
Tôi du học ở Singapore về. Thật lòng tôi không tin vào những nghi thức cúng lễ. Tuy nhiên, tôi thấy ở nhiều nước Á Đông, chứ không riêng gì Việt Nam, mỗi lần đến ngày Rằm tháng 7 là người dân lại có thời gian chú tâm để tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ, ông bà đã mất, cũng là dịp để giúp đỡ những linh hồn đói khát. Trước sự thiêng liêng đó, bản thân tôi cũng muốn làm điều gì đó tốt nhất cho người thân đã qua đời, theo kiểu “có kiêng có lành”Theo tiến sĩ, tôi nên làm gì cho đúng đắn với đạo làm con cháu mà không sa đà vào mê tín dị đoan?
TS Vũ Thế Khanh: Nếu theo nghĩa rộng thì Lễ Vu Lan là một dịp nhắc nhở cho người đời về việc tri ân, đền ơn các bậc sinh thành, dưỡng dục mình. Nếu mỗi năm chỉ hiếu thảo với cha mẹ một ngày, còn những ngày khác không hiếu thảo thì cũng chẳng mang ý nghĩa gì. Ngược lại, nếu một người nào đó quanh năm hiếu thảo với ông bà cha mẹ, làm điều thiện với mọi chúng sinh thì ngày nào cũng được xem là ngày Lễ Vu Lan. Hay nói cách khác, hễ ngày nào chúng ta tập trung làm việc thiện, hồi hướng công đức cho người thân thì cần hiểu rằng đó là ngày lễ Vu Lan.
Tóm lại, Lễ Vu Lan không mang màu sắc mê tín dị đoan, bởi xét về mặt bản chất, Lễ Vu Lan là nét văn hóa tốt đẹp, trong sáng,nhắc nhở các người con, người cháu phải thực hành báo hiếu, đền ơn đối với cha mẹ, tổ tiên mình.
Bạn đọc Nguyễn Thị Minh Nguyệt (Gia Lâm, Hà Nội)
Tại nhiều nước châu Á, ngày Rằm tháng 7 âm lịch được coi là ngày dành cho người âm còn được gọi là tháng cô hồn. Vì vậy, người ta thường tránh làm việc đại sự vào tháng này… Việc kiêng kỵ như vậy có đúng không thưa tiến sĩ?
TS Vũ Thế Khanh: Đó chỉ là do tâm lý đã ăn sâu vào tiềm thức của đa số người dân, vì nghĩ rằng tháng 7 là tháng hàng mã nhan nhản khắp nơi để phục vụ cho việc cúng lễ rằm tháng 7. Mà hàng mã thì dễ khiến người ta liên tưởng đến những vật dụng mau hỏng, rẻ tiền, không chất lượng, giả tạo…. Đó chính là những ám thị xuất phát từ việc nói trên. Và cũng có điều kỳ lạ mà không biết các bạn để ý không, vào tháng 7, đa phần tâm lý người dân khi ăn trái cây thường sẽ cảm nhận không ngon, cứ sống sượng, chua chát sao ấy. Đó cũng một phần là do ám thị mà ra. Tương tự người ta hay nói: chớ đi ngày 7 chớ về ngày 3, hoặc kiêng thứ 6 trùng với ngày 13. .. Tất cả những ám thị áy khiến tiềm thức chúng ta không yên tâm trong các quyết định của mình, từ đó khi hành động, triển khai sự kiện gì thì lại thiếu tập trung, không kiên quyết, vì thiếu sự tin tưởng.
Bạn đọc Vũ Đức (Lý Thường Kiệt, quận 10, TPHCM)
Mẹ tôi khi còn sống đã rất cực khổ vì con, vì cháu. Khi tôi đã thành đạt rồi, vợ con đầy đủ, cuộc sống sung túc hơn thì mẹ lại bỏ chúng tôi mà ra đi cùng ông bà tổ tiên. Tôi luôn day dứt vì chưa mang lại cho mẹ tôi những ngày sung túc, không phải lo cái ăn, cái mặc. Vậy tôi hỏi thật tiến sĩ, nếu tôi hóa vàng mã những thứ cần thiết cho mẹ tôi, thì mẹ tôi có nhận được không, và có sử dụng được không?
TS Vũ Thế Khanh: Khi mẹ cha còn sống mà không chú ý cung dưỡng, chờ đến khi chết rồi mới biếu vàng mã, cúng cấp cỗ bàn thịt cá linh đình thì cũng đã muộn rồi, và người ta thường nói:
“Còn sống thì chẳng cho ăn
Đến khi chết xuống làm văn tế ruồi ”
Vậy cơ hội báo hiếu cho cha mẹ khi đã khuất là:
– Không cũng vàng mã, không cúng tiền giả , không cúng đồ sát sinh, không cúng các đồ tanh hôi…mag phải cúng đồ thật, tiền thật thanh tịnh, cúng cỗ chay.
– Thực hiện các khóa lễ tâm linh, tụng kinh sám hối , tụng kinh Vu lan báo hiếu cho linh hồn cha mẹ tổ tiên được cảm ứng mà xả bỏ được nghiệp chướng thâm sân si, phiền não để trở về cảnh giới an lạc, đồng thời cho những người còn sống cũng thấm nhuần đạo lực của Chánh Kinh.
– Làm các việc thiện, việc lành, khởi niệm từ bi với mọi chúng sinh để hồi hướng công đức cho cha mẹ tổ tiên…
Thực ra , cha mẹ cũng không câu nệ , không đòi hỏi con cháu phải phụng dưỡng, dâng biếu cao lương mỹ vị hoặc các thứ phẩm vật đắt tiền tốn kém, mà chỉ cần con cháu hiếu thảo là họ vui rồi
Nếu con cháu hiếu thảo thì cơm canh đạm bạc, thậm chí ngô khoai cũng trở thành cao lương mỹ vị, nhưng nếu con cháu vênh váo, thô lỗ và ghẻ lạnh thì cho dù có bày đặt cao lương mỹ vị đắt tiền đến đâu thì vật dụng cũng trở nên đắng chát.
Bạn đọc Hữu Hải (Thành phố Vinh, Nghệ An)
Sắp tới Rằm tháng 7, cháu xin hỏi bác Khanh một chút về sắm vàng mã và đốt vàng mã thế nào cho đúng vì cháu thấy vừa tin người đã khuất nhận được, vừa không tin. Nói chung là cháu cứ làm theo thói quen mà ba mẹ cháu thường làm. Chú cho cháu ý kiến nhé?
TS Vũ Thế Khanh: Tôi cũng có tâm trạng như Bạn. Khi cha mẹ tôi còn sống, tôi chưa dâng cho cha mẹ thức ăn ngon bổ dưỡng nhất, chưa tận lực cứu chữa khi cha mẹ yếu đau, chưa kịp mang những niềm vui của một cuộc sống sung túc về vật chất thì hai đấng sinh thành đã không còn ở trên thế gian. Giờ đây, khi có đủ điều kiện, tôi muốn hiến dâng đáp đền cho cha mẹ nhưng không còn cơ hội được nữa. Nhiều đêm nằm nhớ lại những ngày mẹ cha gian khó, tôi thấy xót xa. Mỗi khi ăn một món ngon, nhớ đến mẹ cha thì thấy nghèn nghẹn lại trong cổ họng, và thấy đăng đắng trong lòng. Có thời kỳ, tôi cũng đã đốt rất nhiều vàng mã để biếu ông bà, cha mẹ, và trong thâm tâm cũng được an ủi đôi phần vì nghĩ rằng người âm cũng có thể hiểu và nhận được những tình cảm nhớ thương của tôi thông qua những đồ tôi dâng cúng. Nhưng trong những năm qua, khi công tác tại UIA, chúng tôi đã tiến hành khảo nghiệm hàng nghìn, hàng vạn các ca giao lưu với thế giới vô hình và đều, gửi đến họ câu hỏi, rằng: Khi con cháu đốt vàng mã thì người âm có nhận được không?
Có đến 70% gia đình có người âm lên “giao lưu” đều nói rằng khi cúng vàng mã thì họ cũng “nhận được”, thậm chí còn mô tả rõ ràng những đồ vật mà con cháu dâng cúng, Nhưng thông qua thái độ của họ, khái niệm “nhận được’ chỉ là cảm ứng về mặt tư tưởng, nhưng mà “không dùng được” những thứ đồ mã đó . Bởi 2 hệ quy chiếu khác nhau, hai môi trường khác nhau thì “không thể dùng chung một loại phương tiện” được. Nói một hình tượng cho dễ hiểu hơn, rằng “thống đốc ngân hàng” của thế giới tâm linh không thể đồng ý những đồng tiền do các cõi khác đưa xuống một cách bừa bãi, tùy tiện. Do vậy, đốt vàng mã thì có thể “nhận” nhưng không dùng được. Chưa nói đến, chúng ta đốt vàng mã vừa tốn kém về tiền bạc (dùng tiền thật mua đồ giả), vừa làm ô nhiễm môi trường.
Bạn đọc Trần Ngọc Tuyết (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa)
Vậy thì theo tiến sĩ, nên cúng đồ thật hay đồ mã?
TS Vũ Thế Khanh: Tôi rất thích câu hỏi này. Trong nội dung giao lưu ngày hôm nay, chúng ta thống nhất rằng việc dâng lễ trong Lễ Vu Lan là 1 nét đẹp truyền thống từ bao đời nay của dân tộc Việt. Vậy việc cần trao đổi ở đây là bàn về chúng ta nên cúng như thế nào để không sa đà vào mê tín dị đoan. Đối với việc cúng thì dù đồ vật hay đồ mã thì người đã khuất họ chỉ nhận được tư tưởng, lòng thành của ta chứ không sử dụng được. Đương nhiên, khi cúng đồ mã, không những không dùng được mà còn tốn kém tiền của , lại còn ảnh hưởng xấu đến môi trường. Còn cúng đồ thật, cũng vậy, người đã khuất cũng chỉ nhận được, tâm tưởng, lòng thành của chúng ta. Vì đối với chúng ta, cho dù là đồ thật, , tiền thật, nhưng chuyển qua thế giới tâm linh của người đã khuất thì cũng đều không có giá trị sử dụng. Vậy vấn đề ở đây cần nghiên cứu sâu hơn nữa, là tại sao phải cúng đồ thật?
– Thứ nhất: khi chúng ta dâng cúng đồ thật thì chúng ta đã thể hiện tấm lòng chân thành của mình.
– Thứ hai: Nếu tiền và vật cúng của chúng ta có thể mang lại những điều tốt lành cho người còn sống thì người đã khuất cũng được hưởng công đức tốt lành đó Ngược lại, đồ cúng lễ của chúng ta lại rơi vào nơi Mê Tín Dị Đoan, hoặc vào lừa đảo thì họ cũng cùng với ta chịu ảnh hưởng nhân quả xấu xa đó. Do vậy, những đồng tiền và đồ vật dâng cúng chỉ thật sự có ý nghĩa sau khi cúng xong được đem đi làm từ thiện.
Bạn đọc Lâm Minh Thu (thành phố Rạch Giá, Kiên Giang)
Cháu thấy trong rằm tháng 7 có nhiều cách gọi, như cúng rằm tháng 7, lễ Vu Lan,Ttết Trung Nguyên. Vậy xin cho cháu hỏi, những lễ này có phải xuất phát từ văn hóa Trung Hoa không ạ? Mình là người Việt Nam, vậy có nên theo những phong tục tập quán này không thưa ông?
TS Vũ Thế Khanh: Câu hỏi của bạn rất mang tính thời sự. Trước hết, chúng ta phải thống nhất một nguyên tắc rằng một nền văn hóa nào đó là thành tựu, là truyền thống của cả một dân tộc, đó là sản phẩm của nhân dân được tích hợp từ lâu đời chứ không phải là sản phẩm của riêng giai cấp thống trị. Việc hành xử của một số cá nhân nắm quyền bính trong một thời điểm lịch sử nào đó chỉ đại diện cho tư duy của nhóm thống trị chứ không thể là biểu tượng điển hình hoặc tượng trưng cho cả một nền văn hiến lâu đời..Nhân dân Trung Quốc nói chung là tốt. Sản phẩm văn hóa của Đất nước Trung Hoa cũng đã góp phần rất lớn vào văn minh loài người, nhưKinh dịch, Thuyết âm dương, ngũ hành, Tây Du Ký, .có những bạo chúa như Tân Thủy Hoàng, tham nhũng như Hòa Thân, Bàng Thái Sư .. thì cũng có những nhà văn hóa lớn như Khổng Tử, Lão tử, Tôn Vũ, có quan thanh liêm như Bao Công, có những vị đại giác ngộ như Huệ Năng…
Ngày xưa, khi chúng ta kháng chiến chống Thực dân Pháp, rồi chống Đế quốc Mỹ thì văn hóa ứng xử của nhân Dân Pháp, nhân dân Mỹ vẫn là nhân tố tích cực ủng hộ nhân dân Việt nam .Cũng vậy, Chúng ta nên phân biệt : hành vi ứng xử của hệ thống chính trị quyền bính của Trung Quốc hiện nay không đại diện cho những tinh hoa của Nền văn hóa Trung Hoa, và họ cũng không đại diện cho tình cảm thân thiện của nhân dân Trung Quốc đối với Nhân dân Việt Nam
Công bằng mà nói, bất cứ nền văn hóa của dân tộc nào cũng có cái hay và cái chưa hay. Vậy khi tiếp cận những phong tục tập quán này, chúng ta cần phân biệt điều nào hay thì chúng ta tiếp thu, áp dụng, điều nào chưa hay thì cần loại bỏ. Đừng vì một số kẻ thống trị đang đi ngược lại với tính nhân văn của quảng đại quần chúng mà loại bỏ những nét đẹp văn hóa của cả một dân tộc theo kiểu “giận cá chém thớt”
Bạn đọc Tôn Nữ Ngọc Hân (phường Phương Long, Huế)
Theo phong tục dân gian, khi cúng rằm tháng 7, người dân hay cúng mía. Xin tiến sĩ cho biết nguồn gốc đó từ đâu?
TS Vũ Thế Khanh: Không chỉ riêng gì rằm tháng 7, mà mía là vật cúng thường được dâng lên cùng vói các mâm cỗ như cứng Đêm giao thừa, cúng đưa- đón Ông Táo về trời, cúng Rằm Tháng Giêng… Bởi mía tượng trưng cho sự ngọt ngào( thức ăn), đồng thời cũng mang ý nghia cho sự hỗ trợ, chở che, chống đỡ (gậy chống khi gặp đường trơn hoặc gập ghềnh hiểm trở, gậy cho người lớn tuổi khi mỏi gối chồn chân).
Bạn hỏi điều này làm tôi nhớ đến một câu chuyện cảm động liên quan đến ý nghĩa tượng trưng của cây mía. Có một Thư sinh sau khi đỗ Trạng Nguyên, được vua gả công chúa cho, Khi vinh quy bái tổ về làng thì cũng rơi vào tình thế rất khó xử. Bởi lẽ, Trạng Nguyên không thể để người vợ đã tần tảo cung phụng cho cha mẹ mình, chu cấp cho mình ăn học từ thuở hàn vi, giờ phải cam phận vợ lẽ. Nhưng cũng không dám tùy tiện để cho công chúa con vua phải làm phận lẽ mọn. Chưa kể, nếu vua biết con mình thiệt thòi về danh phận mà sẽ giáng tội khi quân phạm thượng, khiến cả nhà có thể đối diện với hoạ sát thân.
Để giải quyết tình huống này, Trạng Nguyên đưa ra “bài thi để phân định danh vị nhất phẩm phu nhân. Ông đưa cho mỗi người vợ một bát gạo và vài cây mía, rồi công bố rằng ai nấu được cơm ngon thì người đó được làm nhất phẩm phu nhân Do không có củi, nên không thể nấu thành cơm, người vợ thuở hàn vi tủi thân rơm rớm nước mắt. Thấy thế, Trạng liền đọc một câu, nhằm gợi ý:
“Vừa ăn vừa nấu mới hay,
Ngày xưa nuôi mẹ nuôi thầy làm sao”.
Nghe đến đây, vợ hiểu ngay những lúc còn gian khó, dẫn mẹ chồng đi khất thực, nhiều khi phải lấy mía để độ thực qua ngày. Thế là nàng liền lấy mía ra ăn, sau đó đem phơi bã và dùng làm chất đốt thay củi, rồi hoàn thành nhanh chóng bàì thi nấu cơm. Trong khi đó, cô công chúa do chưa từng sống khổ cực, cũng không hiểu được ý của Trạng nên đành chịu thua, tâm phục khẩu phục mà chấp nhận làm vợ thứ.
Thông qua câu chuyện này, chúng ta thấy rõ vì sao mía hay được cúng cùng các mâm cỗ của gia đình, bởi nó biểu trưng cho tấm lòng thơm thảo, tinh khiết, sự ngọt ngào như vị mía; sự tần tảo, kiên trì, đầm ấm của những người thân trong gia đình, ngọt bùi cùng hưởng, lo lắng cho nhau kể cả khi một trong số đó đã lìa trần. Ngoài ra, mía còn mang lại sự may mắn, nương tựa và phúc hậu.
Bạn đọc Lê Khiết Tường (Lý Thái Tổ, quận 10, TPHCM)
Ở chùa cũng hay có lễ phóng sinh, thả chim, thả cá về với môi trường sống của chúng. Việc này có ý nghĩa như thế nào thưa tiến sĩ?
TS Vũ Thế Khanh: Nghi thức phóng sinh là nhằm nuôi dưỡng và khuyến khích lòng từ bi đối với muôn loài. Những người mà ngay cả con vật cũng không muốn sát hại thì không bao giờ dám sát hại con người . Theo tư tưởng đạo Phật, phóng sinh về mặt nhân quả giúp hành giả tiêu trừ được nghiệp chướng mà họ đã gây ra trong quá khứ . Vì vậy, người ta còn nói : phóng sinh là giải trừ nghiệp chướng. Tuy nhiên, nhiều nơi làm nghi thức phóng sinh mang tính hình thức chưa đi sâu vào bản chất của từ bi. Khi đi phóng sinh thì lại đặt hàng cho người khác đi đánh cá, bắt chim để tiến hành nghi thức phóng sinh. Như thế, tính từ bi không còn nữa, không những không đạt được mục đích tiêu trừ nghiệp chướng mà còn khuyến khích người khác gây tội lỗi .
Ngoài ra còn phải hiểu, mọi chúng sinh đều có quyền được sống bình đẳng, được sống an lành. Ta tôn trọng quyền được sống, quyền tự do của chúng sinh khác, của người khác thì ta cũng được người khác tôn trọng cuộc sống và tự do của mình.
Bạn đọc số điện thoại 091389123…
Ở một số vùng miền của Việt Nam, trong ngày lễ Vu Lan, vốn được coi là ngày dành cho mẹ, những người có mẹ còn đang sống sẽ cài một bông hồng đỏ lên áo và sẽ báo hiếu mẹ trong ngày này. Trong khi đó, những người không còn mẹ nữa sẽ đeo một bông hồng trắng, tới chùa cầu kinh để linh hồn mẹ được an lành, siêu thoát. Vậy theo ông, đây là tín ngưỡng tôn giáo thuộc về tâm linh hay là 1 ngày lễ thuộc về xã hội?
TS Vũ Thế Khanh: Câu hỏi này khiến tôi vô cùng xúc động. Màu sắc hoa hồng trắng hay đỏ chỉ là sự qui ước. Trong ngày Lễ Vu Lan, dù cài hoa màu gì thì cũng là hướng về cha mẹ , mong cho cha mẹ những điều an lành, cũng như tỏ lòng biết ơn sâu sắc. Khi cha mẹ còn trên cõi trần, thì chúng ta phụng dưỡng, vấn an, lo cho từng miếng cơm, chén thuốc , chia sẻ buồn vui. Khi bố mẹ lìa trần, chúng ta vẫn giữ lòng biết ơn, hiếu thảo ấy bằng cách hồi hướng những công đức mình đã tích góp đến cha mẹ.
Riêng bậc tu hành thì các chư tăng, ni sẽ cài hoa màu vàng, vì dù họ không có điều kiện chăm sóc cha mẹ mỗi bữa ăn, mỗi giấc ngủ nhưng với trí tuệ của mình sẽ hướng dẫn cha mẹ đi đúng đường mà sớm về cõi an vui vĩnh hằng. Nhưng dù là ai, có tu thành chánh quả hay nghiệp chướng vẫn còn nặng nề, thì trong ngày Lễ Vu Lan cũng là ngày để chúng ta cùng nghĩ về những công đức, khó nhọc mà cha mẹ đã vì ta mà gánh chịu, đã vì ta mà tạo nghiệp – từ đó, khơi dậy lòng hiếu thảo, nhắc nhở ta, làm những điều tốt đẹp cho cha mẹ, cho muôn chúng sinh để hồi hướng công đức cho cha mẹ mình dù còn sống hay đã khuất.
Mặt khác, cần hiểu thêm rằng “Tâm linh” là từ Hán – Việt, được ghép từ 2 thành tố là “Tâm” và “linh”, được hiểu rằng: đó là tấm lòng vị tha, là cái tâm trong sáng và kì diệu, màu nhiệm, thiêng liêng . Vậy thì ở đời, ta phải sống bằng tâm trong sáng để làm nên những điều kì diệu, thiêng liêng, mầu nhiệm cho chúng ta cũng như cho bậc sinh thành. Nói cách khác, cài hoa màu gì không quan trọng mà chúng ta cần ý thức rõ ràng rằng, bông hoa chúng ta sẽ cài vào tâm khảm sâu xa của trái tim hiếu thảo là những “bông hồng tâm linh”. Một khi cài vào cái tâm hiếu thảo sâu sắc hướng đến cha mẹ thì màu sắc của bông hồng tâm linh sẽ cực kỳ rực rỡ , nhiệm màu, Nghi thức Lễ Vu Lan không nên tiếp cận theo góc độ chỉ là thuần túy tín ngưỡng tôn giáo, mà cần thắp lên ngọn đuốc trí tuệ của tình thương yêu, tưới những giọt nước cam lồ ngọt nào của lòng từ bi lên những tâm hồn đang khổ đau, phiền não. Đó là ý nghĩa đích thực của ngày Lễ, là nét đẹp nhân văn trong ứng xử của những người là con đại hiếu , bởi sự hiếu thảo không thuộc về bất kì tôn giáo nào. Nó thuộc về điều tốt đẹp vốn có sẵn trong từng trái tim nhân ái của mỗi con người chúng ta.
Bạn đọc Hồ Xuân Thương (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ)
Trong quá trình công tác tại UIA, ông có trực tiếp tiếp xúc với các vong hồn không? Nếu có, xin cho tôi hỏi rằng có phải chỉ trong rằm tháng 7 thì các vong hồn mới được trở về nhà của mình, nên rằm tháng 7 mới trở nên quan trọng như vây?
TS Vũ Thế Khanh: Nếu hiểu theo nghĩa rằm tháng 7 là ngày mở địa ngục thì đó là cách nghĩ theo màu sắc của tín ngưỡng dân gian.
Nhưng theo tư tưởng đạo Phật, thì không chỉ cứ đến rằm tháng 7 là cửa địa ngục mới mở mà bất cứ khi nào ta sám hối và tiêu trừ được nghiệp chướng thì lúc đó địa ngục tự mở. Hay nói một cách tổng quát hơn, bất cứ khi nào mà tâm mình an lạc thì địa ngục tự tiêu tan. Đại văn hào Nguyễn Du có viết:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu.
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
thì khi tạo cảnh giới đau khổ, lập tức con người nằm trong địa ngục. Ngược lại, nếu tạo cảnh giới an vui, an lạc thì lập tức tâm được trở về trạng thái được giải thoát. Đó gọi là “ Vạn pháp do tâm tạo”. Vậy muốn ông bà tổ tiên được siêu thoát thì ta phải làm những việc công đức để thần thức, linh hồn được trở về cảnh giới an lạc thanh tịnh
Bạn đọc Trần Bình Nguyên (phường Cẩm Tây, TP Cẩm Phả)
Nhiều người nói rằng cứ phải là người con hiếu thảo thì khi cúng mới mang lại công đức. Còn những người con đã từng hư đốn, bất hiếu thì bây giờ có cúng cũng chẳng linh thiêng gì. Ông nghĩ sao về quan niệm này?
TS Vũ Thế Khanh: Tội lỗi không mang tính chất vững bền, chỉ do hành vi tạo tác trong một hoàn cảnh nào đó, nó vốn không bản chất Tâm hiếu thảo từ bi mới là tâm dài lâu bền vững. Tâm tội lỗi cũng như bụi bẩn, rác nhơ trong phòng, Khi người ta quét rác, quét bụi bẩn ấy đi thì căn phòng tự nhiên sạch sẽ, thanh tịnh, không cần phải tìm “cái thanh tịnh -sạch sẽ” từ bên ngoài. Cũng vậy căn phòng đang tối tăm mà ta thắp lên ngọn đèn, thì cái tối tăm trong căn phòng tự nhiên biến mất. Vậy nếu cái bóng tối, cái tội lỗi ấy mất thì đi tâm ta quay trở về với thể tính đại trí, đại hiếu.
Nhà Phật có câu: “Khi tâm phàm phu diệt thì tội cũng diệt”. Vậy khi đứa con thành tâm cúng cha cúng mẹ thì cho dù trước đây anh ta hư đốn và bất hiếu chăng nữa, nhưng đã quay trở lại sám hối thì tội lỗi cũng biến mất như rác bẩn được quét ra khỏi căn phòng, và ngay lập tức anh ấy đã trở thành đứa con hiếu thảo. Tôi tâm đắc câu: “Bể oán cho dù mênh mông, nhưng quay lại là thấy bờ ngay lập tức”. Nhân Lễ Vu Lan, chúng ta nên dành thời gian nhìn nhận lại cuộc sống gia đình và nội tâm của mình, nếu đã từng làm cha mẹ buồn lòng, phạm vào điều bất hiếu thì hãy thành tâm sám hối.
Như Mục Kiền Liên được người đời ngàn năm nhắc đến như là 1 tấm gương của bậc đại hiếu, nhưng thực ra từ kiếp xã xưa Ngài đã từng là một tên đại bất hiếu với cha mẹ mình, thậm chí đẩy cha mẹ mình vào rừng sâu hoang vắng để chạy trốn trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ lúc cha mẹ già yếu. Nhưng nhờ ăn năn sám hối, Mục Kiền Liên đã trở thành huyền thoại vĩ đại về một vị bồ tát đại hiếu thảo
Bạn đọc tại email: vaemdayeu2010@…..
Cháu lên Hà Nội học đại học mà đúng dịp rằm tháng 7 là ba mẹ ở quê gọi điện nói ra rả rằng không được đi chơi đêm vào ngày này vì sẽ dễ gặp điều không may? Có thật như vậy không thưa bác?
TS Vũ Thế Khanh: Theo luật nhân quả, nếu làm điều tốt đẹp thì đi bất kể ngày nào cũng là ngày tốt, và không bị sợ sệt. Nhưng nếu ta chọn ngày tốt mà làm điều ác thì nhân quả cũng không được tốt lành. Bởi vậy, không nên quá câu nệ ngày tốt ngày xấu, mà điều chủ yếu là ta làm việc tốt hay xấu mà thôi.
Ngày “tốt ” làm điều xấu, ngày đó thành ngày xấu.
Ngày “xấu” làm điều thiện, ngày đó thành ngày tốt
Do vậy cũng không nên quá thành kiến về ngày rằm tháng 7. . Nếu đi chơi đêm thì có khi gặp “ma trần” làm hại chứ chưa chắc đã phải là “ma âm”.
Xin cảm ơn TS Vũ Thế Khanh vì buổi giao lưu hết sức thú vị này. Hẹn gặp lại Ông trong các cuộc giao lưu sắp tới về các chủ đề gần gũi với cuộc sống mà bạn đọc quan tâm (Đăng lại từ trang tin điện tử UIA)