Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

Phấn đấu vượt qua bệnh tật của một cựu chiến binh.

(Tác giả CCB Trần Văn Nghĩa đứng ngoài cùng bên trái)


Tôi đã sống qua những ngày vô cùng tuyết vọng và tôi đã vượt qua nó chính bằng nghị lực của bản thân, bằng tình yêu của người thân và bạn bè...
Vâng đã có lúc tôi thật sự tuyệt vọng. Không tuyệt vọng sao được khi tuổi đời còn trẻ - mới gần 40 tuổi (chính xác là 39 tuổi 6 tháng). Đi lính mới được 20 năm. Đã tham gia chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền bắc (hơn 1 năm); chiến đấu ở chiến trường miền nam (5 năm); biên giới tây nam (2 năm) và biên giới phía bắc (10 năm). lúc bị bệnh tôi đang là trường phòng vũ khí quân khu I, tương lai đang rộng mở phía trước, bỗng nhiên bị bệnh. Người luôn mệt mỏi, ăn uống không tiêu, tôi đã lâm bệnh nặng từ bao giờ không hay biết. Đi viện từ tháng 11 năm 1986 nằm viện liên tục, ăn tết ở trong bệnh viện; đến tháng 4 năm 1988 tôi mới được ra viện với chẩn đoán viêm gan vi rút B mãn, sơ gan bắt đầu. Ra viện sau thời gian dài nằm viện, sức khỏe rất yếu, lên mỗi tầng nhà đều phải nghỉ mới đủ sức lên tiếp tầng trên. Ra viện về đơn vị, không còn đủ sức khỏe để phục vụ ở đơn vị tuyến đầu được nữa. Tổ chức cho tôi lựa chọn hoặc nghỉ mất sức hoặc nếu xin được việc ở đâu thì sẽ tạo điều kiên cho tôi đi. Lúc đó hoàn cảnh gia đình tôi vô cùng khó khăn, Bố Mẹ già yếu luôn ốm đau, vợ là công nhân viên quốc phòng lương rất it, hai cháu còn nhỏ. Nếu tôi nghỉ, kinh tế gia đình chỉ do một tay vợ tôi đảm nhiệm, cuộc sống gia đình sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đang trong lúc tưởng như tuyệt vọng đó, có người khuyên tôi: “ sức khỏe yếu cậu thử xin về một trường học nào đó công tác, ở đó công việc ổn định hơn; cậu có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, ngồi một chỗ viết tài liệu cũng được chứ sao?” Nghe theo lời khuyên, tôi về học viện Quân sự cấp cao xin việc; xem qua lý lịch, quá trình công tác đơn vị đã đồng ý nhận tôi.
Vừa mừng vừa lo, mừng vì được về công tác gần nhà. Tôi đi lính 20 năm chỉ duy nhất được về phép 1 lần sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng; cả thời gian phục vụ quân đội vừa qua phần lớn thời gian là trực tiếp chiến đấu ở các mặt trận, rất ít khi được nghỉ phép thăm gia đình. Nay được về gần nhà thật không gì vui sướng bằng. Nhưng lo, lo vì sức khỏe quá yếu; bệnh gan vẫn tiềm ẩn nó có thể tái phát bất kỳ lúc nào. Do nền tảng sức khỏe yếu nên các bệnh khác liên tục phát sinh: tiếp bệnh gan đến bệnh tiểu đường, bệnh huyết áp tim mạch, bệnh gút, thoái hóa xương khớp, nghẽn mạch tim...Không cam chịu khuất phúc bệnh tật, phải tìm cách tồn tại để làm việc; để làm chỗ dựa cho gia đình, nếu có thể còn tiếp tục đóng góp cho xã hội. Với tôi cuộc chiến với bệnh tật cũng cam go ác liết không khác gí cuộc chiến trong những năm chiến tranh. Đã có lúc tưởng không qua nổi. Cứ thay đổi thời tiết là ốm, là đi viện. Lúc đó chỉ ước gì sống được đến 50 tuổi là mãn nguyện lắm rồi. Năm 2010 tôi đi giám định y tế và có một kết quả tồi tệ nữa, tôi đã bị  nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh. Đã bi quan về sức khỏe nay càng thấy tuyệt vọng. Càng bi đát hơn trong một lần đi khám ở bệnh viên TW quân đội 108  (năm 2013) phát hiện trong dạ dầy tôi có rất nhiều Polip (dạng đa polip tuyến). Từ đó đến nay cứ 6 tháng một lần tôi phải đi khám và cắt. Những năm gian khổ vất vả trong chiến tranh đã để lại trong tôi hàng chục thứ bệnh tật, đã tàn phá sức khỏe của tôi ghê gớm. Từ một chàng thanh niên khỏe mạnh không chút bệnh tật nay mới quá trung niên đã trở thành người tàn phế ư? Đang lúc buồn chán đó một bạn thân của tôi nói với tôi: “Cậu làm đếch gì phải buồn, cậu còn hơn bao thằng bạn của chúng mình; sau chiến tranh không còn cơ hội để trở về quê hương hoặc có trở về thì cũng thân tàn ma dại, cụt chân cụt tay. Bây giờ cậu sống ngày nào là có lãi ngày ấy rồi. Mà bệnh tật rồi khoa học sẽ tìm ra cách chữa. Hay là cậu thử áp dụng các phương pháp chữa bệnh của nền y học phương đông do cha ông mình để lại.” “ Hãy biết chấp nhận hoàn cảnh, luôn lạc quan yêu đời, không bi quan chán nản sẽ không bị suy sụp; nếu lúc nào cũng lo âu buồn chán thì không có thuốc nào có thể chữa hết bệnh cho cậu được đâu..”. Nghe bạn nói có lý, tôi đã có niềm tin để chiến đấu với bệnh tật.
Có bệnh thì vái tứ phương, ai nói ở đâu có thày giỏi, thuốc hay tôi đều lần đến để chạy chữa, hết thuốc tây lại thuốc nam, thuốc bắc. Sức khỏe cũng không thể vực lên được, người lúc nào cũng có cảm giác mệt mỏi, chán ăn; ăn vào thì khó tiêu. Thì ra với người bệnh chỉ có uống thuốc và ăn uống chưa đủ để mang lại sức khỏe mà còn cần phải luyện tập. Đầu tiên tôi đi tập khí công, tập được một thời gian tôi thấy người khỏe ra, ăn uống ngon hơn. Kết quả ban đầu đã khích lệ tôi đi tập chăm chỉ hơn; tôi đi tập rất đều dù ngày mưa, ngày gió, dù mùa đông giá rét hay mùa hạ nóng bức... tôi không nghỉ một ngày nào. Kết hợp tập khí công các buổi chiều tôi tham gia tập bóng bàn. Nhờ thuốc thang phù hợp, sinh hoạt, ăn uống điều độ; kết hợp với tập luyện đều đặn, kiên trì, sức khỏe của tôi ngày cáng tốt lên. Sức khỏe tốt lên nên tôi đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và tiếp tục phấn đấu vươn lên trong công tác. Để nâng cao trình độ tôi đã tham gia nhiều khóa học. Do sự phấn đấu của bản thân, nhiều lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi; được bổ nhiệm phó chủ nhiệm khoa tại học viên quốc phòng; tham gia biên soạn nhiều đề tài cho Tổng cục kỹ thuật. Từ sau đợt ốm nặng tôi về đơn vị mới và công tác ở đó liên tục 20 năm, đến năm 62 tuổi tôi mới nghỉ hưu; Cho đến khi nghỉ hưu tôi đã tham gia quân ngũ liên tục 42 năm.
Sau nghỉ hưu, do tuổi cao, nhiều bệnh tật nên sức khỏe giảm sút rất nhanh. Khi còn đang công tác, mỗi tuần chỉ có thể đi tập vào những ngày nghỉ (chủ nhật), đến khi về hưu tôi có thể đi tập tất cả các ngày trong tuần. Tôi tập yuga và tập thiền. sức khỏe cải thiện rõ rệt. Các bệnh thời khí ( cảm cúm, đau đầu chóng mặt khi thay đổi thời tiết ...) hầu như khỏi hẳn. có lúc cảm tưởng như mình không có bệnh gì. Tôi bị mắc bệnh viêm gan mãn từ năm 1986 do nhiễm viêm gan vi rút B. Đến năm 2012 (sau 26 năm) viêm gan vi rút B chuyển sang âm tính. Từ đó đến nay các chỉ số đánh giá chất lượng gan đều ở mức người không mắc bệnh. Tôi tự cảm nhận thấy rằng yuga và thiền là hai môn tập chính đã mang lại sức khỏe; ngoài ra tôi còn rất chú ý đến chế độ ăn và chế độ sinh hoạt.
Từ chỗ ốm đau liên miên, nay tôi đã có sức khỏe tạm ổn định so với tuổi tác. Thấy tôi đi tập có hiệu quả, nhiều người hỏi thăm, đến năm 2011 nhiều người đề nghị tôi hướng dẫn họ tập luyện. Ban đầu tôi còn băn khoăn, không biết mình có đủ khả năng hướng dẫn mọi người không? Liệu sức khỏe có cho phép mình không? Sau khi tham khảo ý kiến các thày trong câu lạc bộ thiền, đặc biệt là thày chủ nhiệm; mọi người đều khuyến khích động viên và hứa sẽ giúp đỡ. Tôi quyết tâm mở lớp, ban đầu chỉ có hơn chục học viên sau 1 năm số học viên đã lên tới vài chục người. Càng tập sức khỏe mọi người càng tốt lên. Thực tế đã chứng minh cho mọi người thấy tập luyện môn thiền rất tốt cho sức khỏe. Tiến lành đồn xa, học viên kéo đến xin học ngày càng đông, phải mở thêm nhiều lớp vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu của mọi người. Nếu tính cả Câu lạc bộ từ năm 2004 đến nay đã mở vài chục lớp cho hàng nghìn người.  Ai đến tập sức khỏe đều được nâng lên. Hầu như các bệnh thời khí (cảm cúm, trái giá trở trời...) sau thời gian ngắn tập luyện đã khỏi hẳn. Các bệnh mãn tính theo thời gian và sự chăm chỉ tập luyện cũng thuyên giảm rõ rệt; Thậm chí cả các bệnh nam y (Ung thư) cũng có trường hợp qua khỏi. Nếu thiền đều các bệnh (kể cả bệnh nặng ) hầu như ngừng phát triển.
Câu lạc bộ mà tôi tham gia giảng dạy tên gọi “ CÂU LẠC BỘ DƯỠNG SINH NĂNG LƯỢNG ESPERANTO HÀ NỘI”. Câu lạc bộ ngày càng phát triển, nó thực sự vì sức khỏe cộng đồng. Các giáo viên tham gia giảng dạy không ai nhận một đồng thù lao nào. Các học viên chỉ phải đóng góp một khoản lệ phí ít ỏi để thuê địa điểm , trả tiền điện nước, vệ sinh và sắm sửa đồ dùng phục vụ học tập (một năm mỗi người chỉ phải đóng góp khoảng từ 200 000đ đến 300000đ).
Năm nay tôi đã 72 tuổi, đã tham gia nhiều cuộc chiến tranh, đã phục vụ trong quân ngũ hơn 40 năm; bản thân lại mắc nhiều thứ bệnh. Song tôi vẫn đang có cuộc sống của người khỏe mạnh bình thường. Vẫn tham gia mọi hoạt động của người về hưu tại địa phương; vẫn tập luyện yuga, thể dục, thiền...đều đặn hàng ngày. Với môn thiền tôi chú ý tập luyện hàng ngày, không chỉ tham gia tập luyện tôi còn tham gia hướng dẫn cho nhiều người cùng tập.
Sở dĩ tôi có được cuộc sống tạm gọi là mạnh khỏe như hiện nay là nhờ trong cuộc sống tôi đã thực hiện tốt các nội dung sau:
*Cơ thể luôn cần được nạp đủ năng lượng để nuôi cơ thể. Cơ thể con người gồm hai phần: cơ thể vật lý (gồm: các bộ phận trong cơ thể, tim, gan, phổi não, dạ dày...); cơ thể thông tin ( hệ thần kinh). Thức ăn nuôi cơ thể vật lý thường được ăn qua miệng. Thức ăn nuôi cơ thể thông tin là năng lượng vũ trụ được ta thu nhận từ các huyệt đạo và các giác quan khác (Tai, mắt, da...). Ăn đủ , đúng là ăn để cân bằng âm dương trong cơ thể. Ăn phù hợp với thể trạng, bệnh tật từng người. Thiền là biện pháp tốt nhất để nạp đủ năng lượng nuôi hệ thần kinh.
*Luôn có một cuộc sống vận động (lao động, tập thể dục thể thao, đi bộ, ...). Nhờ lao động mà con người (kể cả động vật) mới tồn tại và phát triển. Khi về già, đã nghỉ hưu ta phải tích cực tập luyện như: thể dục thể thao, đi bộ, tham gia văn nghệ, múa hát...Tức là luôn phải có cuộc sống vận động. Không vận động thì dù có ăn uống tốt thế nào thì bệnh tật vẫn kéo đến.
*Có cuộc sống tâm thần cân bằng; sống vị tha, luôn suy nghĩ tích cực; làm nhiều việc tốt; có cuộc sống hòa đồng với thiên nhiên và xã hội...Không tham, sân, si; không cáu gắt, khó chịu với mọi người xung quanh. Tóm lại là luôn sống vui, sống khỏe, làm nhiều việc tốt.
*Với người già còn cần có yêu cầu thứ 4 là: thuốc thang phù hợp. Có thể dùng đông y hoặc tây y hoặc đông tây y kết hợp. nhưng phải theo chỉ dẫn của các nhà chuyên môn và biết lắng nghe cơ thể.
Vâng, tôi đã sống chung với bệnh tật như thế; và đã chiến đấu với bệnh tật như thé. Muốn chia sẻ cùng mọi người.

(Cựu chiến binh: Trần văn Nghĩa-Tổ dân phố 33- Phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Hà nội tháng 4 năm 2018)