Thứ Ba, 18 tháng 10, 2022

Con người đó độc ác lắm vậy mà họ vãn giàu có là sao ?

 


CON NGƯỜI ĐÓ ĐỘC ÁC LẮM VẬY MÀ HỌ VẪN GIÀU CÓ LÀ SAO ? ĐẠO LÝ Ở CHỖ NÀO ?

Cũng có người hỏi, con người kia không phải người tốt, tâm địa độc ác, khởi tâm động niệm tất cả việc làm đều là lừa dối người, hãm hại người, nhưng bản thân họ vẫn rất được hưởng phước, làm quan rất to, lại có rất nhiều tiền của, đây là sự việc gì vậy?
Nói bạn biết, phước mà họ đang hưởng là do tu từ đời trước, họ đời này tạo ác, đã làm cho phước báo từ đời trước giảm còn một nửa. Nếu như không tạo ác thì quả báo đời này của họ còn thù thắng hơn.
Bởi vì họ tâm địa độc ác, cho rằng lừa gạt người khác thì mình có thể được lợi. Đây quyết định là quan niệm sai lầm. Bạn trộm đồ của người khác, cướp đồ của người khác, lừa đồ của người khác, những thứ có được trong tay cũng chỉ là trong số mạng của bạn có được. Số mạng mà không có, bạn đi trộm, bạn có trộm được không? Bạn trộm không được. Bạn còn chưa trộm được thì đã bị cảnh sát bắt rồi. Vì sao vậy? Vì trong mạng không có. Như vậy thì bạn mới biết, người xưa đã nói không sai: “Người quân tử vui mà làm quân tử, kẻ tiểu nhân oan uổng làm tiểu nhân”. Đã làm những việc ác này một cách oan uổng, họ không hiểu được đạo lý này. Họ mà hiểu được đạo lý này thì họ sẽ hưởng phước của mình trong thái bình, không phải đi hại người. Có thể giúp đỡ người tu phước, trồng phước, vậy thì họ phước báu đời đời kiếp kiếp hưởng không hết.
Người thế gian không hiểu được đạo lý này, cho rằng hưởng thụ thì nhất định phải ức hiếp người khác, nhất định phải đi lừa gạt người khác mới có thể được hưởng thụ, mà không biết phước báo của họ đã bị mất đi hơn một nửa, có thể chỉ còn lại hai ba phần.
Hưởng hết phước báo này rồi, ác nghiệp liền hiện tiền, quả báo ở ba đường ác, ở địa ngục. Đây là chân tướng sự thật.
Cho nên, hiểu được chân tướng sự thật thì chúng ta nhất định phải tuân theo giáo huấn của Phật Đà.
(HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG)

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2022

Đi nhiều chùa có tốt không?

 

 


 Chùa là nơi tôn trí tượng Phật, Bồ Tát, chư Thánh Hiền Tăng; nơi có chư Tăng Ni tu học; nơi có chư Tăng Ni giảng dạy lời Phật dạy và là nơi cho Phật tử tu học.

Vậy chúng ta tới chùa để:

+ Lễ Phật, Bồ Tát và chư Thánh Hiền Tăng qua hình tượng của các Ngài.

+ Cúng dường để xây dựng, tôn tạo, bảo trì chùa và tượng,… sinh ra phúc báo.

+ Cúng dường để nuôi dưỡng tứ sự cho chư Tăng Ni, sinh ra phúc báu.

+ Đến chùa tu tập để tăng thượng giới, tâm, trí để sinh phúc tiêu nghiệp.

A. Trường Hợp có  các Chùa sau:

1. Chùa có tượng mà không có chư Tăng Ni:

+ Đến đây lễ Phật vẫn sinh ra phước báu.

+ Cúng dường vào chùa vẫn sinh ra phước báu, nhưng phần phúc báu này nhỏ vì ở đây không có Tăng, Ni giảng Pháp của Phật mà phần tiền có thể là dùng cho các việc khác của ban hộ tự.

+ Đến chùa này không sinh ra các công đức khác.

=> Đức Phật dạy rằng: “Ở đâu không có chính Pháp giải thoát và không có ăn thì nên từ bỏ, khi từ bỏ không nên chào những người ở đó.” (vì dễ sinh ra sự dọa dẫm tâm linh và lời nói luyến tình khó dứt). Nếu ở đây có sự thanh tịnh thì có thể đến lễ Phật. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể lễ Phật tại nhà.

2. Đến chùa có chư Tăng Ni, Trụ trì mà không có giảng pháp:

+ Lễ Phật sinh phúc báu.

+ Không được học pháp nên không có phúc báu từ việc khai mở trí tuệ, tu tâm tăng thượng.

=> Đức Phật dạy rằng: “Ở vị Thầy nào có ăn, mà không có dạy cho ta pháp giải thoát thì nên chào rồi ra đi”, tức là không nên đến.

3. Đến chùa có Tăng Ni tu tập mà giảng sai Pháp của Phật:

+ Lễ Phật sinh ra phúc báu.

+ Sự cúng dường của mình sẽ tạo duyên khiến giáo Pháp của Phật bị diệt. Nên phúc này rất nhỏ, còn sinh thêm nghiệp chướng sau này vì nghe học thực hành sai và tiếp duyên cho sự diệt Pháp, biến tướng Pháp của Phật.

=> Đức Phật dạy nên từ bỏ nơi này.

4. Đến chùa có Tăng Ni giảng đúng Pháp của Phật

+ Là nơi Chư Tăng Ni thực hành giới luật của Phật và truyền trao, tạo duyên cho chúng ta được tu học, thực hành giới pháp giải thoát của Phật.

=> Đức Phật dạy nên tu tập cúng dường tại nơi đó.

B. Có nên tu học Phật ở 2 chùa không?

Các Sư Thầy giảng Phật Pháp cho chúng ta, chúng ta cần học theo lộ trình giáo án của Thầy thì chúng ta mới thực hành được. Vì vậy, khi đã thấy các Thầy là các vị chân tu giới đức và sự giảng dạy của Thầy phù hợp với mình, dễ hiểu, dễ áp dụng, thì chúng ta chỉ nên tu học ở một nơi. Ví như chúng ta học lớp một mà mỗi hôm chuyển một cô giáo thì chắc rằng kết quả học của chúng ta khác nhau.

Về phần phúc báu, do các Sư Thầy tu khác nhau nên sự cúng dường của chúng ta cũng mang lại kết quả khác nhau. Về tu tập của mỗi Thầy mỗi khác, nên sự truyền giảng cho ta khiến ta thâm nhập Pháp cũng khác nhau: nhanh hay chậm, hiểu ít hay nhiều, nông hay sâu...

Ngoài ra, chúng ta đi chùa có quý Thầy cũng là pháp kết duyên. Nếu chúng ta đi nhiều chùa thì chúng ta sẽ kết duyên ít với Pháp của chùa này và kết duyên nhiều với Pháp của chùa kia, nên không thể có công đức nhất tâm nương tựa vào PHÁP TU CỦA CHƯ TĂNG Ở MỘT CHÙA hoặc PHÁP THỰC HÀNH CỦA PHẬT TỬ Ở MỘT CHÙA ĐƯỢC, nên công đức phước báu khác so với người CHUYÊN NHẤT VỀ PHÁP TU NÀO ĐÓ.

Qua phân tích trên, các bạn tự lựa chọn cho mình cách đi chùa đem đến kết quả tốt nhất.

(St)

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2022

Quan hệ vợ chồng dưới cái nhìn của Phật giáo


 

Phật giáo có câu: Tu trăm năm mới ngồi chung một thuyền, tu ngàn năm mới cùng chung chăn gối. Đó là sự nhấn mạnh về tính kì diệu của nhân duyên vợ chồng. Đến với nhau không phải muốn là được. Vạn sự đều phải nhờ duyên, nhờ phận.
Duyên vợ chồng là nhân duyên bất ngờ và khó đoán định nhất trên cuộc đời. Con cái – cha mẹ, anh chị em là những nhân duyên trời định, không cưỡng cầu được, không tự chủ được. Duy có nhân duyên vợ chồng lại khác. Hai người từ xa lạ thành thân thuộc, từ thân thuộc thành cuộc đời của nhau.
Phật giáo cho rằng, duyên này cũng là kết quả của nhân quả nghiệp báo. Có 3 mối duyên tạo nên nhân duyên vợ chồng:
1. Duyên báo ân: Nhiều người không hiểu vì sao mình yêu người này mà không yêu người kia, lấy người này mà không lấy người kia? Thế giới 7 tỉ người nhưng chỉ có một người thực sự dành cho mình. Đó là duyên báo ân, duyên lành mà hai người gieo từ kiếp trước, đến kiếp này nở thành quả lành để chung hưởng hạnh phúc lứa đôi.
Kiếp trước có người cứu bạn khỏi nguy nan, cho bạn một miếng khi đói, giúp bạn một tấm áo lành. Dẫu là nhỏ nhoi nhưng vẫn ghi lòng tạc dạ. Kiếp này người ấy là nam thì bạn là nữ, người ấy là nữ thì bạn là nam, tìm tới ân nhân mà báo tạ đền ân, kết duyên trăm năm để mang tới hạnh phúc cho người đó. Duyên này là duyên lành, một đời hạnh phúc mỹ mãn. Một người có thể vì nửa kia mà tự nguyện làm nhiều việc, nhường nhịn, chia sẻ, tâm tình, nâng cao ý nghĩa của mối quan hệ vợ chồng đúng nghĩa.
2. Duyên trả nợ: Rõ ràng không máu mủ ruột già, không chung cùng huyết thống nhưng lại gắn bó với nhau suốt đời. Đó là vì duyên. Có thể kiếp trước trả chưa hết kiếp này lại tới trả. Nợ tiền hay nợ tình đều tính là nợ. Đời có vay có trả. Có nợ ắt phải gặp nhau. Nợ quá sâu lại nên duyên vợ chồng. Có những cặp vợ chồng người vợ chăm lo cho chồng hết mực, lúc nào cũng dịu dàng đon đả; lại có cặp đôi chồng gánh vác hết thảy, luôn quan tâm và che chở cho vợ. Duyên vợ chồng này một người cho, một người nhận là vì kiếp trước người vợ người chồng ấy còn vướng nợ với bạn đời của mình. Thế nên đừng trông thấy người sướng, được bạn đời chiều chuộng mà ganh ghét. Ai có phúc của người ấy. Họ chỉ đang hưởng thụ những gì mà họ đáng được hưởng từ kiếp trước mà thôi. Bạn không có phúc phần ấy là vì nhân bạn gieo chưa đủ lành nên tiếp tục cố gắng gieo ở kiếp này thay vì tị nạnh với người khác. Hãy gieo 10 hạnh lành Phật dạy, chẳng lo gì buồn khổ
2. Duyên cân bằng: Hai người kiếp trước có nợ nần lẫn nhau, không ai cho hết mà cũng không ai nhận hết, kiếp này lại tìm tới nhau để trả nợ. Kết thành vợ chồng. Vợ trả nợ chồng, chồng trả nợ vợ. Hai người vừa là chủ nợ vừa là con nợ của nhau. Mối quan hệ cân bằng, không tồn tại bất công. Rồi chính cuộc sống ở kiếp này sẽ lại tạo nên những vay nợ nối tiếp, lại kéo dài nhân duyên vợ chồng của chính bạn ở kiếp sau. Bạn nợ ai, bạn cho ai vay, đều sẽ là vòng tuần hoàn nhân quả, nảy sinh những gặp gỡ, những mối duyên tiền định. Duyên vợ chồng không phải ngẫu nhiên, đều do chính chúng ta tạo dựng. Vạn sự tùy duyên. Duyên này vốn không có trời sắp đặt mà do người tự mình nắm lấy. Hai người đến với nhau, chung dựng gia đình phải trải qua duyên từ kiếp trước đến kiếp này, không đếm nổi bao nhiều là khó khăn, bao nhiêu là trắc trở. Vượt không gian, thời gian, trở thành định mệnh của đời nhau. Thế nên duyên ấy lành hay dữ đều đáng trân trọng, tốt hay xấu đều là do những hành động của con người mà tạo thành nhân quả.
    Vợ chồng là nghĩa trăm năm, nối dài những mối duyên, trọn vẹn những ân tình, sống sao cho không những trả hết nợ cho nhau mà còn bồi đắp thêm những hạnh lành, những điều tốt đẹp. Đừng phụ công vượt qua sinh tử sống chết mà tìm đến bên nhau.
(Sưu tầm)

Làm thế nào tránh được DUYÊN ác?

 



Nên biết, mỗi ngày chúng ta đều gieo trồng những nhân thiện, ác lẫn lộn. Những nhân này tuyệt đối không hề mất đi, nó được lưu trữ trong tàng thức của chúng ta.
Quá trình từ nhân đi đến quả đều cần phải có duyên. Cho nên, Phật nói DUYÊN sanh là như vậy !
Nhân ác chúng ta tạo quá nhiều, thì chúng ta bị quả ác. Nếu muốn dứt sạch các quả ác, thì giống như hạt dưa ta không tạo duyên cho nó phát sanh, bằng cách đem hạt giống đó bỏ vào trong bình đậy lại, không cho tiếp xúc với đất, nước, không khí... Dù trải qua 100 năm, cũng không bao giờ trổ quả, vì không có duyên làm cho nó nẩy mầm đó mà !
Nếu như Phật tử lại đem hạt giống ấy gieo xuống đất với đầy đủ duyên như nước, ánh sáng...thì nó sanh trưởng rất tốt. Do đó, chúng ta muốn thành tựu các quả thiện thì phải gieo nhân thiện và duyên thiện.
Trước đây do bởi vô minh cho nên chúng ta đã gây tạo vô số nhân ác. Giờ đây, sau khi đã giác ngộ, nhìn thấy những nhân ác mà mình đã gieo mà giật mình sợ hãi, muốn cho những nhân ác này không thể trổ ra ác báo có được không ?
Có thể được. Bằng cách nào ?
Tránh tiếp xúc với duyên ác, thì không có duyên, nhân sẽ không thể trổ ra quả.
Vậy làm sao để tránh được duyên ác ?
''Niệm Phật sẽ tránh được duyên ác !''
Trong cuộc sống hằng ngày, ngoài trách nhiệm và bổn phận của mình ra, đừng cố thêm vào bất cứ việc gì khác, khi có thời gian rảnh rỗi thì trong bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi đều chẳng rời khởi câu Phật hiệu A Di Đà Phật.
Vậy thì sẽ tránh được việc tiếp xúc với các duyên ác bên ngoài.
Mà duyên không có, thì dù có nhân ác cũng chẳng thể trổ ra quả ác. Ác báo không có thì cuộc sống, cũng như con đường tu học của chúng ta nhất định hạnh thông.
(PS TỊNH KHÔNG)

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2022

Tiền tài để đâu không bị mất?

  


TIỀN TÀI CỦA QUÝ VỊ PHẢI ĐỂ Ở ĐÂU ĐỂ KHÔNG BỊ MẤT?

Tài phú chỉ cần đủ dùng là được rồi, không cần phải tích lũy. Phải hiểu được Bố Thí, đem tài phú tích lũy vào phước báu của hết thảy chúng sinh, vĩnh viễn không biến mất. Để trong ngân hàng, để ở nơi nào cũng không an toàn, một trận tai nạn thì không còn nữa rồi.
Phật trên Kinh đã nói: Tài là do 5 nhà cùng hưởng, dạy chúng ta giác ngộ tiền tài không phải là của chính mình. Năm nhà này là:
1️⃣Thứ nhất là nước, lũ lụt tới sẽ đem nhấn chìm hết, trôi đi hết.
2️⃣Thứ hai là lửa, nạn lửa sẽ đốt cháy
3️⃣Thứ ba là quan phủ: quý vị phạm pháp, phạm tội vào thời xưa gia tài sẽ bị xung công, tịch thu hết;
4️⃣Thứ 4 là trộm cướp: họ đến trộm của bạn cướp của bạn;
5️⃣Thứ 5 là gặp con phá của. Làm gì mà của chính mình chứ?
Chính mình phải học chư Phật Bồ Tát, để ở nơi nào? Để ở phước báo của hết thảy chúng sinh. Cho nên Phật dạy chúng ta Bố thí cúng dường phải tu phước. Phước điền có ba loại, ba loại này đều sinh phước, sinh vô lượng vô biên phước báu
1️⃣Thứ 1 là cúng dường cha mẹ, đó là ân điền, cha mẹ có ân đối với chúng ta. Phải biết hiếu dưỡng.
2️⃣Thứ 2 là lão sư; Tam Bảo là lão sư, phải cung kính đối với lão sư gọi là Kính điền
3️⃣Thứ 3 là hết thảy khổ nạn của chúng sinh gọi là Bi điền.
Tất cả tài phú đem đi bố thí cúng dường 3 loại này, phước báo của quý vị đời đời kiếp kiếp vĩnh viễn hưởng không hết.
Đây là chỗ thù thắng nhất để cất giữ tài phú không thể để mất đi.
Cho dù là thế giới này hủy diệt rồi phước báo của các vị cũng không bị hủy diệt mất. Nếu như tiền tài các vị không tích lũy vào 3 nơi này thế giới này hủy diệt rồi, tài phú của các vị cũng theo đó mà bị hủy diệt, không còn do các vị sở hữu nữa.
(Cung Kính Trích Lục Từ Các Bài Pháp Của Hoà Thượng Tịnh Không)