Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Gặp lại người đồng đội sau 36 năm xa cách

 Nguyễn Thế Vũ người đồng đội thân thiết và Tác giả gặp lại sau 36 năm
                                                                                    
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta do Đảng cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu lãnh đạo đã thắng lợi hoàn toàn kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Dấu mốc thắng lợi là ngày 30/4/1975.
Miền Nam hoàn toàn giải phóng; và Miền Nam bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội  xây dựng  Miền Nam- một phần của nước Việt Nam ta  “ to đẹp hơn và đàng hoàng hơn –như lời Bác Hồ đã dậy”.
Chúng tôi những người lính “Cụ Hồ” đã đóng góp một phần công sức nhỏ bé trong cuộc trường kì kháng chiến của dân tộc và đã về đến đích.
Hỏi rằng có niềm vui nào hơn nữa nhỉ? Những tuổi 20 ra đi và đã về đích, những người còn sống xin thắp nén Tâm hương  dâng lên linh hồn các anh, các chị  chiến binh đã hy sinh cuộc đời mình vì hạnh phúc nhân dân và vì đất nước trường tồn.

Nhớ lại: Vào khoảng đầu tháng 1 năm 1975 tại Trảng Bàng (thuộc Tỉnh Tây Ninh) Tôi được biên chế vào Trung đội trinh sát pháo binh thuộc Đoàn pháo binh 75 Biên Hòa– Đây là căn cứ kháng chiến thuộc miền Đông Nam Bộ; tháng 2/1975  được Bộ tư lệnh miền Đông tăng cường thêm người và pháo 120 vác vai  cho Tiểu đoàn pháo binh 23.11 (Tiểu đoàn D23.11 ra đời năm 1966 ) chúng tôi hành quân trên đất Miên khoảng gàn một tháng- Nơi đến là Tiểu đoàn pháo binh độc lập 120 vác-vai) có tên gọi: D23-11; trực thuộc sư đoàn 4 Hậu Giang, Quân khu 9; khi hành quân từ Tây Ninh qua đất Miên   có cả cán bộ khung của Tiểu đoàn bộ và 3 đại đội : C1-C2-C3 với khoảng 50 đến 60 người đóng chân ở các tỉnh thuộc Tây Nam Bộ). Khi tập kết ở biên giới Miên  thuộc Kam pốt ;trong thời gian huấn luyện ; đầu tháng 4/1975  tiểu đoàn nhận lệnh hành quân tiến về Miền Tây Nam bộ và đơn vị vừa hành quân vừa  huấn luyện (nhờ) trên đất Campuchia. Trên đường hành quân thay nhau vác nòng và chân đế pháp 120 trên vai (tháo dời) nòng pháo, chân đế, đạn pháo ... nặng lắm! Nhưng vẫn về đến cứ đích an toàn . 

Ảnh Nguyễn Thế Vũ chụp năm 1975 ở Sóc Trăng (Tìm vũ bằng tấm ảnh này)
                                                               
Tôi và Nguyễn Thế Vũ khi đó biên chế ở trung đội 3 (B3) thuộc đại đội 2 (C2); B3 là trung đội có hai  tiểu đội: một  thông tin và một tiểu đội  trinh sát (đó là “tai” và “mắt” của Pháo binh!) Vũ ở tiểu đội thông tin, còn tôi ở tiểu đội trinh sát. Tiểu đội trưởng của tôi là anh Vũ Đình Đảng quê ở thôn Tướng Loát, xã  Yên Trị,  huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. (Từ  khi về nghỉ  anh đã chuyển ra xóm trại thôn Tướng Loát). Còn Vũ khi đi trên đường hành quân Vũ tâm sự quê Vũ ở Ba hàng cây xã Xích  Thổ (Xích Thổ ở đâu thì Vũ không nói hoặc có nói thì còn  chiến tranh liên miên biết để làm gì ? ). Và khi chia tay quê Vũ chỉ có vậy.
Sau khi hành quân trên đất Miên khoảng  một tháng ,quãng đường hành quân trên dưới 500 đến 600 km; đêm đi ngày nghỉ;   đến đầu   tháng 2 năm 1975 đơn vị hành quân đến “chốt” ở căn cứ  “tạm” trên đất Miên thuộc tỉnh Kămpốt (từ đây cách Việt Nam bao xa  thì chúng tôi không biết); do trên thông báo là chúng ta đang ở trên đất Miên nên mọi hoạt động phải luôn trong tình trạng “sẵn sàng chiến đấu cao” và  đơn vị B3 của chúng tôi là ngày đêm huấn luyện tại chỗ nếu có đi ra ngoài cũng loanh quanh mấy “phum” của Miên: đi tìm hiểu thực địa địa bàn ; nếu đi  xa một chút phải đi từ  hai đến 3 người ; phải mang theo AK và 2 cơ số đạn và 3 đến 4 quả lựu đạn “mỏ vịt”. Khi đó theo thông báo của trên thì Khmer đỏ” đã “có vấn đề” nên bộ đội đề cao cảnh giác.Đơn vị luôn sẵn sàng chiến đấu cao và sẵn sàng chiến đấu.
Những ngày hành quân trên đất Căm Pu Chia (Ảnh minh họa)

Và: chúng tôi nhận lệnh là tiến về miền Tây Nam bộ thuộc mũi tiến vào thành phố Cần thơ, Là đơn vị pháo binh chủ yếu là đánh phối thuộc hợp đồng chiến đấu với các đơn vị.
Khi huấn luyện ở Kampot ở Căm –Pu –Chia đơn vị được chỉ thị là mũi chính tiến công vào miền Tây Nam Bộ đích đến là Cần Thơ. Và  thời cơ giải phóng miền Tây Nam bộ đã đến. Mũi của đơn vị là giải phóng Cần Thơ.  Cần Thơ - trung tâm đầu não vùng IV chiến thuật của Ngụy ; vào 14 giờ 30 phút ngày 30-4,  đồng đội đang đánh chiếm Đài phát thanh, tuyên bố giải phóng Cần Thơ - căn cứ quan trọng cuối cùng của Ngụy ở vùng 4 chiến thuật. Cuối buổi chiều cùng ngày, quân và dân Cần Thơ đã chiếm Chi cảnh sát, làm chủ khu vực Hưng Phú, Hưng Thạnh. Tiểu đoàn Tây Đô II tiến công địch trên bờ Nam sông Cái Răng, làm chủ quận lỵ Châu Thành. Lực lượng vũ trang QK9 lần lượt làm chủ hoàn toàn sân bay Trà Nóc, chiếm kho đạn Bình Thủy, sân bay Lộ tẻ, tiêu diệt chi khu Phong Điền. Đến 18 giờ 30 phút ngày 30/4, Cần Thơ - trung tâm đầu não của địch ở ĐBSCL được hoàn toàn giải phóng; toàn bộ hệ thống Ngụy quân, Ngụy quyền từ tỉnh đến cơ sở bị đập tan.  Được tin miền Sài Gòn  hoàn toàn giải phóng vào trưa 30/4/1975, từ radio của một đồng đội khi đang ăn cơm và tất cả mọi người mừng vui...nhẩy lên. Không có niềm vui nào hơn thế nữa. Buổi chiều ngày 30/4/1975 toàn đơn vị tập trung nghe cấp trên phổ biến “lệnh” hành quân “gấp” về tiếp quản thành phố Cần Thơ. Đêm 30/4 rạng 1/5 anh em không tài nào ngủ được và mọi người bàn tán chuyện mai sau. Đúng 5 giờ sáng 1/5 đơn vị xuất phát đi bộ trên đất Miên hướng về Tây nam bộ , sau đó đi thuyền cô-le đến khoảng 12 giờ  chúng tôi có mặt ở thành phố Cần Thơ và khi đó thành phố (không thể tưởng tượng nổi rất khó diễn tả) như vừa trải qua một cơn bão lại vừa  như  một bãi chiến trường.... xe dân dụng, xe quân dụng, súng nhiều loại, quần áo của ngụy vứt đầy đường. Bóng người dân đi lại rất thưa thớt.
Đơn vị chúng tôi được lệnh tiếp quân  quản “căn cứ Hải quân Bình Thủy” là căn cứ hải quân lớn nhất của miền Tây Nam Bộ ; rất nhiều tầu chiến, kho tàng, vũ khí, quân dụng của Mĩ-Ngụy.
Theo tài liệu của địch thì căn cứ Bình Thủy: “Khoảng tháng 3 và tháng 4 năm 1975, quân ta đưa nhiều đơn vị về chung quanh Cần-Thơ, cố tạo áp lực ngay “trung tâm não bộ” của Vùng IV Chiến-Thuật..

Lúc bấy giờ, những Lực-Lượng Hải-Quân, một phần phải yểm trợ sông Đại-Ngãi – dòng sông huyết mạch từ Cần-Thơ xuống Cà-Mau, đi qua Bạc-Liêu – để hộ tống các ghe lúa gạo từ Bạc-Liêu về; phần còn lại rút về phòng thủ Cần-Thơ...  Bộ Tư lệnh Hành quân Lưu động Sông, gồm có:  Vùng 3 Sông ngòi đóng tại Sài Gòn, chỉ huy các giang đoàn Xung phong. Vùng 4 Sông ngòi đóng tại Cần Thơ, chỉ huy các giang đoàn Xung phong. Lực lượng Thủy bộ là lực lượng đầu tiên do Hải quân Hoa Kỳ chuyển giao cho Hải quân Việt Nam  vào tháng 8/1969. Bộ Tư lệnh Lực lượng đóng tại Đồng Tâm. Căn cứ yểm trợ đặt tại Bình Thủy, Cần Thơ, để cung cấp nhiên liệu cũng như sửa chữa và tu bổ tầu chiến (chiến đĩnh) . Lực lượng Thủy bộ gồm 3 liên đoàn Thủy bộ. Liên đoàn 1 phối hợp hành quân với Tiểu khu Sóc Trăng, hộ tống các đoàn thuyền chuyên chở nhu yếu phẩm từ Bạc Liêu, Sóc Trăng về Sài Gòn. Liên đoàn 2 yểm trợ TRD 32 BB đồng thời phối hợp hành quân và tiếp tế cho các đơn vị thuộc vùng Cà Mau. Liên đoàn 3 tuần tiễu, kiểm soát các thủy lộ của hai tỉnh Kiên Giang và Chương Thiện”.
Như vậy căn cứ hải quân Bình Thủy có một vị trí chiến lược rất lớn ở miền Tây Nam bộ do đơn vị C2 - tiểu đoàn pháo D23-11 (trực thuộc Quân khu 9) quân quản.
  
Song kẻ thù  không để cho chúng ta yên mà lại gây hấn. Cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam do Khmer đỏ đứng đầu là Pôn Pốt - Iêng Xari chính thức phát động (có sự hậu thuẫn của Bá quyền Phương Bắc)  đã nổ ra. Những khiêu khích ban đầu của Khmer đỏ :    Ngày 5/5/1975 , Khmer đỏ đã đưa quân lên chiếm đảo Thổ Chu, sau khi chiếm đảo chúng đã bắt đi gần 600 người dân (và giết một số dân thường)  đồng thời chiếm đảo Poulowai, dùng tàu thăm dò bắc đảo Phú Quốc, Nam du.           Ngày 7/5/1975, lực lượng ta tại đảo Phú Quốc đã buộc địch phải rút khỏi phía bắc đảo. Ngày 25/5/75 Quân khu 9 dùng 2 tiểu đoàn của trung đoàn 195 và 1 phần các đơn vị được Bộ tăng cường: Lữ đoàn lính thủy đánh bộ 101, không quân và hải quân tiến công giải phóng đảo Thổ Chu. Sau vài ngày bao vây, thì đến ngày 30/5 ta điều các tầu chiến đã đổ bộ lên Thổ Chu tấn công tiêu diệt 1 tiểu đoàn địch, diệt 200 tên, bắt sống 315 tên. Quân ta đã chiếm lại và làm chủ đảo. Sau đó quân khu 9 có ý định tiếp tục thu hồi quần đảo Cô Tang  và Bộ quốc phòng đã triển khai lực lượng bảo vệ toàn bộ biên giới Việt Nam – Căm pu chia”.
Chuẩn bị cho tình hình mới đơn vị bàn giao căn cứ Hải quân Bình Thủy cho đơn vị khác ; khoảng trung tuần tháng 6/1975 đơn vị được lệnh hành quân về huấn luyện ở Sóc Trăng .
Hình ảnh bộ đội quân quản khi giải phóng 30/4/1975

Sóc Trăng được quân và dân ta tấn công đồng loạt các mũi vào địch  ở thị xã Sóc Trăng lúc 3 giờ sáng ngày 30/4/1975 và giải phóng hoàn toàn  14 giờ ngày 30/4/1975; Sóc Trăng có một vị trí rất quan trọng ở miền Tây nam bộ vì ở đây trước giải phóng: có sân bay Sóc Trăng, Trại thẩm vấn Mỹ, Nhà thương Trương Bá Hân, Tiểu khu Ba Xuyên, Trại Lý Thường Kiệt (nơi chứa vũ khí của địch, có đại đội hành chánh tiếp vận đóng quân) và cũng là cửa ngõ xuống phía cực Nam của Tổ quốc.
Từ thành phố Cần Thơ đơn vị hành quân đến nơi đóng quân  mới để huấn luyện là phi trường Sóc Trăng.
Tình hình biên giới từ giữa tháng 6 năm 1975 rất căng thẳng, Pôn Pốt cho quân lấn sâu vào nhiều nơi thuộc lãnh thổ Việt Nam trên tuyến biên giới dài gần 100 kilômét, từ Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) đến Tịnh Biên (tỉnh An Giang). Lính Pôn Pốt gài chông, mìn, lựu đạn, bắt trâu bò, cướp dụng cụ sản xuất và tàn sát nhân dân ta; có nơi  chúng vào sâu đất ta vài km.
Trước tình hình đó đơn vị nhận lệnh của cấp trên hành quân theo đội hình Tiểu đoàn chiến đấu lên đồn trú ở căn cứ “Thiết giáp Chi Lăng” (Căn cứ Chi Lăng tại vùng Bảy núi ), thuộc huyện biên giới Tịnh Biên tỉnh An Giang. Lúc này đơn vị thực sự hùng mạnh đã được trang bị chính qui hiện đại là tiểu đoàn pháo binh với nhiều “đại pháo” 105li và thêm cả pháo 155 li - xe ô tô GMC kéo (pháo 120 vác –vai cho vào kho).
Đơn vị đón xuân 1976 trên đất biên giới An Giang.
Vui xuân đơn vị đón 2 đoàn cán bộ và chị em phụ nữ  của tỉnh Sóc Trăng và tỉnh An Giang đến chúc tết bộ đội. Rất vui; tiểu đoàn tổ chúc đốt lửa trại để giao lưu.
Do tình hình có chiến sự nên tất cả các đơn vị thuộc tiểu đoàn ngày ngày huấn luyện đêm canh gác. Khí hậu ở vùng này rất khắc nghiệt: nắng nhiều, và ở đây rất thiếu nước ngọt. Đơn vị hàng ngày bố trí 2 xe GMC chở téc xuống thị xã Châu Đốc để chở nước. Nước ngọt chỉ đủ cho nấu ăn và nước uống không cho sử dụng các nhu cầu khác. Nên  khi xe đi lấy nước thì các đơn vị luân phiên nhau cử bộ đội theo xe đi tắm ở nhà máy nước Châu Đốc, mỗi xe ba người đứng trên xe ở vị trí giữa téc nước và ca-bin, xe chạy tốc đọ cao rất nguy hiểm (nhưng ngày đó thấy bình thường, chiến tranh đánh nhau còn chẳng sợ nữa). Một tuần mới được đi tắm một lần. Nhưng cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao. Nay nhìn lại mới thấy đúng là mỗi chiến sĩ là một anh hùng , đúng thật!
Đơn vị tăng cường huấn luyện ban ngày, đêm gác. Các buổi chiều thể thao, tăng gia. Đêm đến văn nghệ. Vui theo kiểu cái vui của người lính. Cái nhớ nhà, nhớ quê hương “dấu”ở trong lòng.
Khi đồn trú ở đây, đơn vị không cho hòm thư viết thư về  nhà sợ lộ “ bí mật quân sự”; nên bộ đội ra các nhà dân “quan hệ” với các gia đình “mượn địa chỉ” viết thư. Thư lính gửi đi, thư gia đình, người yêu của lính đến. Nhận thư thay nhau đọc; một thằng có thư coi như niềm vui của đơn vị, vui chung, chẳng có gì mà dấu nhau. Đời lính là thế càng gian khổ, càng khó khăn càng thương yêu nhau hết lòng không mảy may vụ lợi! Cốc nước uống chung, điếu thuốc chia đôi, cánh thư đọc chung... Đời lính là thế.
Ngày 1/4/1976 một bất ngờ đến với tôi, tôi được Bộ quốc phòng thông báo cho ra Bắc an dưỡng và học tập (chưa phải ra quân). Theo thông báo của đồng chí chính trị viên đại đội: chuẩn bị có đợt cho ra Bắc để an dưỡng và học tập (đợt 3; trước tháng 4/76 có 2 đợt: đợt một (ngay sau ngày 30/4/1975): là thương bệnh binh; đợt hai: là những đồng chí có sức khỏe yếu và tuổi cao) đối với các đồng chí có trình độ văn hóa lớp 10. Và đơn vị tôi lúc đó cả một đại đội có hai người, có tôi. Đợt 3 là đợt: những người khi trước đi bộ đội đang học ở các trường trung học, đại học và những người có trình độ văn hóa lớp 10; được về lại trường học. Nói nôm na là đợt nhân tài của đất nước.
Chiều 1/4/1976; trên đường đi tập về (có báo cáo Tiểu đội trưởng) Vũ rủ tôi đi chơi; khi đóng quân ở Chi lăng chúng tôi có quen một gia đình người  Khmer. Gia đình này cư trú ở đây rất lâu đời, nhà có 2 vợ chồng và 2 đứa con; một trai một gái đầu. Anh chị làm nghề nông và nuôi bò. Khi đến Vũ nói chuyện tôi chuẩn bị ra Bắc, anh chị hỏi “bao giờ đi?”; tôi nói “quân sự không báo trước, có lệnh là đi !”. Chiều tà anh chị mổ 2 con vịt làm món “vịt xé phay’ uống la-de coi như làm cái liên hoan chia tay, hai cháu nhỏ còn tặng ảnh gia đình, lòng thấy cảm động lắm. Lúc ra về anh chị và các cháu đi cùng đến gần chợ Chi Lăng thì chia tay, thấy bịn rịn . Đến chập chập tối về doanh trại. Thấy lòng nao nao  sắp phải xa nơi này  ít có dịp quay lại, xa đồng đội vào sinh ra tử có nhau, nhớ nhiều thứ nữa. Nhưng cái vui nhiều hơn về Bắc với cha, mẹ với các em và bạn bè nhiều lắm.
Khoảng 3 giờ sáng ngày 2/4/1976; trực ban báo động chiến đấu cả đơn vị. Tất cả sẵn sàng quân tư trang. Đại đội trưởng Nguyễn Hạnh Phúc đọc quyết định hai đồng chí “đi A” là ra Bắc. Tài vụ phát cho mỗi người 30 đồng gọi là tiền “cửa rừng”! Phát cho bộ đội mua sắm quà kỉ niệm chiến trường Miền Nam! Chính thức tôi xa đồng đội cùng chung chiến trường xa Vũ từ hôm nay.
Đơn vị dùng xe GMC chở hai chúng tôi lên thẳng tổng kho Long Thành và giao quân cho Bộ quốc phòng. Từ đây tôi được biết là có hàng nghìn quân nhân được “đi A” ; Bộ quốc phòng huy động “trưng tập” rất nhiều “xe đò” xe chở khách loại lớn, mỗi xe chở 25 đến 30 chiến sĩ . Phía trước xe quân cảnh dẫn đường; qua nhiều binh trạm và trạm cuối cùng là Thường Tín- Hà Tây.
Sau khi an đưỡng một tuần ở Thường Tín chúng tôi được chia về các tỉnh, bộ đội tỉnh nào về khu an dưỡng của tỉnh đó. Tại đây chúng tôi được phân loại: ai đang học đại học trường nào trả về trường đó, nếu không thích thì ôn thi trường khác. Tôi về Hà Nam Ninh. Tỉnh Hà-Nam-Ninh thì đưa về an dưỡng ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn , tỉnh Hà Nam Ninh.
 Tôi được đơn vị mới cho “về tranh thủ” 5 ngày thăm gia đình.Như bao người lính khác, sau ngày giải phóng, nhiều người lính trở về hậu phương, “ hình ảnh quen thuộc là một anh chiến sĩ vai khoác balô, đầu đội mũ cối quân hiệu nửa xanh-nửa đỏ, chân đi đôi dép cao su, trên lưng có con búp bê, hồn nhiên bước trên hè phố” hoặc  ra bến tàu về thăm nhà ; Tôi  cũng vậy , vì tôi có đứa em gái nhỏ tôi mua cho nó một con búp bê có “mắt nhắm mắt mở” em tôi thích lắm; và tôi cũng có quà cho cha mẹ . Cả nhà vui lắm, mừng rỡ hàn huyên. Hết phép tôi về đơn vị an dưỡng.

   Suốt từ cuối tháng 4/1976 chúng tôi được ôn văn hóa buổi sáng do các giáo viên trưng tập ở các trường trong tỉnh về dậy. Buổi chiều rèn luyện thân thể bằng hình thức là vác đất, xây dựng nhà máy gạch sông Tranh. Đến tháng 7 thi tốt nghiệp (tôi thi  có 2 nguyện vọng: trường Đại học giao thông vận tải và Trung cấp giao thông vận tải). Đến tháng 10/1976 nhận thông báo tôi không đỗ Đại học; quân đội cử đi học trung cấp và tôi vui vẻ lên vùng trung du Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phú học trung cấp giao thông vận tải đường bộ.

Khi về trường tôi viết thư vào đơn vị cho Nguyễn Thế Vũ  theo địa chỉ “quan hệ” giữa quân với dân dạo trước nhưng không thấy hồi âm; tháng 12/1976 tôi viết  lá nữa và cũng không thấy hồi âm. Tôi đoán đơn vị đã di chuyển đi nơi khác rồi!

Ba năm sáu tháng học trung cấp ở vùng trung du thuộc thị xã Vĩnh Yên , tỉnh Vĩnh Phú; ngày 30/5/1980 tôi ra trường và Bộ Giao thông vân tải có quyết định điều động tăng cường lên tỉnh Hà- Tuyên.

Ngày 1/6/1980;  tôi có mặt ở Ban tổ chức chính quyền tỉnh Hà-Tuyên và quyết định tôi sang Sở Giao thông vận tải; cùng ngày Sở Giao thông vận tải điều tôi lên công tác ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà- Tuyên.

Huyện điều tôi về Phòng gaio thông vận tải huyện Hoàng Su Phì-tỉnh Hà Tuyên.

Tôi lên công tác ở huyện Hoàng Su Phì là huyện biên giới; khi cuộc chiến tranh chống lấn chiếm biên giới  Trung Quốc phát động  nổ ra hơn một năm và đang ngày càng ác liệt. Nghe ngóng về thời sự : Lúc này tình hình quan hệ Việt Nam và Trung quốc đang trong giai đoạn bắt đầu căng thẳng , xấu đi. Đại sứ quán Việt Nam  ở Trung Quốc  đã rút về nước , chuyện anh hùng Lê Đình Trinh trên biên giới Lạng Sơn được đăng tải nhiều số trên báo Quân đội, trong bài “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, đất nước chúng ta vào cuộc chiến đấu mới..”; ở  biên giới Tây nam của ta trên toàn tuyến thấy  đánh nhau rất căng , lính Pôn Pốt xâm phạm lãnh thổ  gây nhiều cảnh chết chóc , đài báo ta liên tục thông tin  hàng ngày , một cuộc chiến tranh mới đã  nổ ra và chúng ta lại một lần nữa phải cầm súng đứng lên và  phải ra mặt trận  là điều khó tránh khỏi. Cùng lúc chúng ta có chiến sự ở hai đầu  biên giới Tây nam và biên giới phía Bắc!
         
Theo tư liệu của ta : “ Mục tiêu của Trung Quốc là muốn nhanh chóng chiếm đóng vùng biên giới Việt-Trung, đặc biệt là các thị xã trọng yếu gồm Lạng Sơn (chốt chặn nối QL 1 A của Việt Nam với Trung Quốc), Cao Bằng  và Lào Cai Vùng chiếm đóng dự kiến với bề sâu chừng vài chục km sẽ được Trung Quốc sử dụng làm bàn đạp cho các cuộc tấn công vào sâu nội địa Việt Nam.
Tiêu hao lực lượng chủ lực và làm suy yếu khả năng phòng ngự phía Việt Nam bằng việc quét sạch các đồn biên phòng, tiêu diệt một phần lực lượng quân địa phương và các đơn vị quân độc lập khác của Việt Nam.
Hủy diệt cơ sở hạ tầng và nền kinh tế ở các vùng chiếm đóng để đưa nền kinh tế Việt Nam tới chỗ sụp đổ.
Để tấn công Việt Nam, Trung Quốc sử dụng 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn), 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không. Lực lượng được huy động khoảng trên 30 vạn binh sĩ, 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối  và dàn hỏa tiễn, chưa kể hơn 200 tàu chiến của hạm đội Nam Hải và 1.700 máy bay sẵn sàng phía sau. Tướng Hứa Thế Hữu, tư lệnh Đại Quân khu Quản Châu chỉ huy hướng tiến công vào đông bắc Việt Nam với trọng điểm là Lạng Sơn  và  Cao Bằng. Tướng Dương Đắc Chí, tư lệnh Đại Quân khu Côn Minh đảm nhiệm hướng tây bắc với trọng điểm là Hoàng Liên Sơn  (nay là Lào Caii). Đây là đợt huy động quân sự lớn nhất của Trung Quốc kể từ Chiến tranh Triều Tiên Ngoài lực lượng quân chính qui, Trung Quốc còn huy động hàng chục vạn dân công và lực lượng dân binh ở các tỉnh biên giới để tải đồ tiếp tế, phục vụ, tải thương, hỗ trợ quân chính qui phục vụ cho chiến dịch, chỉ riêng tại Quảng Tây đã có đến 215.000 dân công được huy động. Về phân phối lực lượng của Trung Quốc: hướng Lạng Sơn có quân đoàn 43, 54, 55; hướng Cao Bằng  có quân đoàn 41, 42, 50; hướng Hoàng Liên Sơn có quân đoàn 13, 14; hướng Lai Châu có quân đoàn 11; hướng Quảng Ninh ; Hà Tuyên (nay là Hà Giang  và Tuyên Quang) mỗi nơi cũng có từ 1-2 sư đoàn”.
Mặt trn ở Hà Giang phải nói là ác liệt nhất là: huyện Vị Xuyên như “chảo lửa” bị  quân Trung bắn khoảng 800.000 quả đn;  xã Pà Vầy Sủ , Chí Cà huyện Xín Mần giáp huyện Hoàng Su Phì ngày đêm dền vang tiếng đạn pháo của quân Trung Quốc . Xã Bản Máy huyện Hoàng Su Phì, nơi tôi công tác là chiến tranh cũng rất ác liệt ,ban ngày  tiếng  đạn pháo, tiếng súng dền vang, ban đêm Trung Quốc cho thám báo sang đất ta bắt cóc dân thường, bắt cóc dân quân tự vệ ở các điểm chốt. Thời kì này huyện Hoàng Su Phì xác định “vừa công tác vừa phục vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất biên giới”. Đến đầu năm 1985 chiến tranh diễn ra ác liệt huyện sơ tán về tuyến 2 ở xã Nam Sơn cùng huyện ; Đến tháng 10/1991 hòa bình đã lập lại trên miền biên giới của huyện Hoàng Su Phì. Cuộc sống mới đã hồi sinh nơi đây; mười năm sau chiến tranh biên giới huyện Hoàng Su Phì ngày nay đang phát triển đi lên “huyện ngày càng to đẹp hơn và đàng hoàng hơn”.

Tôi về nghỉ hưu tháng 9 năm 2010.

Trong 31 năm sống, công tác ở huyện vùng cao biên giới đã làm được: Trong thời kì chiến tranh bảo vệ biên giới là một “chiến sĩ giao thông” hoàn thành nhiệm vụ trên giao. Được kết nạp vào đảng cộng sản Việt Nam. Là cán bộ lãnh đạo, quản lí cấp phòng gương mẫu, là Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện 1 khóa; luôn đi đầu trong các phong trào thi yêu nước , hai lần tham dự hội nghị thi đua cấp tỉnh; đã được tham gia 2 khóa (15 và 16) vào Ban chấp hành Đảng bộ huyện, đại biểu tham dự đại hội Đảng bộ tỉnh; tham mưu xây dựng chuyên đề và biện pháp về phát triển giao thông miền núi. Trong đó có mô hình “Vận động nhân dân mở đường giao thông dân sinh với hình thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm và dân làm là chính, nhà nước hỗ trợ vật liệu nổ công nghiệp và dụng cụ lao động”. Đến năm 2003 huyện Hoàng Su Phì  “áp dụng mô hình mở đường trên”  huy động sức dân đã có 100% các xã mở đường giao thông cho  ô tô đi được  từ trung tâm huyện về trung tâm xã  ; mở khoảng 300 km trong đó có 200 km ô tô đi được. Trong phong trào mở đường giao thông thời kì này có xã Tiên Nguyên là lá cờ đầu: được Bộ Giao thông vận tải “tặng cờ xã xuất sắc nhất về “Phát triển đường giao thông miền núi” (năm 1998); đây là lá cờ đầu tiên về thành tích phát triển giao thông ở Hà Giang . Trong xây dựng cơ bản, tham mưu và làm điểm mô hình “Xây dựng các điểm trường ở thôn, bản rẻo cao” (Nhà nước-tỉnh Hà Giang cấp cho gạch, xi măng nhân dân đóng góp cát, sỏi, vật liệu địa phương và nhân công), thí điểm xây dựng 20 điểm trường và đây cũng là mô hình điểm đẩu tiên ở Hà Giang sau đó nhân ra toàn tỉnh Hà Giang (năm 2000). 
Trong thời kì chiến tranh biên giới có nhiều sáng kiến trong việc thi công cầu dân sinh phục chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của bộ đội ta. Được tặng thưởng nhiều: danh hiệu “Chiến sĩ  thi đua cấp tỉnh” ba lần ; danh hiệu “Chiến sĩ  thi đua cấp huyện” mười lần; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, huy chương 3 bộ, Kỉ niệm chương 4 bộ; Nhiều Bằng và Giấy khen của các Bộ ngành và UBND tỉnh, huyện Hoàng Su Phì. Với thành tích xuất sắc trong phục vụ chiến đấu ở mặt trận Hoàng Su Phì được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng 3 năm 2010 ; Xứng danh với hình ảnh “anh Bộ đội cụ hồ” trong các thời kì.

Còn chuyện về Vũ kể từ khi chia tay sáng sớm 2/4/1976 tại căn cứ thiết giáp Chi Lăng ở huyện Tri Tôn ; tỉnh An Giang, lúc này cả Tôi và Vũ đều là Binh nhất; khi về an dưỡng ở Hà Nam Ninh tôi lên Hạ Sĩ; còn Vũ vẫn là Binh Nhất.
Khoảng tháng 6/1976 do tình hình biên giới Tây nam có nhiều biến động. Đơn vị và Vũ di chuyển về huấn luyện tại căn cứ pháo binh ở tỉnh Rạch Giá; tập bắn các tọa độ biển.
 Đến năm 1977; Cuộc tấn công đầu tiên của quân Khmer Đỏ diễn ra vào tháng 4 năm 1977, tiến sâu 10 km vào lãnh thổ Việt Nam, chiếm một số vùng ở tỉnh An Giang và tàn sát một số lớn dân thường. Cuộc tấn công thứ hai diễn ra vào tháng 10 cùng năm, lần này quân Khmer Đỏ tiến sâu đến 15 km trong lãnh thổ Việt Nam. Hơn 30 vạn người dọc biên giới phải tản cư về phía sau, 6 vạn hecta đất sản xuất bị bỏ hoang.
Theo nhiều tài liệu:“Ngày 1/2/1978, Trung ương Đảng Cộng sản của Pôn Pốt  họp bàn chủ trương chống Việt Nam và quyết định thành lập 15 sư đoàn. Trong nghị quyết của họ có ghi: "Chỉ cần mỗi ngày diệt vài chục, mỗi tháng diệt vài ngàn, mỗi năm diệt vài ba vạn thì có thể đánh 10, 15, đến 20 năm. Thực hiện 1 diệt 30, hy sinh 2 triệu người Campuchia để tiêu diệt 50 triệu người Việt Nam". Pol Pot đã điều 13 trong số 17 sư đoàn quân chủ lực và một số trung đoàn địa phương liên tục tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, có nơi vào sâu tới 15-20 km. Trong các đợt tấn công đó, Khmer Đỏ đã thực hiện thảm sát đối với người Việt Nam, một ví dụ là vụ thảm sát Ba Chúc vào tháng 4 năm 1978 với 3157 dân thường bị giết hại. Từ tháng 12 năm 1977 đến 14 tháng 6 năm 1978, phía Việt Nam bị thương vong  nhiều người. Hơn 30 vạn người phải tản cư về phía sau, bỏ hoang 6 vạn ha đất sản xuất.
Ngày 13/12/1978, được sự trang bị và hậu thuẫn của Trung Quốc, Khmer Đỏ đã huy động 10 trong 19 sư đoàn (khoảng 50.000 đến 60.000 quân) tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới. Ba sư đoàn đánh vào Bến Sỏi với mục tiêu chiếm thị xã Tây Ninh, 2 sư đoàn đánh vào Hồng Ngự (Đồng Tháp), 2 sư đoàn đánh khu vực Bảy Núi (An Giang), 1 sư đoàn đánh Trà Phô, Trà Tiến (Kiên Giang). Tại những vùng chiếm đóng, Khmer Đỏ đã thực hiện sách lược diệt chủng đối với người Việt, như đã làm với người Khmer”.
Trong thời gian đơn vị huấn luyện ở Rạch Giá Vũ được đi học sĩ quan và lên đến chức đại đội phó  với quân hàm trung úy; và tham gia giải phóng Campuchia và đơn vị đã tiến đến tỉnh Siêm Diệp (Siem Reap) của Campuchia: đơn vị vẫn trực thuộc sư đoàn 4 –quân khu 9. Theo tài liệu triển khai lực lượng của quân khu 9: “ Đơn vị hành quân tham  gia chiến dịch giải phóng Campuchia trong đội hình thế trận của sư đoàn 4-Quân khu 9, quân ta phản kích địch ở nhiều nơi. Sư đoàn 339 tổ chức nhiều trận đánh ở khu vực Gò Rượi, Gò Viết Thuộc, Gò Châu Giang, Đứt Gò Suông, đuổi địch về bên kia biên giới. Sư đoàn 4, Trung đoàn 2 (Sư đoàn 8) và Trung đoàn 2 (Sư đoàn 330) phối hợp với các lực lượng vũ trang đỉa phương tập trung đánh địch, khôi phục toàn bộ khu vực Rộc Xây. Sư đoàn 8 (thiếu Trung đoàn 2) mở cuộc phản công khôi phục lại khu vực bắc Hà Tiên.
Sau khi hành quân vào vị trí tập kết ở khu vực  xã Tri Tôn, huyện Bảy Núi (tỉnh Kiên Giang), Quân đoàn 2 (thiếu Sư đoàn 306) được tăng cường Sư đoàn 8 (Quân khu 9), được Tiền phương Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ phối hợp với Quân khu 9 và hiệp đồng với không quân, hải quân chiến đấu trên dải biên giới từ Châu Đốc ra tới biển và tổ chức chiến dịch tiến công trên hướng Tây Nam.
Đối tượng tác chiến trước mắt của Quân đoàn là Quân khu Đông Nam của địch (lực lượng có 4 sư đoàn bộ binh (210, 230, 250, 270) và sư đoàn lính thủy đánh bộ 164. Tổng số quân khoảng 35.000 tên với 5 tiểu đoàn pháo, 1 tiểu đoàn xe tăng và hơn 100 tàu, xuồng chiến đấu). Ngày 31 tháng 12 năm 1978, Quân đoàn 2 và lực lượng vũ trang Quân khu 9 nổ súng đánh địch ở khu vực kênh Vĩnh Tế, thu hồi phần đất cuối cùng của Tổ quốc bị kẻ thù lấn chiếm trái phép.

Trong 9 ngày đêm (từ ngày 23 đến ngày 31 tháng 12 năm 1978), bằng các đòn phản công, tiến công quyết liệt kế tiếp nhau, quân và dân ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh đuổi quân Pôn Pốt, thu hồi toàn bộ vùng chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc bị kẻ thù lấn chiếm, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng, xây dựng lại đất nước”.

Như vậy là Nguyễn Thế Vũ , người đồng đội –cựu chiến binh quân đội nhân dân VIệt Nam đã  vinh dự tham gia hai cuộc chiến và hai chiến dịch: Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử  giải phóng hoàn toàn miền Nam và Chiến dịch tấn công vào sào huyệt bọn Pôn pốt giải phóng biên giới Tây nam và giúp Đảng nhân dân cách mạng Campu chia giải phóng khỏi ách diệt chủng ; lập ra nhà nước mới: ngày 8/1/1979 nhà nước  cách mạng và nhân dân Campuchia ra đời.

Sau nhiều lần đi tìm và ngày 29/4/2012 chúng tôi đã gặp nhau trên quê của Vũ: Thôn 1 –Đức Thành, xã Xích Thổ huyện Nho Quan tỉnh Ninh Bình;  như thế là tròn 36 năm mới gặp lại đồng đội cũ. Niềm vui dâng tràn trong ngày đất nước kỉ niệm 37 năm ngày chiến thắng 30/4  Miền Nam hoàn toàn giải phóng non sông thu về một mối.
Và một tuần sau tôi đã chủ động đưa Mẹ tôi tới nhà Vũ và Vũ cũng mời hai bà mẹ : Mẹ Vũ và Mẹ Tôi đến giao lưu thăm nhà ở của  vợ chồng Vũ, trong ngày này Vũ thông tin cho tất cả con cái nghỉ việc để cùng liên hoan. Như mọi người thường nói là kết thúc có hậu và ở chúng tôi đúng như vậy. Hạnh phúc đời thường giản dị và đẹp như vậy đấy./. 

Xem bài : Gặp lại người Tiểu đội trưởng năm xưa (Bấm vào)

(Ngô Lê Lợi- Hồi kí về cuộc kháng chiến chống Mỹ -Ngụy- Hà Nội 6/2012)

Gặp lại nhau ngày 29/4/2012 tại nhà Nguyễn Thế Vũ

Anh Vũ Đình Đảng tiểu đội trưởng-gặp nhau sau 35 năm (năm 2011 tại nhà Anh Đảng)- và Tác giả
                                                                                     

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI NHÀ NGUYỄN THẾ VŨ 

Chụp ảnh với hai bà Mẹ và các cháu của Nguyễn Thế Vũ 
Vợ chồng Nguyễn Thế Vũ



                                                                Nhà của Nguyễn Thế Vũ 










                                    MỘT SỐ HÌNH ẢNH HÀNH QUÂN (ảnh tư liệu)

Pháo vác vai
                                                                  
Trinh sát pháo binh và thông tin đang làm nhiệm vụ

Chuẩn bị vượt sông bằng xuồng máy co-le

Hành quân bộ trên đất Cam phu chia

Hành quân trên đất Canm pu chia

Nghỉ trên đường hành quân

Hành quân về quân quản thành phố Cần Thơ

Kênh rạch ở Sóc Trăng những năm đánh Mỹ

Hòa bình đơn vị chuyển quân bằng xe GMC chiến lợi phẩm


 "đại pháo" 105  trang bị cho quân  ta