Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Người tiểu đội trưởng năm xưa

Hai  bà mẹ -CCB Nguyễn Thế Vũ-Tác giả chụp với vợ, chồng anh CCB Vũ Đình Đảng (ngày 28/2/2013)

Hôm tôi ra Bắc nhằm ngày 2/4/1976 thì anh Vũ Đình Đảng-người Tiểu đội trưởng của Tiểu đội trinh sát (pháo 105  mặt đất) thuộc Trung đội ba- Đại đội 2-Tiểu đoàn 23-11 (trực thuộc sư đoàn 4 Hậu Giang-Quân khu 9)  đang đi công tác đột xuất cùng Tư lệnh sư đoàn ở Rạch Giá; chuẩn bị kế hoạch bắn biển vì có thông tin Pônpốt dùng tàu thuyền xâm phạm lãnh hải của ta. Tuy  miền Nam đã hòa bình không còn một bóng tên xâm lược; nhưng lúc này ở mặt trận biên giới phía Nam đang nóng lên.
Cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam do Khmer đỏ đứng đầu là Pôn Pốt - Iêng Xari chính thức phát động (có sự hậu thuẫn của Bá quyền Phương Bắc)  đã nổ ra. Những khiêu khích ban đầu của Khmer đỏ :    Ngày 5/5/1975 , Khmer đỏ đã đưa quân lên chiếm đảo Thổ Chu, sau khi chiếm đảo chúng đã bắt đi gần 600 người dân (và giết một số dân thường)  đồng thời chiếm đảo Poulowai, dùng tàu thăm dò bắc đảo Phú Quốc, Nam du. Ngày 7/5/1975, lực lượng ta tại đảo Phú Quốc đã buộc địch phải rút khỏi phía bắc đảo. Ngày 25/5/75 Quân khu 9 dùng 2 tiểu đoàn của trung đoàn 195 và 1 phần các đơn vị được Bộ tăng cường: Lữ đoàn lính thủy đánh bộ 101, không quân và hải quân tiến công giải phóng đảo Thổ Chu.
Sau vài ngày bao vây, thì đến ngày 30/5 ta điều các tầu chiến đã đổ bộ lên Thổ Chu tấn công tiêu diệt 1 tiểu đoàn địch, diệt 200 tên, bắt sống 315 tên. Quân ta đã chiếm lại và làm chủ đảo.
Sau đó quân khu 9 có ý định tiếp tục thu hồi quần đảo Cô Tang  và Bộ quốc phòng đã triển khai lực lượng bảo vệ toàn bộ biên giới Việt Nam – Căm pu chia”.
Nhận lệnh của Đại đội trưởng Nguyễn Hạnh Phúc , tiểu đội trinh sát do anh Đảng làm tổ trưởng cùng một số anh em nữa đi điều nghiên  bắn biển ở bờ biển Rạch Giá (và Kiên Giang), Vì thời gian này Khmer đỏ liên tục cho tầu, thuyền vào khu vực biển phía cực Nam của Tổ quốc quấy phá.
Tại  căn cứ  “Thiết giáp Chi Lăng” (Căn cứ Chi Lăng tại vùng Bảy núi ), thuộc huyện biên giới Tịnh Biên tỉnh An Giang;  đơn vị vừa huấn luyện và vừa sẵn sàng chiến đấu cao.
Gặp lại anh tâm sự:  “Sau khi chú ra quân, đơn vị đón thêm quân mới chủ yếu là người miền Nam và vừa huấn luyện vừa sẵn sàng chiến đấu. Lúc này đơn vị đã được trang bị chính qui hiện đại là tiểu đoàn pháo binh với nhiều “đại pháo” 105 li và thêm cả pháo 155 li - xe ô tô GMC kéo; nhưng trình độ kỹ chiến thuật và tác chiến còn quá yếu nên cấp trên tuyển chọn một số cán bộ từ cấp tiểu đội và một số anh em quân cũ đã kinh qua chiến đấu đi học sĩ quan chỉ huy”. Anh Vũ Đình Đảng đã được chọn đi học sĩ quan, tháng 8/1976 anh được ra Đà Lạt học sĩ quan. Như vậy là anh xa đơn vị sau tôi 6 tháng.
 Học song lớp sĩ quan pháo binh, anh được điều về công tác ở Quân đoàn 1. Lúc này cuộc  chiến tranh chống lấn chiếm biên giới ở phía Bắc do  Trung Quốc phát động  nổ ra   ngày càng ác liệt.
Anh được điều động lên phòng tuyến phía Bắc với hàm đại úy Tiểu đoàn trưởng. Mặt trận phía Bắc anh đã có mặt ở hầu hết các tỉnh biên giới phía Bắc.
 Đến năm 1987 anh chuyển ngành sau đó về hưu.
Anh tâm sự khi về nghỉ hưu ở thôn Tướng Loát xã Yên Trị huyện Ý Yên tỉnh Nam Định mình thấy quá chật chội, nhà chỉ có vài chục m2 lại ở giữa làng, đồng ruộng thì xa, sức khỏe lại cũng yếu. Trong khi đó ở xã Yên Trị  của anh nằm ở phía nam huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Phía đông bắc tiếp giáp xã Yên Đồng, phía tây nam tiếp giáp sông Đáy, phía tây bắc giáp xã Yên Khang. Xã có 10 thôn xóm gồm: thôn Tướng Loát, thôn Hạc Bổng, thôn Xóm Giữa, thôn Xóm Giáo, thôn Xóm Bến, thôn Xóm Trong, thôn Trại Trong, thôn Ngọc Trấn, thôn Vĩnh Trị và thôn Trại Bến.

Là vùng đất hình thành sớm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Ý Yên nằm ở vùng đất trũng hơn cả.
Quê hương Ý Yên có nhiều làng nghề truyền thống qua hàng chục thế kỷ, nổi tiếng như: đúc đồng Tống Xá, mộc La Xuyên, sơn mài Cát Đằng. Sự tài hoa của bàn tay, khối óc nghệ nhân  của người dân Ý Yên kết tinh lại trong các tác phẩm, công trình tôn giáo tín ngưỡng như đình Ruối, đình Cát Đằng, đình La Xuyên. Ý Yên còn là nơi tàng ẩn kho tàng văn hoá dân gian phong phú. Làng chèo cổ Yên Nhân với những làn điệu cất lên từ vùng quê “đồng trắng, nước trong” ca ngợi quê hương, tình làng nghĩa xóm đã có tác động không nhỏ trong đời sống cộng đồng cho tới tận ngày nay. Quê hương anh còn nổi tiếng  là đất học, đất văn, quê hương của 18 tiến sỹ, Hoàng giáp, Phó bảng, tiêu biểu như tiến sỹ Khiếu Năng Tĩnh.
Và ; thôn quê anh ở lại chủ yếu làm nông nghiệp nên đời sống chỉ đủ ăn và xã anh vẫn còn nghèo.
Do vậy khi xã có chủ trương di dân ra vùng đất ven sông Đáy để làm kinh tế gia đình anh đã xung phong là một trong những người đi tiên phong.
Chỗ ở mới bây giờ có tên “Trại Tướng” (có thể hiểu là nơi nhân dân thôn Tướng Loát làm trang trại!).
Sau khi liên lạc với anh, Tôi và Nguyễn Thế Vũ đã đến nhà anh; Tôi đưa mẹ Tôi đi cùng. Tính từ  2/4/1976 đến nay thì đã 37 năm gặp lại nhau. Mừng vui. Gặp lại anh người Tiểu đội trưởng năm xưa-người lính “Cụ Hồ” và đã từng vào nơi chiến trận , qua nhiều chiến trường. Vẫn là người anh thân thuộc  như ngày nào.
Nhà anh hôm nay với trên 1000m2  đất  ven dòng sông Đáy hiền hòa. Với mái nhà cấp 4 hiên Tây mái chảy khoảng 50m2, 2 cái ao nuôi cá khoảng 500m2. Và với 8 sào ruộng nước 2 vụ mỗi năm /3,5 tấn lúa. Tuy không giàu có lắm nhưng đủ ăn; gia đình rất hạnh phúc. Một vợ, hai con đã có dâu-rể, có cháu nội, ngoại. Anh cười hiền và rất vui. Gặp lại chúng tôi, anh đón mẹ anh ra nhà anh để mẹ Anh và mẹ Tôi “hai bà mẹ chiến sĩ năm nào” trò chuyện về cái thời “xa xưa” ấy và chỉ có mẹ và chúng tôi mới hiểu?
Chuyện trò với nhau nhớ lại cái ngày gian khó ấy và chiến tranh cũng đã lùi xa. Nhân duyên hôm nay gặp lại. Sống với nhau nơi chiến trận tận miền Tây Nam bộ và hôm nay gặp lại nhau ở giữa vùng châu thổ Sông Hồng.
Niềm vui nhân lên khi các mẹ được gặp mặt nhau và hiểu phần nào quãng đường những đứa con của mình đã đi qua- đã trưởng thành- và nay đã hoàn thành nghĩa vụ của người thanh niên khi đất nước có giặc “đâu còn giặc là ta còn đi chiến đấu”!

 Hẹn nhau từ khi đất nước còn “chia đôi”, bao giờ hết giặc ai có điều kiện thì tìm về gặp nhau nhé! Lời hẹn ước năm xưa nay đã thành sự thật, còn gì vui hơn những niềm vui của “người Lính”.

 Đất nước hòa bình , bây giờ về quê anh  dễ đi lắm toàn đường nhựa thẳng tắp, tuy đường đi còn nhỏ hẹp khoảng 110 km: Từ Hà Nội đến Phủ Lý- theo đường 21B- vào đường chợ Viềng-Phủ Dầy- qua ngã 3 Cát Đằng - xã Yên Tiến - xã Yên Đồng là đến xã Yên Trị ; sau đó hỏi về “Trại Tướng” là nhà anh ở đó. /.
(Ngô Lê Lợi-ngày 28/2/2013- ngày gặp mặt 3 người cựu chiến binh D23-11)

       Xem thêm bài: Gặp lại người đồng đội sau 36 năm xa cách


MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRONG NGÀY GẶP MẶT

Mẹ của Tác giả-Mẹ của anh CCB Vũ Đình Đảng

Tác giả và CCB Nguyễn Thế Vũ


Anh CCB Vũ Đình Đảng và Tác giả


Vợ chồng anh CCB Vũ Đình Đảng


Ông và cháu nội


Cháu ngoại (đứng sau) và cháu nội (đứng trước) của Ông Vũ Đình Đảng
Sông Đáy

Toàn cảnh nhà anh CCB Vũ Đình Đảng 








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét