Khuôn mặt hình người xuất hiện trên mộ |
Câu chuyện ụ mối hình đầu người xuất hiện trên ngôi mộ ở
thôn Phú Sơn Nam (huyện Hòa Vang,
Đà Nẵng) từng gây xôn xao dư luận Đà Nẵng và các địa phương lân cận từ giữa năm
2012. Hơn 1 năm trôi qua, ụ mối nhiều lần bị mưa gió bão tố bào xóa, thậm chí
cây ngã đổ đè lên hư hỏng, nhưng vẫn từ từ mọc trở lại với đầy đủ hình thù
giống mắt, mũi, tai, miệng, râu tóc của một cụ già.
Kỳ lạ ụ mối hình đầu người trên mộ
Theo thông tin ghi lại trên bia đá, ngôi mộ này của ông Nguyễn
Hữu Cổ, được chôn hàng chục năm về trước. Về sau, chính quyền phân chia đất
đai, mộ mặc nhiên nằm thuộc về phần đất vườn của gia đình bà Nguyễn Thị Tánh
(còn gọi bà Hai Tánh, SN 1937, thôn Phú Sơn Nam) và bị lọt thỏm giữa những tán
keo xanh ngút ngàn được chủ đất trồng lên.
Vào khoảng thời gian giữa năm
2012 đến nay, bỗng nhiên trên phần đầu ngôi mộ bỗng xuất hiện một ụ đất (sau
này được xác định ụ mối). Ban đầu đó chỉ là một nắm đất nhỏ không ai để ý. Dần
dần, ụ mối phình to và có hình thù một khuôn mặt người với đầy đủ cả mắt, mũi,
miệng, tai.
Xung quanh ụ mối còn được điểm
bởi một số cỏ rác, “mô phỏng” bộ râu khiến ụ mối không khác gì khuôn mặt một ông
già. Sau 5 lần 7 lượt ụ mối bị xóa do mưa nhưng vẫn tự mọc lại với hình dáng
khuôn mặt như cũ.
“Lúc đầu nhìn thấy, tui điếng
người chết lặng đến vài giây. Kể cả bây giờ, khi đứng một mình quan sát, tôi vẫn
cảm thấy gợn gợn. Mà ai ở đây cũng đều có tâm trạng giống như tôi và đều bất
ngờ cả”, một người dân sống cạnh ngôi mộ thuật lại.
Lúc mới xuất hiện, nhiều tháng
liền, dòng người nghe tin từ khắp nơi lũ lượt kéo về để xem, cùng bàn tán rồi dùng
điện thoại chụp lại hình mặt người, khiến tình hình an ninh trên địa bàn trở
nên phức tạp. Những lời đồn thổi cũng được một số người thêu dệt thành những
câu chuyện “thần thánh hiển linh”, “hồn ma ông Cổ hiện về báo ứng”… có thể sẽ
mang đến tai ương cho bà con trong dòng họ ông Cổ hoặc ngôi làng nếu không làm
lễ cúng….
Cũng chính vì vậy, chính quyền xã
Hòa Khương, thôn Phú Sơn Nam phải huy động nhiều lực lượng khác nhau túc trực
quanh ngôi mộ, nhằm ngăn chặn một số kẻ lợi dụng tung tin đồn nhảm, gây mê tín
dị đoan. Chính quyền cũng đến từng nhà, gặp từng người tuyên truyền để người dân
hiểu đây hoàn toàn là một ụ mối tự nhiên chứ không phải thần thánh hiện hình
lên.
Để tiếp tục trấn an dư luận, lực
lượng chức nặng địa phương cũng đã đưa ra các giả thuyết về nguyên nhân của hiện
tượng này, rằng rất có thể trước đó, nhiều trẻ em gần khu vực tinh nghịch khi
phát hiện ụ mối, đã dùng một số vật dụng khác để tô điểm lên cho giống hình mặt
người. Sau đó tin đồn thất thiệt bung ra, một đồn mười, mười đồn trăm, khiến sự
việc vượt khỏi tầm kiểm soát.
Đứa trẻ nghịch dại bị tổ
mối “báo oán”?
Dù gây sự tò mò xen lẫn lo sợ đối
với người dân từ khi mới xuất hiện, nhưng theo thời gian, ụ mối cũng dần chìm
vào quên lãng. Tuy nhiên, khoảng thời gian gần đây, một đứa trẻ bỗng dưng chọc
mắt mũi phá ụ mối đổ bệnh. Bỗng chốc ụ mối “nóng” trở lại. Kèm theo đó,
nhiều chuyện kỳ lạ cũng được người dân lôi ra thêu dệt, truyền tụng tiếp.
Bà Tánh kể, nhiều lần hư rồi
"mọc", đến giữa năm 2013 này, ụ mối đã rõ dáng khuôn mặt người già
với đầy đủ các bộ phận. Do đã quá quen thuộc, nhà lại ở ngay sát bên cạnh nên
hằng ngày bà Tánh vẫn vạch đám keo để vào thắp nhang cho ngôi mộ.
Riêng ụ mối, dù không nói ra
nhưng ai cũng xem như “bất khả xâm phạm”, nên bà cũng không đụng vào dù phủi
một hạt cát. Khoảng thời gian này, đứa cháu trai 17 tuổi của bà, trong một lần
về chơi, được ngoại dẫn cho xem ụ mối. Có lẽ vì sự tinh nghịch của tuổi mới
lớn, đứa cháu mới lấy cây chọc phá hỏng hết những bộ phận được cho giống với
mắt, tai, mũi... trên ụ mối. Bà Tánh cũng không hay biết điều này.
Bất ngờ sau mấy ngày ở chơi, đến
khi về lại nhà, đứa cháu bỗng than đau nhức ở các bộ phận trên khuôn mặt. Thấy
vậy, gia đình mới đưa đi bệnh viện chữa trị.
Nhưng lạ, khi tiến hành thăm
khám, cháu trai bà Tánh tự nhiên lại hết đau, bác sĩ cũng chịu, không
"bắt" được bệnh gì trong người cậu thanh niên khỏe mạnh này. Song cứ
về nhà là đứa cháu bà Tánh lại đau nhức như cũ, rên la thống thiết.
Gia đình bà Tánh bắt đầu căn vặn
đứa cháu đủ điều, mới biết được cháu mình từng “đụng” đến ụ mối hình mặt người
trên ngôi mộ. Khi đi kiểm tra thực hư, bà và những người thân đều điếng hồn bởi
sự “lỡ dại” của con cháu họ.
Gia đình soạn mâm lễ với đầy đủ
lễ vật để cúng tạ lỗi, “xin” “người bề trên” bỏ qua đừng “bắt” tội con cháu họ…
Điều ngẫu nhiên là sau lần cúng trên, đứa cháu bà Tánh khỏi bệnh thật. Từ đó
người nhà bà Tánh lại càng “sợ” cái tổ mối.
Gia tộc phát đạt nhờ ụ
mối trên ngôi mộ ông cụ?
Bà Tánh cho biết, trước đây ông
Cổ không có vợ con, chỉ ở vậy tại thôn Phú Sơn Nam cho đến già rồi chết. Những
người thân đã an táng và đắp mộ cho ông Cổ bằng đất bằng. Về sau, gia đình ông
Cổ cũng phân tán đi làm ăn tứ xứ. Hiện ngoài bà, chỉ còn lại gia đình một người
cháu sinh sống ở thôn Phú Sơn Nam.
Cách đây khoảng 5 năm, những
người thân các nơi mới tìm về, tiến hành xây dựng mộ lại bằng xi măng. Hằng năm
cứ đến ngày giỗ của ông, ngày Tết, người dân quanh ngôi mộ vẫn thấy mộ ông được
dọn cỏ sạch sẽ, thắp nhang. Đặc biệt, thời gian sau khi có ụ mối xuất hiện,
nhiều người nghe nói, dòng họ bên ông Cổ ở các nơi, bỗng chốc làm ăn khấm khá.
Để rõ thực hư, theo chỉ dẫn,
khách tìm đến gia đình cháu của người dưới mộ. Tiếp chuyện, anh Nguyễn Hồng Sơn
(1957, cháu ông Cổ) cho biết, anh có nghe bà con trong dòng họ nói lại, rằng
trước đây đã có một lần ngẫu nhiên, các con cháu xa, gần của cụ cố Cổ (anh Sơn
gọi bằng cụ cố) đều nằm mơ thấy cụ về gọi tên từng người.
Một lúc lâu cụ lại khóc lóc nài
nỉ: “Tụi bay cho tau xin ngôi nhà. Nằm miết như ri lạnh quá. Tau đền ơn lại cho”.
Vì lẽ đó, mọi người mới bàn tính tích cóp tiền của để xây lại ngôi mộ cho
cụ cố.
Có điều lạ, không biết có phải vì
xây “ngôi nhà” lại cho cụ Cổ, mà thời gian về sau này, con cháu của cụ đi làm
ăn các nơi đều khấm khá lên trông thấy. Tuy nhiên, lúc này mọi người cũng chưa
chú ý lắm vì cho rằng, “gặp thời thế” thì kiếm ra tiền, chứ hoàn toàn không
nghĩ được cụ Cổ “phù hộ”.
Nhưng từ khi ụ mối hình thành,
nhiều thành viên trong dòng họ ngẫm nghĩ và cho rằng ngôi mộ cụ Cổ lúc an táng đã
ngẫu nhiên rơi thế đất “phong thuỷ đẹp”, nằm ngoài dự tính của con cháu. Lúc ụ
mối đùn lên, báo tín hiệu mộ được “thiên táng”.
“Tuy nhiên, nghe cũng chỉ một
phần, chứ chúng tôi và hầu hết người dân ở thôn Phú Sơn Nam đều không
phải mê tín mà tin hoàn toàn. Chỉ có điều, ụ mối hiện tại không làm ảnh hưởng
gì đến mọi người xung quanh, vì thế, con cháu cũng không đụng vào mà để mặc cho
tự nhiên.
Còn chuyện bệnh tật của cháu bà
Tánh, chỉ là ngẫu nhiên, qua đó cũng “răn” cho đám thanh niên bớt nghịch ngợm, phá
phách”, cháu của người dưới ngôi mộ “phong thủy tốt” nhận định. (Vũ Anh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét