Thứ Hai, 26 tháng 6, 2023

Thế giới Tâm linh rộng lớn (Kỳ 3)

 

(Nhà báo Hoàng Anh Sướng và Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Kỳ 3: Thế giới tâm linh quả là rộng lớn với biết bao điều huyền bí níu kéo chúng ta tiếp tục tìm hiểu, khám phá và giải mã.

TÌM THẤY MỘ CỤ TỔ 6 ĐỜI, TÔI ĐÃ HOÀN THÀNH
TÂM NGUYỆN CỦA CHA
(Trích trong tập phóng sự “Nhân quả và Phật pháp nhiệm màu” tập 3. Những ai q.uan tâm đến tác phẩm này cũng như cuốn Nhân quả và Phật pháp nhiệm màu tập 1, tập 2, Hạnh phúc đích thực, Bí ẩn bùa ngải và những chuyện rợn người, Tiếng vọng từ những linh hồn, Chuyện đời Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, Thoát bệnh hiểm nghèo bằng nhịn ăn và thực dưỡng, Phóng sự chọn lọc của nhà báo Hoàng Anh Sướng, xin vui lòng l.iên h.ệ theo số Zalo: 092.730.9999).
Một lần, tôi mời nhà ngoại cảm Ng. về quê chơi. Nhìn bàn thờ gia tiên nhà tôi sắp đặt chưa hợp lý, chị đã bày đặt lại. Chị bảo: “Sướng ơi! Các cụ nhà em linh thiêng lắm. Nhiều cụ thời xưa làm quan. Chính các cụ đã dẫn dắt em đến với tâm linh đấy. Có điều, nhà em mất mộ nhiều quá”. Tôi bảo: “Đó là nỗi đau của gia đình em. Liệu có tìm được không hả chị?”. Chị cười: “Em yên tâm. Sắp tìm được rồi”. Tôi định ngỏ lời nhờ chị tìm song nghĩ đến việc bao nhiêu gia đình liệt sĩ đã chờ đợi chị giúp từ rất lâu rồi nên tôi lại thôi.
Cuối năm, công việc bận rộn cuốn tôi đi. Rồi Tết đến. Sáng mồng 5 Tết năm 2007, anh Nguyễn Khắc Bảy, nhà ngoại cảm nổi tiếng ở Hà Nội, đưa vợ con lên Văn Miếu – Quốc Tử Giám lễ đầu xuân, nhân tiện anh ghé Hiên trà Trường Xuân thăm tôi. Tay cầm chén trà, mắt anh cứ nhìn chăm chú vào trán tôi. Tôi chột dạ. “Mặt mình bị nhọ hay sao ấy nhỉ?”. Đang định đứng dậy vào nhà vệ sinh soi gương thì anh Bảy hỏi: “Nhà chú bị mất mộ cụ tổ 6 đời à?”. Tôi giật mình. “Sao anh biết ạ?”. Anh Bảy bảo: “Anh nhìn thấy cụ ở trên trán chú”. Tôi chợt nghĩ: “Ồ! Lạ nhỉ! Bao nhiêu năm chơi với anh Bảy, ngồi uống trà với anh không biết bao lần, không thấy anh nói gì về chuyện nhà mình mất mộ. Tại sao hôm nay, anh lại nhìn thấy? Hay bây giờ cụ tổ linh thiêng mới cho thấy? Bây giờ nhà mình mới đủ duyên, đủ phước để tìm?”. “Liệu có tìm được cụ không hả anh?” - Tôi dè dặt hỏi. Vẫn nhìn xoáy vào trán tôi, anh Bảy bảo: “Chắc chắn sẽ tìm được chú ạ. Qua tháng Giêng, anh sẽ tìm cụ cho”.
Tháng Giêng, hầu hết các nhà ngoại cảm ở Việt Nam tạm ngừng việc tìm mộ. Chủ yếu họ đi lễ các đình, chùa, đền, phủ. Anh Nguyễn Khắc Bảy cũng vậy. Chiều ngày 3 tháng 2 âm lịch, anh Bảy chủ động điện thoại cho tôi: “Sáng mai chú bố trí đưa anh về quê nhé, anh tìm mộ cụ cho”. Tôi vội điện thoại về quê thông báo với bác ruột và các cô chú trong gia tộc. Bác tôi vừa nói, vừa khóc trong điện thoại: “Mừng quá cháu ơi! Cầu xin cụ tổ linh thiêng chỉ cho nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy chỗ nằm của cụ để chúng con biết mà xây mộ phần thờ cúng cho tươm tất”.
Đêm đó, tôi không tài nào ngủ được. Tôi nhớ đến cha tôi. Bao nhiêu năm đau đáu kiếm tìm mộ cụ tổ, đến tận lúc mất, lời trăn trối cuối cùng ông nói với tôi vẫn là chuyện tìm mộ cụ: “Con hãy thay cha tìm mộ cụ. Dù vất vả, khó khăn đến mấy, cũng phải tìm. Nếu không, ở nơi suối vàng, bố không dám gặp cụ. Con hứa với cha đi!”. Nghĩ đến cha, nước mắt tôi trào ra. Thương cha quá chừng. Nếu cha tôi còn sống, đêm nay, chắc ông cũng giống tôi, trằn trọc, thao thức không ngủ được. “Cha ơi! Cha có linh thiêng hãy phù hộ cho công việc tìm mộ cụ ngày mai đạt kết quả cha nhé”. Tôi lầm rầm khấn nguyện cha trong đêm tối.
Sáng hôm sau, tôi lái xe đón anh Bảy về quê sớm. Từ Hà Nội về quê tôi chỉ 28km mà sao tôi thấy đường xa quá. Chắc tại tôi sốt ruột quá mà. Bác tôi và mọi người trong gia tộc cũng sốt ruột chẳng kém. Vừa nhìn thấy anh Bảy bước vào cổng, cả nhà đã chạy ùa ra. Anh Bảy vừa mới nhấp ngụm nước, bác tôi đã xoa xoa hai bàn tay trình bày: “Báo cáo với anh! Chiều qua, cháu Sướng điện thoại báo tin anh về tìm mộ cụ nhà tôi mà tôi vui quá chừng. Cả đêm qua tôi không chợp mắt được, chỉ mong trời mau sáng để sớm được gặp anh. Tôi đã đọc nhiều bài báo cháu Sướng viết về anh. Khâm phục anh lắm. Nay nhờ hồng phúc của tổ tiên mà được gặp anh. Trăm sự nhờ anh”. Anh Bảy cười bảo: “Không có gì đâu ông ơi! Con coi chú Sướng như em trai. Tìm mộ cụ là trách nhiệm của con, ông không phải lăn tăn”. Nói đoạn, anh Bảy đề nghị bác tôi ra ngoài hiên nhà ngồi cho sáng. Mắt nhìn chăm chăm vào vầng trán rộng của bác tôi, một lúc sau, anh bảo: “Con nhìn thấy mộ cụ đây rồi”. Mặt bác tôi giãn ra, mắt ánh lên niềm vui. Anh Bảy chậm rãi nói tiếp: “Cụ nằm gần một cái hồ nước nhỏ. Đây không phải là hồ nước tự nhiên mà do nhân tạo. Trước đây, có một người dân địa phương tên là Sơn đã đào đất làm gạch. Lâu dần, thành cái hồ nước. Khi đào, anh ấy thấy 2 cái tiểu nên đã bứng lên rồi chôn vào thửa ruộng gần đó, vô tình chôn sát tiểu của cụ nhà mình. Có điều, 2 chiếc tiểu kia bằng sành còn tiểu của cụ nhà mình được chôn trong quan ngoài quách bằng gỗ vàng tâm”. Bác tôi mặt tái dại. Miệng lắp bắp một hồi, bác mới thốt lên lời: “Trời! Anh nói đúng quá. Mộ cụ tôi đúng là nằm trên cánh đồng có cái hồ nước vốn là thùng gạch do anh Sơn, người thôn Tử La đào. Trước đây, tôi và bố cháu Sướng đã từng vào nhà anh ấy để hỏi dò về việc anh ấy đào thấy 2 chiếc tiểu sành”. Anh Bảy cười trấn an: “Ông cứ bình tĩnh ngồi yên để con nhìn kỹ. Mộ cụ nhà mình nằm trên một thửa ruộng bỏ hoang, gần ngay hồ nước. Bên cạnh chỗ cụ nằm có một cái cây to bằng bắp tay con. Để con nhìn kỹ xem cây gì nào?”. Ghé gần hơn vào khuôn mặt bác tôi, nhìn như xoáy vào vầng trán, anh Bảy khẽ reo: “Con nhìn rõ đó là cây chuối con. Nó nằm ngang trên mặt đất ông ạ”.
Dường như hiểu được nỗi sốt ruột của bác tôi và cả gia đình, không kịp trở vào trong nhà uống nước, anh Bảy đề nghị cả nhà lên đường. Ngồi trên xe, bác tôi chẳng nói gì. Ông chắp hai tay trước ngực, mắt nhắm nghiền, miệng lầm rầm khấn nguyện. Anh Bảy cũng ngồi lặng im, vẻ mặt đầy đăm chiêu. Tôi thì nghĩ đến cha tôi. Có lẽ lúc này, ông cũng đang ngồi trên xe cùng tôi. Và chắc hẳn ông cũng đang hồi hộp lắm.
Mất chừng hơn nửa tiếng đồng hồ mới đến cánh đồng Tử La. Tôi đỗ xe bên đường, ngay cạnh hồ nước. Vừa bước xuống xe, anh Hoàng Nghĩa Tân, con trai thứ ba của bác tôi, là Thạc sĩ hóa của Viện sốt rét ký sinh trùng trung ương kêu toáng lên: “Cây chuối. Cây chuối kìa bố ơi”. Cả nhà hơn chục người cùng hướng mắt về phía tay anh Tân chỉ. Trên thửa ruộng hoang sát bên hồ nước, một cây chuối non to bằng cổ tay, ai đó mới nhổ, vứt nằm chỏng chơ, vẫn còn tươi rói. Tôi đưa mắt nhìn quanh. Cả cánh đồng rộng mênh mông không có một bụi chuối nào. Vậy cây chuối này ở đâu ra? Lạ quá. Bỗng dưng tóc gáy tôi dựng ngược. Toàn thân sởn da gà. Tôi cảm nhận rất rõ sự linh ứng của cõi tâm linh.
Tấm bạt nhựa được rải vội trên thửa ruộng, gần chỗ cây chuối nằm. Hương, hoa, trà, quả, thực cùng lễ vật mọi thức được bày ra. Nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy thắp bảy nén nhang, thành kính dâng cao ngang trán, khấn nguyện thần linh thổ địa cai quản ở xứ đồng Tử La cho phép anh được tìm kiếm mộ cụ. (Xem ảnh bên dưới). Trong làn khói hương bảng lảng, anh Bảy đưa mắt nhìn mọi người khắp lượt. Dừng ánh mắt nhìn vào anh Tân một hồi, anh Bảy hỏi: “Anh Tân sinh năm bao nhiêu?”. Anh Tân trả lời: “Anh sinh năm 1961”. Anh Bảy bảo: “Anh tuổi Tân Sửu, hợp cụ đấy. Hôm nay cụ chọn anh. Anh cầm chiếc thuốn ra đây. Em chỉ đâu thì anh thuốn đấy nhé”.
Đi một vòng chậm rãi quanh cây chuối, mắt nhìn như dán chặt xuống đất, anh Bảy dừng lại, bảo anh Tân: “Anh thuốn chỗ này cho em. Sâu chừng 1m”. Mùa xuân, mưa phùn, đất ẩm. Anh Tân đè cả thân người lên chiếc thuốn bằng sắt. Chiếc thuốc lún dần, lún dần. “Cịch”. Mọi người nín thở, căng tai nghe. “Cịch”. Âm thanh nghe rõ mồn một. Anh Tân reo lên: “Đúng hòm gỗ cụ rồi”. Cả nhà cùng reo. Anh Bảy mặt vẫn đăm chiêu. Quan sát kỹ một lúc, anh lấy tay chỉ: “Anh thuốn tiếp cho em chỗ này”. Chỗ thuốn mới anh Bảy chỉ cách vị trí của vết thuốn cũ chừng 45cm. Một lúc sau, lại nghe thấy “cịch”. Âm thanh lần này nghe rõ ràng sự va chạm với gỗ. Cứ thế, anh Tân lần lượt thuốn theo đúng vị trí anh Bảy chỉ. Tám vết thuốn tạo thành một hình chữ nhật có chiều rộng chừng 45cm, chiều dài chừng 85cm. “Đây chính là vị trí chiếc quách bằng gỗ vàng tâm, bên trong chứa chiếc tiểu đựng hài cốt của cụ” – Anh Bảy khẳng định chắc nịch.
“Thế còn 2 chiếc tiểu sành nằm cạnh?” - Bác tôi sốt sắng hỏi. Anh Bảy đứng lặng, nhìn như xuyên thấu lòng đất. Rồi anh giơ tay chỉ chỗ này, chỗ kia. Anh Tân lúc này đã thấm mệt. Anh trai tôi, tên Hoàng Nghĩa Vui, thuốn thay. Kỳ lạ làm sao, khi thuốn sâu xuống lòng đất chừng 1m đều nghe thấy tiếng “cạch” – tiếng xúc chạm của mũi thuốn với tiểu sành. Hơn chục mũi thuốn trong diện tích chừng hơn 1m2 đều xúc chạm và tạo nên âm thanh giống nhau. Hướng về phía bác tôi, anh Bảy hỏi: “Ông có cần cho người đào lên để kiểm tra không ạ?”. Bác tôi nước mắt lưng tròng, vừa cười, vừa mếu: “Ối không! Đào lên phá hỏng long mạch thì chết. Tôi tin tuyệt đối rồi”. Anh Bảy lại hỏi: “Thế ông có cần đào hai chiếc tiểu vô danh khỏi phần mộ của cụ không?”. Ngẫm ngợi một lát, bác tôi bảo: “Thôi anh ạ! Việc hai hài cốt này nằm cạnh cụ tôi âu cũng là cái duyên. Nhiều năm rồi họ đã làm hàng xóm của nhau. Tách ra, chưa chắc đã hay. Vả lại, tôi vẫn sợ đụng chạm đến long mạch”.
Sau này, tôi băn khoăn hỏi bác tôi: “Vì sao bác lại tin đó là tiểu của cụ tổ”. Bác tôi bảo: “Căn cứ vào nhiều điều bắt buộc bác phải tin. Thứ nhất, anh Bảy chưa bao giờ về quê mình. Càng chưa bao giờ về cánh đồng Tử La. Làm sao anh ấy biết được hồ nước do anh Sơn đào gạch mà thành? Làm sao anh ấy biết được khi đào đất làm gạch, anh Sơn đã phát hiện ra 2 chiếc tiểu và đã bứng lên, chôn ở gần mộ cụ? Làm sao anh ấy biết được mộ cụ chôn trong quan ngoài quách, quách đóng bằng gỗ vàng tâm trong khi 2 chiếc tiểu vô danh kia bằng sành? Kỳ lạ hơn là tại sao chỉ nhìn vào trán bác mà anh ấy nhìn thấy rõ mọi thứ cứ như thể trán bác là cái nghĩa địa ấy. Tài thế. Tài hơn nữa là cả cánh đồng rộng mênh mông thế, làm thế nào mà anh ấy lại xác định đúng vị trí của từng chiếc tiểu. Đâu là 2 chiếc tiểu sành. Đâu là chiếc tiểu của cụ đặt bên trong chiếc quách gỗ. Nói thật với cháu, nếu mộ cụ nhà mình không chôn trong quan ngoài quách thì bác cũng nghi ngờ, không biết đó có phải là mộ cụ không. May sao”. Ngừng lời. Rồi như sực nhớ ra điều gì, bác tôi reo lên: “À. Mà còn cây chuối nữa chứ. Lạ quá. Đến bây giờ bác vẫn không hiểu, cây chuối ấy ở đâu ra. Vì cả cánh đồng Tử La, làm gì có khóm chuối nào. Bác cứ vân vi nghĩ, có lẽ cụ tổ linh thiêng, cho hiển thị thành cây chuối đánh dấu để con cháu dễ tìm chăng?”.
Có một chi tiết mà đến tận bây giờ, mỗi khi nghĩ lại, tôi vẫn thấy sởn da gà. Chuyện là, đúng lúc cả nhà tôi đang tập trung đào đất đắp thành nấm mộ lớn cho cụ tổ tôi và hai người “hàng xóm” vô danh thì bỗng dưng chuông điện thoại reo. Tôi mở máy. Nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Minh Ng. điện: “Sướng ơi! Hôm nay em về quê tìm mộ cụ tổ à?”. Tôi giật mình: “Sao chị biết ạ?”. Đầu dây bên kia, vẫn giọng chị Ng.: “Chị Nga và cháu Tuấn báo chị đấy”. Tôi ứa nước mắt. Trời ơi! Cả hai người mất đã lâu rồi, lại mất khi còn bé mà vẫn dõi theo những hoạt động của chúng tôi, vẫn khóc cười cùng chúng tôi. Tôi nói nhỏ: “Chị ơi! Chị cho em hỏi: Đó có đúng là mộ cụ tổ em không?”. Chị Ng. đáp: “Đúng rồi em ạ. Cháu Tuấn đang năn nỉ chị về quê tìm mộ cháu và bác Nga đây này. Cháu nó bảo, mộ cụ tổ đã tìm được rồi. Bây giờ mới đến lượt bác Nga và nó”. Thấy chị Ng. nói vậy, tôi liền bảo: “Chị ơi! Em biết chị công việc rất bận. Nhưng vì cháu, vì em, chị bố trí thời gian về quê tìm giúp em nhé”. Chị Ng. bảo: “Ừ! Chị cũng đã hứa với cháu rồi. Sang tuần chị sẽ tìm cho”.
SỰ LINH ỨNG GIỮA HAI CÕI ÂM - DƯƠNG
Như được trời Phật, tổ tiên gia hộ sắp đặt, sáng chủ nhật tuần sau, tôi đón nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Minh Ng. cùng ông Nguyễn Quang Phú, người tu tập thiền nhiều năm, có khả năng nhìn thấy người âm. Giống như nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy, đây là lần đầu tiên, ông Nguyễn Quang Phú về quê tôi. Ngồi trên xe, chị Ng. bảo: “Chị Nga nhà em thiêng lắm. Tối qua chị ấy về nói chuyện với chị. Chị Nga dặn mộ chị ấy bây giờ vẫn nằm trên thửa ruộng nhà em ở sát chân đê, gần phiến đá to màu xanh. Cách đó không xa là đống nứa của anh Khang. Có lần, anh ấy xếp tre nứa đè lên hài cốt chị. Chị ấy tức, đẩy cho anh Khang một cái khiến anh ấy ngã lăn bon từ trên đê xuống”.
Không vào nhà uống nước, tôi lái xe thẳng lên con đê đầu làng, bên dưới là cánh đồng Khoang, nơi mộ phần chị Nga và hầu hết tổ tiên, ông bà tôi nằm ở đó. Chị Ng. bảo: “Tìm xong, mình vào nhà uống nước sau anh Phú ạ”. Mẹ tôi và tất cả các anh chị em, con cháu trong gia đình đều có mặt đông đủ. Vừa bước xuống xe, chẳng kịp chào hỏi, chị Ng. chạy thẳng xuống chân đê. Dốc đê thoai thoải, dép thì cao gót mà chị chạy băng băng. Tôi và ông Phú vội vã chạy theo. Trèo qua đống tre nứa lớn của anh Khang, vừa bước tới chân đê, chị Ng. bỗng ngã đánh “duỵch”. Tôi hốt hoảng lao đến để đỡ chị dậy. Nhưng chị vẫn nằm im. Mặt úp vào phiến đá xanh, to như cái mâm, nằm chơ vơ ở chân đê. Mẹ tôi và các anh chị cùng chạy tới. Hốt nhiên, chị vùng dậy, bưng mặt khóc, khóc nức nở như một đứa trẻ đang hờn dỗi, nước mắt giàn giụa. Tôi biết, vong linh chị Nga tôi đã nhập vào chị Ng. Tôi bảo mẹ tôi đang đứng ngơ ngác: “Chị Nga lên đấy. Mẹ nói gì với chị ấy đi”. Mẹ tôi toàn thân run lên. Bà mím chặt môi cố kìm nén cơn xúc động. Bà bước về phía chị Ng., giơ hai tay ôm chặt chị vào lòng. Bà òa khóc: “Mẹ xin lỗi con, con ơi! Mẹ cứ nghĩ con mất lúc mấy tháng tuổi thì sẽ sớm đầu thai. Mẹ biết đâu con vẫn ở đây. Khổ thân con bao năm nằm cô quạnh nơi này”. Chị Ng. càng khóc dữ hơn. Vừa khóc, vừa nói, giọng ngọng líu ngọng lô: “Con thương mẹ. Con nhớ mẹ. Lúc nào con cũng đi theo mẹ và em Sướng. Hôm nay con khóc không phải vì giận mẹ đâu. Con khóc là vì vui mừng quá khi được gặp lại mẹ, gặp lại đông đủ các em”. Mẹ tôi giơ tay lau nước mắt cho chị. Chị trách: “Sao ngày ấy bố mẹ không chôn con bằng cài hòm gỗ đựng quần áo ở trong buồng, lại nhét con vào cái bị cói đựng muối khiến cho bố con sau này suốt ngày bị ngứa chân tay”. Cả nhà tôi ớ người ra. Thảo nào khi còn sống, cứ mùa hè đến là cha tôi khổ sở vì bị bệnh ngứa tay chân. Uống thuốc Bắc, thuốc Nam, thuốc Tây đủ thứ mà không khỏi.
Trò chuyện một hồi lâu, chị Ng. buông mẹ tôi ra. Khuôn mặt chị vẫn đỏ hồng, mắt sáng long lanh. Tôi biết, chị Nga tôi vẫn nhập vào chị. Chị bảo tôi: “Cậu Sướng à! Cả nhà mình, chị quý cậu nhất, thương cậu nhất. Chị và cháu Tuấn vẫn thường đi theo để độ cho cậu cho nên chị muốn lần này, cậu xây nhà cho chị và cháu Tuấn nhé. Xây nhỏ thôi. Có được không cậu?”. Tôi xúc động bảo: “Chị ơi! Từ khi em biết mình có một người chị gái nữa là chị, tâm em lúc nào cũng hướng về chị, mong sao sớm tìm được mộ phần chị để chị đỡ tủi. Bây giờ, xin chị hãy chỉ cho em vị trí chị nằm. Em sẽ xây cho chị và cháu Tuấn ngôi mộ đẹp đẽ, khang trang. Chị cứ yên tâm ạ”. Chị Ng. mỉm cười, gật đầu, khuôn mặt ánh lên niềm hạnh phúc. Chị lấy một chiếc que, vạch xuống khoảnh đất dưới chân, ngay cạnh phiến đá màu xanh. “Đây là phần đầu chị. Đây là chân. Cậu xây mộ theo hướng này nhé. Xây nhỏ thôi kẻo tốn kém”. Ngừng lời, đưa mắt về phía khu đất cao cỏ mọc xanh um, cách chỗ đứng của chúng tôi không xa, chị Ng. bảo: “Cháu Tuấn đang đứng chờ ở gò từ sáng kia kìa. Cháu nó đang sốt ruột đấy. Mọi người mau qua đấy đi”. Nói đoạn, chị Ng. giơ bàn tay vuốt mặt. Tôi quan sát, thấy chị lại trở về thần thái vốn dĩ của mình: hiền lành, chất phát, chân quê.
Hốt nhiên, cả ông Phú và chị Ng. cùng reo: “Thằng cu Tuấn đang giơ tay vẫy kìa. Mau đến đó đi”. Thế là cả nhà cùng bước nhanh đến gò Khoang. Đó là một khu đất cao, nằm giữa cánh đồng Khoang, trước cửa chùa làng. Ngày xưa, người dân quê tôi thường táng mộ ông bà, cha mẹ ở đó. Khi cháu Tuấn mất ở Bệnh viện nhi Thụy Điển, mẹ tôi ôm xác cháu ra thẳng gò, đặt cháu trong chiếc hòm gỗ, chôn bên rìa gò. Một vài năm đầu, mùa tảo mộ, anh chị tôi cũng ra đó thắp hương cho cháu. Sau thì thôi vì anh chị nghĩ rằng, cháu mất khi mới mấy ngày tuổi. Chắc cháu đã đi đầu thai nhà người khác rồi. Nấm mộ không ai chăm sóc. Năm lại năm, mưa nắng đã bào mòn.
Không mất nhiều thời gian để chị Ng. và ông Phú xác định vị trí mộ phần của cháu Tuấn. Cả nhà tôi vui mừng khôn xiết. Anh trai tôi, vốn dĩ là người duy vật, không tin vào tâm linh bao giờ, nay, thay đổi hẳn. Anh bảo: “Quá nửa đời người, giờ anh mới biết, chết quả thật không phải là hết. Giờ anh mới tin, người mất luôn dõi theo người sống, phù hộ cho người sống. Cho nên thế giới âm-dương tưởng là xa cách mà hóa ra gần gũi, tưởng là hai mà hóa ra là một”.
Thế là, sau mấy chục năm ròng đỏ mắt mỏi mòn tìm kiếm, gia đình tôi đã tìm được mộ cụ tổ. Hơn thế, lại tìm thấy cả chị Nga tôi, cháu Tuấn của tôi. Đêm đó, sau khi tắm gội sạch sẽ, đứng trước bàn thờ, tôi thành tâm thắp ba nén nhang khấn hương linh cha tôi. Hương vừa cắm, hốt nhiên, cả bát hương bùng cháy. Lửa đỏ rực. Tôi biết, ở cõi cao xanh, cha tôi đang mỉm cười.
(Nhà báo Hoàng Anh Sướng)

Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2023

Thế giới Tâm linh rộng lớn (Kỳ 2)

Nhà báo Hoàng Anh Sướng

 Kỳ 2: Thế giới tâm linh quả là rộng lớn với biết bao điều huyền ní níu kéo chúng ta tiếp tục tìm hiểu, khám phá và giải mã.

NHỮNG BÍ MẬT ĐỘNG TRỜI CỦA NGƯỜI TRẦN ĐƯỢC TIẾT LỘ BỞI NGƯỜI ÂM
(Trích trong tập phóng sự “Nhân quả và Phật pháp nhiệm màu” tập 3)
Ngay ngày hôm sau, tôi quyết định tìm đến tận nhà chị Ng. ở Hải Dương. Hỏi thăm đường, người dân địa phương ai cũng biết. Bởi một lẽ giản đơn: chị đã quá nổi tiếng. Bởi nhiều năm nay, họ đã quá quen cảnh khách thập phương nườm nượp đổ về nhà chị mỗi ngày.
Nhà chị đây rồi. Ngôi nhà 2 tầng cũ kỹ, nằm nép mình dưới tán nhãn cổ thụ khổng lồ. Trước mặt là chiếc ao rộng, phủ đầy bèo cái. Trong nhà, ngoài sân, chật kín người đi gọi hồn. Họ đến đây xếp hàng từ sáng sớm. Đông người nhưng không khí vô cùng tĩnh lặng bởi mọi người đều chăm chú lắng nghe cuộc trò chuyện giữa vong linh của một liệt sĩ và người vợ ở hậu phương đã không giữ được lòng chung thủy, ngoại tình và có con riêng. Cuộc gặp gỡ đầy buồn tủi, giận hờn và ngập tràn nước mắt.
Tìm hiểu, được biết, chị Ng. có khả năng tâm linh từ những năm 1990 sau những tháng ngày điên loạn. Chị vốn xuất thân con nhà nghèo, mồ côi cha từ nhỏ. Học hết lớp 7, chị ở nhà làm ruộng rồi lấy chồng cùng làng. Chồng chị, tên Lê Văn T., cũng là con nhà nông dân nghèo. Hai vợ chồng làm nghề hàng xáo. Ngày ngày, đạp xe thồ đi các nơi thu mua thóc mang về xay, giã, dần, sàng thành gạo sạch rồi lại đem đi các chợ bán. Công việc rất nhọc nhằn, lam lũ mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Sinh đứa con gái đầu lòng được vài tháng, bỗng nhiên chị phát điên. Nửa đêm, trời rét, chị lao “tùm” xuống chiếc ao trước cửa nhà đánh bồng ùm ùm. Tắm táp chán, chị lại leo lên cây nhãn cổ thụ mốc thếch ngồi vắt vẻo hát nghêu ngao. Gia đình chạy chữa hết Tây y đến Đông y, hết thuốc Bắc đến thuốc Nam đều không khỏi. Một bà đồng ở làng bên thấy vậy bảo chồng chị: “Vợ anh là con nhà Thánh, bị cơ đày. Nếu làm lễ trình đồng mở phủ, lập bát hương thờ Mẫu thì mới khỏi. Sau này cô ấy còn có khả năng đặc biệt đấy”. Về nhà, nhìn vợ đầu tóc xõa xượi, quần áo bề bệt bùn đất, đang ngồi hềnh hệch cười với con chó vện, anh bưng mặt khóc. Thương vợ đứt ruột mà chẳng biết làm cách nào. Lời bà đồng, anh tin chứ. Anh muốn làm lễ ngay ngày mai nhưng cả nhà đã khánh kiệt, tiền mua thuốc còn chẳng có, lấy đâu ra mà trình đồng với mở phủ. Càng nghĩ, càng tuyệt vọng, anh càng khóc to. Bỗng anh nghe một giọng nói lạ mà quen: “Đừng khóc con. Vợ con không phải bị điên đâu. Nó là con Cha con Mẹ. Kiếp trước do tạo nghiệp nặng nên kiếp này phải chịu cơ đày. Con cứ đến nhà bà đồng đăng ký làm lễ đi. Nói với bà lập bàn thờ Mẫu ở chính gian giữa nhà con. Làm lễ xong, vợ con ắt khỏi”. Anh ngẩng mặt lên nhìn. Giật mình. Vợ anh, chị Ng. Vẫn chiếc quần phăng rách rưới, vẫn chiếc áo hoa cộc tay bẩn thỉu, hôi hám, vẫn mái tóc rối bù bề bệt nhưng đôi mắt, thần thái, nét mặt không còn là của người điên xám ngoét, lờ đờ, dờ dại nữa mà hồng hào, sáng quắc, nhân từ và uy nghi. Anh bàng hoàng, giơ tay dụi mắt ngỡ mình đang mơ. Không! Anh đang tỉnh. Con chó vện đang quấn quýt ôm chặt chân vợ anh đùa giỡn kia mà. Anh nói, giọng rầu rầu: “Nhưng nhà mình làm gì còn xu nào?”. Chị Ng. cười bảo: “Đừng lo! Con hãy đào gốc cây nhãn kia lên, chỗ cái rễ cây cong queo như con chăn kia kìa. Sẽ đủ để con làm lễ và lập bàn thờ Mẫu”. Đưa mắt nhìn về phía gốc cây nhãn rồi nhìn vợ, anh tỏ vẻ nghi ngại. Chị Ng. giục: “Đi đào khẩn trương. Con sẽ thấy điều kỳ diệu”.
Anh T. vội chạy xuống bếp, lấy cuốc, xẻng ra gốc nhãn đào. Đào chừng nửa tiếng, hố sâu khoảng 50 cm, lưỡi cuốc chạm vào một chiếc hũ sành màu nâu đen, thân phình, miệng và đáy tròn. Tay run run, anh nín thở, mở nắp hũ. Bên trong hũ lộ ra một chiếc túi lụa màu đỏ, buộc thắt nút. Anh rón rén mở. Trời! Vàng! 4 chiếc nhẫn vàng. Mắt anh hoa lên. Mồ hôi túa ra. Ngực khó thở. Hít một hơi thật sâu, căng mắt nhìn lần nữa. Đúng là vàng thật rồi. Anh vội chạy ào về phía chị Ng. định quỳ sọp lễ tạ. Anh sững người. Chị Ng. mặt mũi lại ngây dại đang đùa cười ngặt nghẽo với con chó vện.
Lễ trình đồng mở phủ với đầy đủ các nghi thức quan trọng được tiến hành một cách nhanh chóng. Bàn thờ Mẫu trang nghiêm cũng được bày đặt trang trọng giữa nhà. Chín ngày sau, chị Ng. hết điên. Có điều, kể từ bấy, chị bắt đầu nghe thấy tiếng nói của người âm. Chín tháng sau, chị bắt đầu nhìn thấy hình ảnh của người đã chết. Sứ mệnh của một nhà ngoại cảm chuyên gọi hồn bắt đầu từ đây.
Sau nhiều lần xuống nhà chị Ng., tôi và chị trở nên thân thiết như chị em ruột. Hàng tháng, những khi rảnh rỗi, tôi lại đón chị lên nhà tôi ở Hà Nội một vài hôm. Tôi mời anh em, bạn bè, người thân đến gọi hồn để nghiên cứu. Tất cả các cuộc gặp gỡ, tôi đều ghi âm, quay phim đầy đủ. Tôi phát hiện ra, chị Ng. có hai cơ chế gọi hồn đặc biệt. Một là, chị cho các vong linh nhập vào chị (mượn xác). Khi đó, chị Ng. không còn là chị Ng. nữa. Vong linh đứa trẻ nhập vào thì chị trở thành đứa trẻ. Cụ già nhập vào thì chị trở thành cụ già. Vong linh đàn ông, đàn bà, thi nhân, liệt sĩ, đầu trộm đuôi cướp, đĩ điếm, nghiện hút… Chị như một diễn viên tài năng một mình hóa thân thành hàng trăm, hàng ngàn nhân vật khác nhau vô cùng sống động. Tôi thích cơ chế này nhất vì nó cho ta cảm giác chân thật, gần gũi y như đang trò chuyện với người thân lúc còn sống. Cơ chế thứ hai, giống như nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, chị Ng. nghe các vong linh nói rồi truyền đạt lại cho người đi gọi.
Qua hàng trăm cuộc gọi hồn như thế, tôi phát hiện ra rằng, thế giới người âm cũng vô cùng sống động, hỗn tạp với đầy đủ các cung bậc hỉ, nộ, ái, ố như thế giới người trần. Và tính cách lúc sống như thế nào, khi chết, vẫn y như vậy. Cụ đồ nho ăn nói nho nhã, sâu sắc, phong thái mực thước, chỉn chu. Tên đồ tể thì bặm trợn, thô lỗ. Có con nghiện chết vì sốc thuốc, vừa nhập vào chị Ng. mặt đã tái dại, mắt lờ đờ, miệng sùi bọt mép, giơ cánh tay đòi người nhà chích thuốc. Có bác liệt sĩ vui tính thích làm thơ, nghiện rượu, mê thuốc lá. Bác có tài xuất khẩu thành thơ. Cứ đọc hết một bài thơ lại nâng chai rượu cuốc lủi, ngửa cổ tu một hơi rồi chẹp miệng đánh “khà” đầy khoái trá. Từ lúc nhập vào chị Ng. lên nói chuyện với vợ con đến lúc rời đi, bác uống hết 2 chai nửa lít, đốt hết một bao thuốc Vina. Thế mà chị Ng. vẫn tỉnh như sáo, mặc dầu cả đời chị chẳng bao giờ hút một điếu thuốc, nhấp một ngụm rượu gọi là. Thật lạ kỳ!
Qua những cuộc “gặp gỡ” kỳ lạ như vậy, rất nhiều bí mật, uẩn khúc của gia đình bạn bè, người thân tôi được tiết lộ. Anh S. - Tổng giám đốc một tập đoàn truyền thông lớn, ông trùm của nhiều chương trình truyền hình thực tế và các cuộc thi ca hát trông rất đạo mạo, chỉn chu. Thế mà, lúc vong linh bà nội anh lên, bà thống kê chi tiết tên tuổi của từng cô bồ một. Cô A., 19 tuổi, Á hậu. Cô B., 22 tuổi, quán quân cuộc thi X… Cụ còn tường thuật rành rẽ lúc tán tỉnh nhau thế nào? dẫn nhau đi ngủ ở đâu? anh M. mua tặng tình nhân những gì? khiến ông trùm truyền thông uy quyền là thế mà toàn thân run bần bật như con cầy sấy, cứ cúi đầu, quỳ gối, chắp tay lạy chị Ng. như tế sao: “Con lạy bà! Bà tha cho con. Con biết tội của con rồi”. Thầy giáo dạy đại học của tôi có người mẹ 81 tuổi, bị tai biến, liệt nửa người, không đi lại được. Một đêm nọ, căn phòng ngủ của bà bị bốc cháy. Lúc phát hiện ra thì bà đã chết, toàn thân đen thui. Một số người độc mồm độc miệng loan tin: vợ thầy vì ghét mẹ chồng, trốn tránh trách nhiệm chăm sóc đã phóng hỏa đốt bà. Điều đó khiến không chỉ vợ chồng thầy mà cả gia đình thầy vô cùng đau đớn và phẫn uất. Lúc đến nhà tôi để gặp chị Ng., thầy bức xúc bảo: “Có là loài cầm thú thì mới nhẫn tâm đi giết mẹ mình”. Song chính thầy, đến tận lúc đó, cũng không biết vì sao bà lại bị chết cháy? Chị Ng. bèn vời vong linh bà lên. Bà vừa khóc, vừa kể: “Khổ. Nửa đêm hôm đó, mẹ thấy khát nước quá. Nhìn đồng hồ mới hơn 1h sáng. Gọi con sợ mất giấc ngủ nên mẹ cố nhoài tay với cái chai nước đặt ở kệ tủ đầu giường. Ai dè, tay mẹ chạm phải cái đèn dầu. Nó đổ ào. Lửa bén luôn vào màn, vào chăn rồi cháy bùng lên. Mẹ sợ quá. Muốn kêu cứu mà lưỡi cứ líu lại. Nóng quá. Toàn thân mẹ bỏng rát. Lửa bao trùm cả giường. Lúc các con phát hiện ra, phá cửa thì mẹ đã chết thui rồi. Mẹ xin lỗi các con đã gây ra cái chết đầy uẩn khúc để các con mang tiếng oan là giết mẹ”.
Cô bạn thân thiết của tôi, người gốc Quảng Bình, làm việc ở Sở tài chính, gọi hồn bà nội. Bà lên, tiết lộ một bí mật động trời: Bố cô bạn tôi không phải là con đẻ của ông nội cô ấy. Bà kể, năm 1963, khi ấy bà là thiếu nữ 19 tuổi, đẹp ngời ngời. Có biết bao chàng trai trong làng để ý, đeo đuổi nhưng bà chẳng thích ai. Bởi bà đã phải lòng anh lính Hà Thành vốn là sinh viên khoa Văn, Trường Đại học tổng hợp trắng trẻo, thư sinh, đàn hay, hát giỏi. Vào một đêm trăng thanh, không kìm chế được lòng mình, bà đã trao thân cho chàng lính hào hoa ấy. Mấy hôm sau, chàng ra trận. Cuộc chia ly đầy quyến luyến, khóc thương cùng lời hứa hẹn: “Anh sẽ trở về cưới em”. Nhưng chiến tranh khốc liệt. Người đi, mấy ai về? Người đi, biết bao giờ trở lại? Chờ đợi mỏi mòn mà chẳng nhận được một cánh thư, một lời nhắn gửi, trong khi mầm sống trong bụng mỗi ngày mỗi lớn. Bà bắt đầu hoảng sợ. Ở miền quê trọng giáo lý như quê bà, con gái chửa hoang thì kinh khủng lắm. Tội tày trời. Chỉ có nước bỏ làng ra đi vĩnh viễn, cha mẹ ở lại suốt đời chịu lời đắng cay. Bà nhắm mắt cưới anh T., người cùng xóm, người đã kiên trì đeo đuổi bà suốt bao năm. Cuộc hôn nhân không tình yêu khiến bà cảm thấy không hạnh phúc nhưng nó giúp bà được yên thân. Bảy tháng sau đám cưới, bà sinh hạ được một cậu con trai bụ bẫm, kháu khỉnh. Cả nhà hai bên nội ngoại vui không kể xiết. Duy nhất chồng bà, mặt mũi lầm lỳ, suốt ngày vùi đầu vào những cơn say. Cả nhà, ai cũng yêu thương cậu bé, nâng niu, cưng nựng như cục vàng. Riêng chồng bà, lạnh lùng, hắt hủi, mắng chửi, đánh đập. Ai cũng lấy làm lạ. Sau này, lớn lên, chứng kiến cảnh ông nội lạnh nhạt với bố mình, chỉ quan tâm đến các cô chú em ruột bố, mặc dầu bố rất hiếu đễ, cô bạn tôi cứ thắc mắc: “Bà ơi! Con thấy hình như ông nội ghét bố con. Bố con thương ông nội thế mà chẳng bao giờ ông nội quan tâm đến bố con, thậm chí một nụ cười dành cho bố con cũng chẳng có. Sao thế hả bà?”. Bà cười buồn: “À! Tại bố con không hợp tính, hợp tuổi với ông nội ấy mà. Ông bên ngoài lạnh lùng với bố con thế thôi chứ trong tâm, ông thương bố con nhiều lắm”. “Hay tại các cô chú nhà mình, ai trông cũng giống ông nội. Chỉ riêng bố con lạc loài, chẳng mang nét gì của ông nên ông không ưa?”. Bà lại cười buồn: “Cha con giống bà”. Nhưng bây giờ, cô bạn tôi đã hiểu: Vì sao cha mình không có một nét gì giống ông nội? Vì sao cả tuổi thơ và cho đến tận bây giờ, khi cha mình đầu đã hai thứ tóc, ông nội chưa một lần mỉm cười, chưa một lần thăm hỏi, chưa một lần dành cho cha mình một cái nhìn trìu mến? Vì sao cả làng, cả xã ai cũng khen bà sung sướng mà trong sâu thẳm đôi mắt bà, phảng phất thường trực trên khuôn mặt bà là một nỗi buồn bàng bạc. Cô bạn tôi òa khóc nức nở, ôm chặt lấy chị Nguyệt: “Cháu thương bà quá bà ơi!”.
Đang mải mê nghiên cứu khả năng đặc biệt của chị Ng., đang say sưa ghi chép những câu chuyện bí mật được tiết lộ bởi thế giới người âm thì một hôm, chị bạn đồng nghiệp ở báo Ngân hàng đến nhà chơi, đưa tôi một tập tài liệu bảo: “Cậu đọc cái này đi. Hay lắm. Kỳ lạ lắm. Đọc xong, cả tối qua chị chẳng ngủ được vì sợ. Nó sẽ giúp cậu có thêm tư liệu nghiên cứu về thế giới tâm linh”. Tôi vội mở trang đầu tiên: “Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người. Đề tài TK08. Tìm hài cốt liệt sĩ trong trận đánh K’Nack”. Như bị một sức hút vô hình, tôi đọc ngấu nghiến: “Căn cứ biệt kích K’Nack nằm trên 3 quả đồi chạy dọc Bắc Nam, có nhiều lợi thế quân sự. Nơi đây đồi núi lô nhô, thuận lợi cho việc xây dựng phòng thủ và bố trí binh lực, hoả lực, xuất phát tiến công. Lại có nhiều thung lũng sình lầy, có sông Ba và khe suối bao bọc, cản trở khi bị đối phương tiến công. Mỹ ngụy đã xây dựng ở đây một cụm cứ điểm bao gồm đồn lũy bảo vệ, sân bay dã chiến và trại pháo nhằm chặn cắt đường giao liên giữa Bình Định và Gia Lai. Quân ta đã nhiều lần tập kích căn cứ này nhưng đều không thành công. Mùa xuân năm 1963, Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân khu 5 và Bộ tư lệnh mặt trận Tây Nguyên quyết định tập trung lực lượng trên quy mô lớn tấn công căn cứ này. Lực lượng ta gấp 3 số lượng địch, gồm: Tiểu đoàn đặc công 409 quân khu 5, một đơn vị đặc công của tỉnh Bình Định, trung đoàn số 10 và Bộ phận chỉ huy tiền phương quân khu 5. Tổng quân số lên tới gần 750 người.
14h ngày 7-3-1965, bộ đội ta xuất quân từ Kông-Hà-Nừng, cách K’Nack hơn 20 km. 18h, cách suối khô 500m. 19h, bắt đầu tiếp cận. Đến 23h, quân ta đã chiếm lĩnh xong các vị trí quy định. Theo kế hoạch, đặc công mở cửa diệt các vị trí trọng yếu. Sau đó, bộ binh dùng xung lực mạnh giải quyết trận địa. Song do quá trình trinh sát địa hình chuẩn bị trận đánh trước đó một tháng đã để lộ dấu vết nên địch biết trước kế hoạch tấn công của ta. 23h 30’, bộ đội ta vấp phải mìn nổ, mìn sáng. Địch lập tức nổ súng trùm lên toàn bộ đội hình của ta. Pháo sáng chúng bắn sáng rực như ban ngày. Ta tiến công cưỡng hành. Bộ đội ta chiến đấu cực kỳ dũng cảm, đã đánh chiếm được điểm cao phía Bắc và phía Nam nhưng hướng chủ yếu ở giữa chỉ chiếm được “đầu cầu”. Lô cốt cố thủ của địch bắn chặn quyết liệt. Đến 0h 30’ sáng ngày 8-3, quân ta thương vong gần hết. Xác của các chiến sĩ nằm la liệt trắng cả ven suối và chân đồi K’Nack. Lực lượng còn lại buộc phải rút lui. Địch vẫn bắn truy kích dữ dội. Gần 500 thương binh và tử sĩ của ta không mang theo được. Một phần địch gom lại, đổ xăng đốt. Số còn lại, dùng xe ủi đào từng hố hất các liệt sĩ xuống rồi san phẳng.
Đồng chí Nguyễn Văn Ẩm, chính trị viên phó Tiểu đoàn 409, phụ trách công tác thương binh ở trạm trung phẫu (cách vị trí địch khoảng 8km) cho đào sẵn 50 huyệt mai táng. Mỗi hàng 10 huyệt, cách nhau 60 - 80cm nhưng duy nhất chỉ mai táng được 8 đồng chí, trong đó có tiểu đoàn trưởng Ngô Trọng Đãi và liệt sĩ Phạm Văn Thành. 8 đồng chí này bị thương ngay từ đầu trận đánh nên mới đưa ra được phía sau. Lực lượng cứu thương và dân công hỏa tuyến (đều là người dân tộc) cũng hy sinh hết cả nên không còn người cấp cứu và tải thương ra cứ được. Nếu tính cả lực lượng này, hơn 1.000 người đã để lại xương thịt ở trận địa K’Nack.
Điều đau lòng là nếu không có cuộc hành trình tìm kiếm hài cốt người anh thân yêu Phạm Văn Thành của giám đốc công ty S-fone Phạm Văn Mẫn thì có lẽ mãi mãi, người đời sẽ chẳng biết gì về trận đánh khốc liệt vào trường biệt kích của địch ở K’Nác năm xưa. Và chắc chắn, thịt xương của ngót 500 chiến sĩ sẽ vĩnh viễn chìm sâu trong lòng đất, dưới đáy ao chuôm, chuồng trại, nhà cửa… Bởi lẽ, trong hầu hết các trang sử của những đơn vị bộ đội, chẳng có một dòng ghi chép nào nhắc đến trận đánh K’Náck tối ngày mồng 7, rạng sáng ngày 8-3-1965 buồn thảm ấy. Bộ đội ta hy sinh quá nhiều. Máu của các chiến sĩ đã nhuốm đỏ dòng suối Đắc – lốp. Xác các anh phơi trắng chân đồi. Theo thượng tướng Nguyễn Nam Khánh thì sở dĩ người ta cố tình quên đi vì sợ bị quy trách nhiệm. Cách hành xử ấy không những có lỗi với các chiến sĩ đã hy sinh mà còn có lỗi với thân nhân các gia đình liệt sĩ vì sẽ gây rất nhiều khó khăn cho họ trong việc tìm kiếm hài cốt chồng con mình sau này”.
Câu chuyện khiến tôi xúc động, ám ảnh. Ngay ngày hôm đó, tôi tìm cách liên lạc với anh Phạm Văn Mẫn để phỏng vấn và xin được đồng hành cùng anh trong hành trìm kiếm tìm hơn 500 hài cốt liệt sĩ ở K’Nack. Có thể nói, đây là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời làm báo của tôi. Bởi bắt đầu từ đây, tôi trở thành nhà báo chuyên viết phóng sự về tâm linh. Cũng bắt đầu từ đây, tôi gặp gỡ, đồng hành cùng một loạt các nhà ngoại cảm nổi tiếng: Phan Thị Bích Hằng, Nguyễn Khắc Bảy, Thẩm Thúy Hoàn, chị Năm Nghĩa… để rồi, sau này, chính họ đã giúp gia đình tôi tìm được mộ cụ tổ 6 đời và hàng loạt các ngôi mộ khác.
Trong suốt hành trình dằng dặc theo chân các nhà ngoại cảm đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, tôi đã tận mắt chứng kiến quá nhiều những chuyện kỳ bí, huyền hoặc của chốn rừng thiêng, nơi mà mỗi con suối, bụi cây đều thấm đỏ máu đào của các anh hùng liệt sĩ. Tôi cũng đã quá nhiều lần thực chứng sự linh ứng giữa hai cõi âm – dương để rồi nhiều lần bật khóc vì xúc động. Nhờ đó, một nhà báo trẻ sinh ra trong thời bình như tôi, đến tận lúc ấy, mới hiểu, chiến tranh khốc liệt như thế nào? Đến tận lúc ấy, tôi mới thấm thía tận cùng cái giá của hòa bình mà thế hệ trẻ chúng tôi đang được hưởng quá đắt, phải đánh đổi bằng biết bao xương máu của các anh hùng liệt sĩ. Đến tận lúc ấy, tôi mới được chứng kiến nỗi đau vô chừng, dằng dai mấy chục năm ròng của những người mẹ mất con, người vợ mất chồng, người con mất cha… Ôi nỗi đau thời hậu chiến, biết bao giờ mới kết thúc? Tất cả những điều đó khiến lòng tôi đau thắt, để rồi tâm phát khởi một hạnh nguyện: phải làm một điều gì đó cho những người nằm xuống, phải sớm tìm đưa các anh về với gia đình, quê hương. Và thế là suốt 15 năm trời, tôi cứ miệt mài khoác ba lô theo chân các nhà ngoại cảm, các đơn vị bộ đội lên rừng, xuống biển, vượt thác trèo non, đi tìm hài cốt liệt sĩ. Đó vừa là một hành động thiết thực để tri ân những thế hệ cha anh đã hy sinh thân mình vì nước, vừa là cánh cửa để tôi bước vào khám phá thế giới tâm linh huyền bí thông qua các nhà ngoại cảm nổi tiếng. Thường xuyên gặp gỡ, đồng hành, làm việc cùng họ, nhiều lúc, nhớ đến lời trăn trối cuối cùng của cha tôi: “Con hãy thay cha tìm mộ cụ tổ. Dù vất vả, khó khăn đến mấy, cũng phải tìm. Nếu không, ở nơi suối vàng, bố không dám gặp cụ. Con hứa với cha đi!”, tôi cũng muốn mở lời nhờ các nhà ngoại cảm tìm giúp. Song tận mắt chứng kiến cảnh biết bao người vợ hàng ngày đỏ mắt mỏi mòn ngóng trông chồng, sống khắc khoải không yên, cảnh những bà mẹ già chết không thể nhắm mắt vì chưa tìm được hài cốt của chồng, con mình, tôi lại dằn lòng không dám nhờ. Tôi muốn các nhà ngoại cảm ưu tiên họ, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trước.
(Còn nữa)
(Nhà báo Hoàng Anh Sướng)

Thứ Tư, 21 tháng 6, 2023

Thế giới Tâm linh rộng lớn (kì 1)?

 

(Nhà báo Hoàng Anh Sướng)

THẾ GIỚI TÂM LINH QUẢ LÀ RỘNG LỚN VỚI BIẾT BAO ĐIỀU HUYỀN BÍ NÍU KÉO CHÚNG TA TIẾP TỤC TÌM HIỂU, KHÁM PHÁ VÀ GIẢI MÃ?

    Hôm nay, ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch, là ngày giỗ chị gái lớn của em – chị Hoàng Thị Nga. Em dậy từ sáng sớm, đi mua những bông hoa đẹp nhất để dâng lên chị. Em ngồi thiền, tụng kinh và hồi hướng công đức cho chị. Có điều, nếu như không gặp nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Minh Ng., em sẽ hoàn toàn không biết rằng: em đã từng có một người chị tên Nga. Càng không biết rằng, tuy chỉ tồn tại trên cõi đời này vỏn vẹn mấy tháng trời và cuộc ra đi vĩnh viễn ấy đã 70 năm nhưng chị vẫn luôn dõi theo em, phù hộ cho em, nâng đỡ, che chở cho em mỗi khi em gặp sóng gió, vấp ngã.
Chính cuộc gặp gỡ, trò chuyện với chị qua nhà ngoại cảm Minh Ng. đã cho em một niềm tin tuyệt đối: chết không phải là hết. Hai thế giới Âm – Dương tưởng là cách biệt nhưng hóa ra thật gần.
Xin mời các anh chị đọc phần viết về chị Hoàng Thị Nga của em trích trong tập phóng sự “Nhân quả và Phật pháp nhiệm màu” tập 3 đã phát hành năm 2021.
NHỮNG CUỘC GẶP GỠ KỲ LẠ HÉ LỘ VỀ NHỮNG CÁI CHẾT TRẺ
CỦA GIA ĐÌNH TÔI
Không biết bao nhiêu cuộc kiếm tìm như thế đã diễn ra. Chỉ biết từ khi tôi là một đứa trẻ lên 5 theo chân cha và mọi người đi tìm mộ cụ cho đến lúc tôi là một chàng trai 20 tuổi vai u thịt bắp, trực tiếp cầm thuốn thuốn từng xăng-ti-mét đất mà mộ cụ tôi vẫn nằm ẩn khuất đâu đó giữa cánh đồng Tử La mênh mông. Thêm một cuộc kiếm tìm là thêm một lần thất vọng. Cha tôi già sọp đi nhanh chóng. Khuôn mặt lúc nào cũng u uẩn. Năm 2003, cha tôi mắc bệnh trọng mất. Lời trăn trối cuối cùng ông nói với tôi trước khi ra đi, vẫn là chuyện tìm mộ cụ tổ: “Con hãy thay cha tìm mộ cụ. Dù vất vả, khó khăn đến mấy, cũng phải tìm. Nếu không, ở nơi suối vàng, cha không dám gặp cụ. Con hứa với cha đi!”. Thương cha, thấu hiểu nỗi niềm của cha, tôi gật đầu nhận lời, nước mắt chứa chan. Nhưng cha ơi! Cánh đồng mênh mông thế, mộ cụ ỏn sót thế, biết ở đâu mà tìm? Có khác gì mò kim đáy bể hả cha?
Công việc làm báo cuốn tôi đi. Thỉnh thoảng, nhớ đến cha, nhớ đến lời trăn trối cuối cùng ấy, tôi lại thấy băn khoăn, day dứt. Cũng mấy lần tôi tổ chức cho mọi người tìm kiếm. Nhưng cũng giống như trăm cuộc tìm kiếm trước, tất cả chỉ là vô vọng.
Cho đến một hôm, chị gái thứ hai của tôi, sinh sống ở Hà Đông, điện thoại bảo: “Cậu ơi! Hôm qua, chị vừa đi gọi hồn bố. Đúng lắm cậu ạ. Tất cả mọi chuyện trong gia đình mình, kể cả những chuyện thâm cung bí sử, đều trúng hết. Bố đang muốn gặp cậu đấy. Có một nhà ngoại cảm rất nổi tiếng ở Hải Dương tên là Nguyễn Thị Minh Ng. Anh bạn chị công tác ở Sở công an Hà Nội hay đón chị ấy lên. Hiện nay, chị ấy vẫn đang ở nhà anh ấy. Sáng mai cậu bố trí thời gian vào đi. Đưa cả mẹ vào nhé. Chắc bố có chuyện gì quan trọng muốn nói với cậu. Hơn nữa, gặp chị Ng., biết đâu, cậu lại có đề tài hay để viết phóng sự”. Trời! Lạ quá! Tim tôi bỗng đập thình thịch. Thấy hồi hộp xen lẫn háo hức. Từ bé đến lớn, tôi chưa từng đi xem gọi hồn bao giờ. Chỉ duy nhất một lần chứng kiến hồn trinh nữ Kim Oanh, vốn là cô gái Hà thành, vì thất tình đâm đầu xuống giếng đình làng tôi tự vẫn, nhập vào chị Hiền, người cùng xóm tôi, đúng hôm chị xuất ngũ về nhà. Tôi hỏi chị gái: “Thế thủ tục chuẩn bị những gì?”. Chị tôi bảo: “Sáng mai, trước khi rời nhà, cậu lên phòng thờ thắp hương gia tiên, thỉnh mời vong linh các cụ. Cậu muốn gặp ai thì khấn mời tên người đó. Cậu cũng đọc rõ địa chỉ nhà anh bạn chị để các cụ còn biết đường tìm đến”.
7h sáng hôm sau, mẹ con tôi đã có mặt ở nhà anh bạn chị tôi trong Hà Đông. Vậy mà đã có đến 30 người trầu chực ở đó từ bao giờ. Nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Minh Ng. ngồi giữa phòng khách. Mọi người ngồi vây xung quanh. Ai đến sớm, đăng ký trước thì gọi trước. Tôi đến muộn nên đành phải chờ. Ngồi quan sát, thấy nhà ngoại cảm Minh Ng. có một cơ chế làm việc hết sức đặc biệt. Không bàn thờ, không hương khói, không khấn nguyện, không gieo quẻ âm dương. Người đi gọi hồn ngồi trước mặt chị. Chẳng cần hỏi tên tuổi, địa chỉ, quê quán, chị nhìn vào khoảng không phía sau lưng người đó chừng vài phút rồi bảo: “Hôm nay, có cụ A, ông B, chị C… đi theo anh đấy. Anh muốn nói chuyện với ai trước?”. Nhiều trường hợp, chị còn miêu tả rõ hình dáng, tướng mạo, mặt mũi, đầu tóc của người đã mất cho người nhà dễ nhận. Và, khi người đi gọi hồn trình bày mong muốn gặp cụ A. trước, chỉ trong tích tắc, vong linh người đó nhập vào chị Ng. ngay. Lúc đó, chị Ng. không còn là chị Ng. nữa. Nói chính xác, lúc đó chỉ là thân xác chị Ng. còn giọng nói, tính tình, phong thái, cảm xúc là của người cõi khác. Vong linh người Nghệ An sẽ nói giọng Nghệ An. Vong linh người Huế sẽ nói giọng người Huế. Vong linh người Sài Gòn sẽ nói giọng Sài Gòn… Có vong linh lên còn nói tiếng Tàu. Phong cách người nào ra người đó. Đàn ông, đàn bà, người già, trẻ em, người thô tục, kẻ đoan trang, người hiền hậu, kẻ ác độc… Lạ quá! Kinh ngạc quá! Với kẻ lần đầu tiên đi gọi hồn là tôi, thực sự bị choáng. Choáng hơn nữa khi những câu chuyện bí mật, riêng tư, thậm chí thuộc dạng “thâm cung bí sử” của những người còn sống, người âm đều biết hết, biết tường tận. Anh A. có vợ con đàng hoàng mà vẫn lén lút bồ bịch, có con riêng với một cô nạ dòng tận Sơn La. Cháu C. hôm bốc mộ bà nội, thấy cái nhẫn 2 chỉ trong quan tài đã lén lút giấu vào túi quần mang đi bán lấy tiền hút chích. Chị D. thời sinh viên yêu đương trác táng, nạo phá thai nhiều lần, có lần còn vùi thai nhi 6 tháng tuổi ở luống khoai lang sau ký túc xá nên sau này, lấy chồng đến 10 năm vẫn không thể có con, mặc dầu đã đi chạy chữa khắp các bệnh viện trong Nam, ngoài Bắc… Quan sát sự tương tác qua lại giữa người đi gọi hồn và vong linh, đặc biệt là những giọt nước mắt hối hận, những lời sám hối của người sống, không chỉ riêng tôi mà tất cả những người có mặt ở đó đều tin rằng: linh hồn là có thật, đều tin rằng: chết không phải là hết, đều tin rằng: những việc chúng ta làm, có thể giấu giếm được người đang sống chứ không thể che mắt được người âm.
Chờ mãi đến tận 4h chiều mới đến lượt tôi. Vừa ngồi xuống trước mặt chị Ng., chị đã kêu: “Trời! Sao các cụ nhà em kéo theo em đông thế. Em là con Cha con Mẹ chứ không phải là con người thường đâu”. Tôi chưa kịp hiểu ý chị nói gì thì chị đã bảo: “Bà cô tổ nhà em thiêng lắm. Bà đang đòi lên nói chuyện với em bây giờ”. Tôi toát mồ hôi hột. Người bỗng dưng lạnh ngắt. Nghe rõ tiếng tim mình đập thình thịch. Hồi hộp, căng thẳng quá. Tôi hít một hơi thật sâu rồi cúi đầu chờ đợi. Mới được vài giây, chợt nghe tiếng ai đó ngồi bên nhắc: “Kìa! Bà cô tổ nhà anh lên rồi. Anh chào bà đi”. Tôi ngẩng mặt lên. Giật mình. Chị Ng. trông khác quá. Không còn là người phụ nữ thôn quê chất phác, đen giòn, thô ráp. Trông chị giống như bức tượng đức Thánh Mẫu ở Miếu thờ làng tôi. Mặt hồng hào, má, môi bừng đỏ, mắt sáng. Toàn thân toát ra một năng lượng nhân từ, bình an. Nhìn tôi trìu mến, bà mỉm cười, cất tiếng hỏi, giọng thanh thoát, khoan thai, khác hẳn cái giọng nặng chình chịnh, ngọng nghịu của chị Ng.: “Con biết ta là ai không?”. Tôi chắp hai bàn tay thành búp sen trước ngực, ấp úng: “Dạ! Con.. con chào bà cô tổ ạ”. Bà cười hiền: “Con không biết ta. Nhưng ta thì biết con quá rõ. Bởi chính ta đã mang con về cho gia đình họ Hoàng. Chính ta đã che chở, bao bọc, nâng đỡ con từ lúc đỏ hỏn cho đến tận ngày hôm nay. Con còn nhớ năm 13 tuổi, con suýt chết đuối trên sông Đáy khi đi tập bơi cùng đám bạn không? Con còn nhớ buổi chiều tối rằm Trung thu năm 1996, thằng Tiến bạn con đèo con xe máy từ Hà Đông về quê, đến thị trấn Kim Bài đâm vào chiếc xe ô tô đi ngược chiều, con bay lên không trung như chiếc lá rồi rơi huỵch xuống đường mà không hề xây xước gì không? Rồi những chuyến con theo chân các chiến sĩ thuộc phòng cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy sở công an Thanh Hóa đi phá án những điểm nóng buôn bán ma túy ở Mường Lát, Thọ Xuân, Quan Hóa. Súng đạn bắn như mưa như thế mà con không hề hấn gì. Ai cũng khen con tài, dũng cảm. Không đâu con. Họ nhầm đấy. Không có ta và các cụ nhà ta đi theo che chắn, nâng đỡ thì con làm gì còn sống đến ngày hôm nay để ngồi đây mà trò chuyện với ta”. Trời! Những chuyện bà cô tổ tôi vừa nhắc đúng quá, chính xác quá, chính xác đến cả thời gian, địa điểm. Kỳ lạ thật! Sao bà lại biết hết, biết tường tận những chuyện ấy nhỉ? Người tôi run bắn lên. Nước mắt ứa ra. Cổ họng nghẹn lại. Kính cẩn chắp tay, tôi nói: “Con biết ơn bà đã luôn theo con, yêu thương con, bảo vệ con. Vậy bà có thể cho con biết, bà là ai không ạ để con còn biết đường thờ cúng?!”. “Ta là Hoàng Thị Mão”. Trời! Tôi lại giật thót mình như có luồng điện chạy dọc sống lưng. Da gà hai tay nổi lên, tóc dựng ngược. Từ nhỏ, tôi đã được nghe cha tôi kể về bà. Bà là em ruột ông nội tôi, mất lúc 6 tháng tuổi do mắc bệnh đậu mùa. Cụ nội tôi đã đặt bà vào chiếc rương gỗ nhỏ cùng 9 đồng tiền trinh, chôn trên gò Khoang, trước cửa chùa. Ngày ấy, do mộ đắp đất sơ sài, giữa hàng trăm ngôi mộ khác, lại chẳng có bia đá nên sau này nấm mộ bị thất lạc, con cháu không biết đích xác nấm mộ nào là của bà? Hàng năm, mồng 4 Tết, đi tảo mộ, cha tôi vẫn bày lễ, thắp hương giữa gò, khấn vọng bà. Mồng 5 tháng 5 âm lịch, ngày bà mất, mẹ tôi vẫn làm cơm cúng. Thật chẳng tin nổi, có ngày, người đã mất ngót 100 năm khi mới 6 tháng tuổi, lại đang ngồi trò chuyện cùng tôi, hơn thế, lại biết hết mọi chuyện về tôi. Bà bảo, bà đi hầu các Ngài nhưng vẫn luôn dõi theo tôi, phù hộ cho tôi. “Mỗi người sinh ra ở đời đều có một sứ mệnh. Sứ mệnh của con kiếp này là truyền bá đạo. Không lâu nữa, con sẽ phải gánh vác sứ mệnh này. Các Ngài sẽ dẫn đường chỉ lối con đi”. Câu nói ấy của bà khiến tôi sững người. Lạ nhỉ! Mình đang làm nghề báo, chuyên viết phóng sự điều tra, suốt ngày lang bạt kỳ hồ. Đâu có phải ông thầy tu mà bà cô tổ lại bảo mình đi truyền bá đạo? Kỳ quá! Nhưng cho đến bây giờ, khi đang ngồi viết những dòng chữ này kể chuyện hầu quý vị, tôi thấy, lời tiên tri ấy của bà cô tổ đã linh ứng.
Dặn dò tôi một hồi, bà cô tổ quay sang mẹ tôi, bảo: “Con có nhớ con Nga, con gái đầu của con không? Nó đang ngồi khóc thút thít ngoài sân kia kìa. Rõ khổ! Nó đi theo con từ sáng đấy. Nhưng tủi thân, không muốn gặp. Để ta gọi nó vào đây nói chuyện với con nhé”. Tôi ngỡ ngàng nhìn mẹ tôi. Mặt bà tái dại. Trán vã mồ hôi. Nước mắt lưng tròng. Lạ nhỉ! Cha mẹ tôi sinh được 7 người con. Làm gì có ai tên là Nga? Cũng chẳng thấy cha mẹ tôi nhắc đến cái tên ấy bao giờ. Đang băn khoăn suy nghĩ, tôi chợt nghe tiếng chị Ng. khóc òa. Ngẩng mặt lên nhìn chị, tôi giật mình. Không phải khuôn mặt hồng hào, đôi mắt sáng với thần thái uy nghi như tượng Đức Thánh Mẫu mà tôi vẫn thường chiêm bái ở miếu làng. Cũng không phải chị Ng. với dáng vẻ phốp pháp, chân quê. Trước mắt tôi, đích thị là một đứa trẻ đang tủi thân, dỗi hờn, khóc nức khóc nở, nước mắt nước mũi giàn giụa. Tôi hiểu, bà cô tổ tôi đã đi và cô bé tên Nga đã nhập vào nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Minh Ng.
Mẹ tôi toàn thân run lên. Bà mím chặt môi cố kìm nén cơn xúc động. Bà lết về phía chị Ng,, giơ hai tay ôm chặt chị vào lòng. Bà òa khóc: “Mẹ xin lỗi con, con ơi! Mẹ cứ nghĩ con mất lúc mấy tháng tuổi thì sẽ sớm đầu thai. Mẹ biết đâu con vẫn ở dưới ấy, vẫn đi theo mẹ”. Chị Ng. càng khóc dữ hơn. Vừa khóc, vừa nói, giọng ngọng líu ngọng lô: “Con thương mẹ. Con nhớ mẹ. Lúc nào con cũng đi theo mẹ và em Sướng. Hôm nay, con định không lên đâu. Nhưng bố con dỗ mãi, con mới lên. Bố con bảo: Thôi đừng trách người dương. Họ vô minh, đâu có biết chết không phải là hết. Linh hồn mãi còn. Giận người dương thì có mà giận suốt ngày”.
Qua cuộc trò chuyện đong đầy nước mắt giữa mẹ tôi và nhà ngoại cảm Minh Ng., bức màn bí mật về cô bé tên Nga dần được hé lộ. Chị Nga là chị gái đầu của tôi. Cha mẹ tôi sinh chị năm 1953. Chị bụ bẫm, trắng trẻo, xinh xắn. Cả nhà ai cũng yêu quý, tranh nhau bế. Được 5 tháng tuổi thì chị mắc bệnh tả. Miệng nôn trôn tháo suốt buổi sáng. Đến trưa thì lả đi. Người èo uột như một dải khoai, chân tay lạnh ngắt. Cậu ruột mẹ tôi, là thầy lang nổi tiếng, đến bắt mạch, lắc đầu thở dài. Cha tôi dứt một sợi tóc, đặt ngang lỗ mũi chị rồi căng mắt nhìn, nín thở. Một phút. Hai phút. Ba phút. Không thấy sợi tóc lay động. Ông òa khóc. Cậu ruột mẹ tôi vơ vội manh chiếu rách, bó chị tôi tròn lại rồi chặt cây tre non, pha ra làm lạt, buộc chặt ba nút. Ông nhét chị vào chiếc túi cói đựng muối cha tôi để ở góc nhà rồi xách thẳng ra thửa ruộng nhà tôi sát chân đê chôn. Ông bảo: “Phải đem chôn gấp cháu ạ kẻo lây ra cả nhà”.
Mẹ tôi đau khổ cùng cực. Chiều nào, bà cũng chạy ra đồng ôm lấy ngôi mộ mà khóc. Chẳng ăn, chẳng ngủ, đầu tóc xõa xượi như người điên. Bà nội tôi an ủi: “Thôi con ạ. Con Nga nó không đủ phước, đủ duyên làm người nhà ta thì nó sẽ đầu thai làm con nhà người khác. Con cứ ra mộ ôm ấp, khóc than như thế, nó quyến luyến không đi đầu thai được đâu”.
Một năm sau cái chết của chị Nga, mẹ tôi sinh được chị gái lớn của tôi bây giờ là Hoàng Thị Oanh rồi đẻ một lèo 7 đứa. Quanh năm suốt tháng bươn bả kiếm sống nuôi 8 miệng ăn, nỗi đau mất chị Nga nguôi ngoai dần. Nấm mồ ỏn sót của chị cũng bị mưa nắng thời gian bào mòn. Chị Nga trách: “Sao ngày ấy bố mẹ không chôn con bằng cài hòm gỗ đựng quần áo ở trong buồng, lại nhét con vào cái bị cói đựng muối khiến cho bố con sau này suốt ngày bị ngứa chân tay”. Tôi và mẹ tôi ớ người ra. Thảo nào khi còn sống, cứ mùa hè đến là cha tôi khổ sở vì bị bệnh ngứa tay chân. Uống thuốc Bắc, thuốc Nam, thuốc Tây đủ thứ mà không khỏi. Chị Nga cười: “Mộ con bây giờ nằm sát chân đê, gần phiến đá to màu xanh. Bữa trước, anh Khang để đống tre nứa đè lên mộ con. Con giận, đẩy cho một cái, ngã lăn bon từ trên đê xuống. Đến bây giờ, anh ấy vẫn không biết vì sao mình bị ngã”. Tôi và mẹ tôi cùng lúc đưa mắt nhìn nhau rồi mỉm cười. Quê tôi nằm giáp làng Chuông nổi tiếng về nghề nón. Người dân quê tôi chuyên sản xuất vành nón để cung cấp cho làng Chuông. Anh Khang, bằng tuổi chị gái lớn của tôi, con ông Quý, chuyên lên Hòa Bình chở tre nứa về quê bán. Anh thường chất đống ở bờ đê, sát thửa ruộng, nơi chị Nga tôi nằm.
Trước khi chia tay, chị Nga có nói một câu khiến mẹ tôi lại òa khóc: “Cháu Tuấn, con cậu Vui, gửi lời hỏi thăm bà. Cháu nó trách bố mẹ không quan tâm gì đến nó, thậm chí, nấm mộ nó cũng để mất. Nó hiện đang ở với con và dì Thu (Chị Thu, người chị thứ 4 của tôi chết năm 19 tuổi vì bệnh ung thư). Cháu nó ngoan. Vẫn thường hay đi theo chú Sướng để bảo vệ chú”. Tuấn là con trai đầu của anh trai tôi, tên Hoàng Nghĩa Vui. Mẹ cháu sinh cháu ở Bệnh viện huyện. Do sinh thiếu tháng, phổi cháu yếu nên phải đưa ra cấp cứu ở Bệnh viện nhi Thụy Điển. Hai ngày sau, cháu mất. Giấy khai sinh cháu chưa kịp làm, tên chưa kịp đặt. Mẹ tôi là người ôm xác cháu từ Bệnh viện trở về. Bà vừa khóc, vừa bảo: “Thương cháu quá, phận mỏng, không đủ duyên ở với bà. Bà đặt tên cháu là Hoàng Minh Tuấn nhé”.
Sau khi linh hồn chị Nga tôi rời khỏi thân xác nhà ngoại cảm Minh Ng, rất nhiều vong linh khác trong dòng tộc nhà tôi đã nhập vào chị, trong đó, có những người tôi không thỉnh mời lúc thắp hương ở nhà, thậm chí, có người tôi chưa từng gặp. Ví như ông nội tôi. Ông mất khi bố tôi mới tròn 2 tuổi. Hay ông Hoàng Nghĩa Sinh, một người trong dòng tộc nhà tôi, hoạt động du kích. Năm 1953, ông bị giặc Pháp bắt. Tra tấn, đánh đập đủ kiểu, ông không khai, chúng bèn kê cổ ông lên bậc thềm đình làng, chặt đầu ông rồi bêu đầu lên cành đa ngoài chợ. Dù đó là những người tôi chưa từng gặp song tất cả những việc tôi làm, thậm chí, những điều tôi nghĩ, họ đều biết. Chẳng hạn như chuyện tôi chuẩn bị lên chức Trưởng đại diện Tạp chí Thế Giới Mới tại Hà Nội. Thời điểm đó, tôi đang làm phóng viên Tạp chí Thế Giới Mới ở Hà Nội. Anh Tổng biên tập trong Sài Gòn có đề nghị tôi làm Trưởng đại diện phía Bắc nhưng tôi từ chối. Tôi bảo anh: “Em vốn là người không màng đến địa vị, công danh. Em chỉ thích viết phóng sự thôi”. Nhưng ngày nào anh cũng điện thoại nài nỉ, thuyết phục. Nể tình anh, tôi bảo: “Thôi được, anh để em suy nghĩ thêm đã”. Điều này, tôi không tâm sự với ai. Vậy mà, khi vong linh ông nội tôi vừa nhập vào chị Nguyệt, câu đầu tiên ông nói là một lời trách yêu: “Cháu của ông sắp lên chức mà còn bí mật thế?” khiến tôi giật mình kinh hãi. Tôi chợt ngộ ra một điều: Hóa ra, người âm không chỉ biết hết những việc ta làm mà những điều ta sắp làm, những điều ta đang suy nghĩ, họ cũng biết.
Người cuối cùng nhập vào chị Nguyệt lên trò chuyện với tôi là cha tôi. Trước mặt tôi lúc đó không phải là nhà ngoại cảm Minh Ng. nữa mà đích thị là cha tôi. Từ dáng ngồi, phong thái, giọng nói đến khẩu khí, đến thói quen hút thuốc lào, đến cái tật hay đằng hắng giọng trước khi nói… khiến tôi òa khóc nức nở. Bao nhiêu thương nhớ, bao nhiêu xót xa khiến tôi chỉ biết bưng mặt khóc, không nói nên lời. Vẫn là tình yêu thương vô bờ bến, vẫn là những lo lắng của người cha dành cho con: “Con ơi! Làm việc vừa thôi! Thức đêm vừa thôi. Con ở một mình, ốm đau, ai là người chăm. Chịu khó nấu cơm ở nhà. Ăn ngoài nhiều, không tốt đâu. Đại tràng của con đang có vấn đề đấy. Mà nhà con dạo này nhiều chuột quá. Dịp Tết vừa rồi, bố phải ở nhà đuổi chuột suốt cho con”. Câu nói ấy của cha càng làm tôi khóc to hơn. Cha ơi! Khi sống, cả đời cha đã lo lắng, hy sinh cho con. Giờ chết rồi, cha vẫn tiếp tục hy sinh, lo lắng. Thương quá cha ơi!
Câu chuyện cuối cùng cha muốn trao đổi với tôi là vấn đề tìm mộ cụ tổ 6 đời, điều mà khi còn sống, ông đã thao thức không yên. Cha tôi bảo: “Bố đã gặp cụ rồi. Cụ không trách móc, hờn giận gì khiến bố cũng bớt ân hận, áy náy. Có điều, việc tìm mộ cụ, không phải hễ muốn là được, phải đủ duyên. Con cứ tích cực làm việc nghĩa, tạo phước. Các cụ sẽ dẫn đường, chỉ lối cho con. Khi nào đủ duyên, ắt sẽ tìm được mộ cụ”.
Cuộc gọi hồn kết thúc lúc 7h tối. Suốt 3 tiếng đồng hồ, biết bao cuộc gặp gỡ, biết bao nhiêu bí mật trong gia tộc mà nếu không có nhà ngoại cảm Minh Ng., tôi vĩnh viễn không bao giờ biết. Đêm đó, về nhà, tôi không tài nào chợp mắt được. Toàn bộ cuộc gọi hồn của buổi chiều hôm ấy, như những thước phim quay chậm, cứ hiện lại trong tâm trí tôi. Niềm tin của tôi vào sự tồn tại của thế giới người âm, thế giới tâm linh ngày càng củng cố vững chắc. Tôi bắt đầu hiểu rằng: Vì sao phong tục tảo mộ ngày mồng 4 Tết lại tồn tại hàng ngàn năm ở quê tôi? Vì sao mồ mả tổ tiên lại quan trọng thế trong đời sống tâm linh người Việt? Số phận của một gia đình, dòng họ thịnh hay suy, giàu hay nghèo, sướng hay khổ, phụ thuộc rất nhiều vào mồ mả tổ tiên. Nhưng tại sao linh hồn lại có thể tác động đến cuộc sống của những người còn sống? Sự liên hệ, tác động vô hình giữa mồ mả ông bà, tổ tiên đến cuộc sống của con cháu trên trần gian thực sự như thế nào? Còn rất nhiều câu hỏi, rất nhiều bức màn bí ẩn của thế giới tâm linh cần phải tìm hiểu, cần phải khám phá và giải mã.
Còn nữa....
(Nhà báo Hoàng Anh Sướng)

Thứ Ba, 20 tháng 6, 2023

BÁT HƯƠNG và Nghi lễ bao sái thế nào cho đúng?

  

(Nhà báo Hoàng Anh Sướng và Nhà VH tâm linh Phan Oanh)

(Lược ghi về buổi nói chuyện của Nhà báo Hoàng Anh Sướng với Nhà văn hóa Tâm linh Phan Oanh)

* NB Hoàng Anh Sướng:
- Thưa Bà: ... Hàng năm vào dịp 23 tháng Chạp, các gia đình đều thực hiện nghi Lễ bao sái Lô Nhang. Tuy nhiên, có một số người còn băn khoăn việc di chuyển các Lô Nhang có làm ảnh hưởng gì không và, việc để lại số chân nhang cũ trên bát hương bao nhiêu là đúng, đủ ?

* NVH Tâm linh Phan Oanh:
- "... Bao sái Lô Nhang là công việc mà chúng ta có thể làm thường nhật. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi trên MXH nói về chuyện Ban thờ, người ta dọa nhiều quá !? Tôi nói rằng, Ban thờ là chốn đi về, là nơi hội tụ năng lượng của các Cụ trong gia đình huyết thống. Ban thờ là nơi hội tụ những nguồn thiêng của đất nước; những nguyên khí quốc gia. Những nguồn năng lượng này ở khắp mọi nơi, mọi chỗ và, ở trong ngay mỗi chúng ta. Chúng ta đều rất cần trong bến thuyền của nhà mình có một nơi trang nghiêm, thanh tịnh, to nhỏ tùy duyên, để chúng ta phục dựng. Đã là nơi đi về thì Bát nhang quý nhất phải là Bát nhang thanh (Thanh tịnh). Hiện nay, những người thực hành tâm linh thì muôn màu muôn sắc. Trong cái vòng tròn của Đạo, nó có vô tận Pháp. Và các bậc Thầy nếu được thọ giáo bằng "nhân truyền" hay "chân truyền" thì các phương pháp ấy cũng chỉ là tử số trên mẫu số vô tận. Đừng bao giờ cho rằng Pháp của mình là hay nhất. Tôi thấy có gia đình trong một năm xoay chuyển Bát nhang tới 4 lần, và cả 4 lần đều mời Thầy đến giúp; vậy mà khó vẫn hoàn khó, nghèo vẫn hoàn nghèo !?. Như vậy là chúng ta đã mất phương hướng; chúng ta mưu cầu quá nhiều và, chúng ta còn non chữ Đạo. Nên cứ nghĩ nơi tôn lập Ban thờ là phải tốt, phải đúng thì mọi việc mới đâu vào đấy !?. Nếu Bát nhang thanh thì lúc nào bụi bẩn là ta có quyền lau chùi. Có điều, trước khi làm việc này, chúng ta phải xin phép; khi lau xong chúng ta phải mời các vị Thần linh, các vị Tổ tiên, ông bà hiện hữu và an ngôi yên vị. Nên nhớ, ta chỉ cần khởi ý hôm nay ta bao sái Bát nhang, thì trong Hội đồng gia tiên đã có nhiều Cụ biết được tâm ý của ta; ta nghĩ gì các Cụ đều biết; ta nói gì các Cụ nghe; ta làm gì các Cụ đều thấu tỏ. Công việc làm ấy của ta là không trái Đạo, thì chúng ta càng an yên, tự tại và thanh thản. Có bậc Thầy tâm linh nói rằng: Tôi đến bốc Bát nhang cho nhà anh, thì khi anh muốn dịch chuyển a phải báo lại tôi, nghĩa là Bát nhang đã được yểm Thần Linh. Có Pháp môn này không ? Tôi trả lời: Có ! Đây là phương pháp rất đáng trân quý. Quan trọng là chủ nhà có hợp không. Hợp thì tốt và phải nghe lời Thầy. Ông Thầy chân chính sẽ chỉ dẫn: Tôi bốc Bát nhang cho nhà anh; khi nào a bao sái thì cần phải thắp hương xin các vị Thần Linh và Gia tiên cho con làm ... Tôi nhắc lại: Trước khi bao sái phải thắp hương xin phép; sau khi bao sái cũng phải thắp hương kính Thần Linh và Gia tiên yên vị. Trong quá trình bao sái có thể làm xê dịch Bát hương, nhưng sau đó vẫn được an vị đúng vị trí, thì cũng không có điều gì phải lo lắng lắm.

- Việc giữ lại 3-5-7 hay 9 chân nhang theo tôi hàm ý là để năng lượng cũ nối tiếp nguồn năng lượng mới. Để lại chân hương cũ bao nhiêu cũng được, miễn là số lẻ. Nên nhớ: Bát nhang nào cũng phải có Vị hiệu. Để mỗi khi các nguồn năng lượng hội tụ vào Ban thờ nhà ta, thì được các Cụ quy chiếu, các Cụ giáng ngự, các Cụ tế lễ, các Cụ chỉ đường dẫn lối và xây dựng niềm tin cho con cháu. Để chúng ta kế thừa truyền thống của gia đình. Trong âm có dương, trong dương có âm. Thế là việc đại sự của chúng ta nhìn tròn trịa.
* Nhà báo HAS: Vâng, cám ơn Bà.
(Ghi lại từ f/b :Nguyen Que -Lao Hac SD)

(Từ trái qua: NB Hoàng Anh Sướng-Anh Nguyễn Que Lao Hac- Nhà VH Phương Oanh và Năng Thu)