Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2024

Tu tập Bát chánh đạo chính là tu tập Thân - Khẩu - Ý

 


PHÁP TỈNH ĐIỀN
Tỉnh là TỈNH THỨC ai ơi!
Điền là RUỘNG PHƯỚC quay về tự thân.
Tỉnh (井) được hiểu là cái "Giếng nước"
Điền (田) là "Ruộng"
Chữ Tỉnh (井) gồm có 9 ô:
Tám ô xung quanh là ruộng đất chia cho 8 gia đình, gọi là tư điền. Ô thứ 9, ở giữa có cái giếng, gọi là công điền.
Tám gia đình xung quanh, cùng ăn uống sử dụng nước ở cái giếng (tâm) chung ấy, lại cùng khai thác thửa ruộng công điền ấy để nộp lợi tức cho triều đình (BẢN TÂM). Còn phần tư điền bên ngoài, làm được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu.. (Phước thăng/ Nghiệp đọa).
Tám gia đình xung quanh được ví như là BÁT CHÁNH ĐẠO (8 Thánh Đạo). Bát chánh đạo là con đường chân chánh có tám chi, giúp chúng sanh hướng đến một đời sống cao thượng, hạnh phúc. Bát thánh đạo là tám phương tiện vi diệu đưa chúng sanh đến đời sống an lạc, giải thóat, tiến đến địa vị giác ngộ.
Tám gia đình gồm:
1-Chánh kiến: Chánh là ngay thẳng, đúng đắn; Kiến là thấy, nhận biết. Nghĩa là sự nhận thức sáng suốt và hợp lý trên căn bản của trí tuệ, không còn vướng bụi của tà kiến, mê lầm vọng chấp.
2- Chánh Tư Duy: Tư duy là suy nghĩ. Chánh tư duy là suy nghĩ chân chánh, là suy nghĩ không trái với lẽ phải, có lợi cho mình và cho người.
3- Chánh ngữ: Ngữ là lời nói. Chánh ngữ là lời nói chân thật không hư dối, có lợi ích chính đáng, công bình, ngay thẳng và hợp lý. Lời nói không làm tổn hại đến đời sống cùng danh dự của người khác.
4- Chánh nghiệp: Nghiệp gốc từ chữ Phạn được Trung hoa dịch ra, có nghĩa là hành động có tác ý. Chánh nghiệp nghĩa là hành động tạo tác trong đời sống cần phải sáng suốt chân chánh.
5- Chánh mạng: Mạng là sự sống, đời sống. Đời sống chân chánh nghĩa là sống một cách chân chánh bằng nghề nghiệp lương thiện, chính đáng không bóc lột, xâm hại đến lợi ích chung của người khác.
6- Chánh tinh tấn: Tinh tấn là siêng năng, chuyên cần. Siêng năng chuyên cần chân chánh thẳng tiến đến mục đích và lý tưởng mà Phật đã dạy. Hăng say làm những việc chính đáng mang lợi ích cho mình và cho người.
7- Chánh niệm: Niệm là ghi nhớ, nhớ nghĩ. Nhớ nghĩ chân chánh. Chánh niệm có 2: Chánh ức niệm và chánh quán niệm. Ức niệm là nhớ nghĩ đến quá khứ, những chuyện đã qua. Quán niệm là quán sát cảnh hiện tại và bắt đầu của tương lai.
8- Chánh định: Định trong Phật học hiểu là Thiền định. Định nghĩa là tập trung tư tưởng tu tập thiền định. Chánh định là tập trung tư tưởng vào vấn đề chính đáng, đúng chân lý, lợi mình và người.
Tóm lại: Bát Chánh đạo chính là phương pháp tu phổ biến cho tại gia lẫn xuất gia, trong bất cứ hòan cảnh, môi trường cũng có thể thực hiện được.
Vậy thì giếng TÂM ở giữa vẫn luôn là chủ nhân và là nguồn gốc của sự sống của tám hộ gia đình làng xóm xung quanh. Ông chủ (tâm) luôn công bằng bình đẳng, không thêm không bớt.. Ai cần lấy nước thì mang đi và giếng vẫn bù đắp nước trở về trạng thái ban đầu vốn có.
Không ai lấy thì nước vẫn như vậy (tự đầy đủ) không bị tràn ra ngoài (không mất). Giếng nước (tánh) và các hộ (các căn) xung quanh vốn liên quan rất mật thiết với nhau, luôn nhu nhuyến thuận hòa trong môi trường Tỉnh Thức và hỗ trợ cho nhau để có sự cân bằng giữa Thân (8 hộ gia đình) và Tâm (giếng nước) luôn phát triển hài hòa (tinh tấn trong chánh niệm) gọi là THÂN TÂM AN LẠC.
Tu tập Bát chánh đạo chính là tu tập Thân - Khẩu - Ý của chúng ta, khi thực hành Bát chánh đạo thì gặt hái nhiều kết quả tốt.
Bát chánh đạo là nền tảng chánh giác, là căn bản của Giải thoát - Giác ngộ.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
(TỪ f/b)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét