Thứ Ba, 11 tháng 12, 2018

Quả báo làm lãng phí điện, nước, thức ăn?



Một trong những nguyên nhân dẫn đến nghèo đói là do dùng phí điện, phí nước, phí cơm. Nguyên nhân giàu là do tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, tiết kiệm cơm. Không có ai dùng mà cứ mở máy lạnh mở quạt máy chắc chắn người đó sẽ nghèo. Nước thì xả ào ào, tắm thì nhảy vào bồn tắm ngâm mình xuống, trong khi có những nơi người ta không có nước để uống. Hoặc cứ xịt nước rửa xe xe sạch rồi mà cứ xịt mãi không biết xịt làm gì nữa thì cứ mỗi giọt nước là một giọt nghèo mình mang lấy, nên rửa xe đừng có xịt nước mà lấy khăn lau lau thôi.
Có nhiều người mình mua quần áo cả đống mà không mặc mà trong khi có những người không có quần áo thì những Nghiệp đó đều làm mình nghèo khổ hết. Những cái phung phí đó đều đưa đến sự nghèo khổ cả. Cho nên khi dùng một thứ gì thì hết sức cẩn thận, sự phung phí vật dụng đều đưa đến sự nghèo khổ. Sự tiết kiệm vật dụng đều giúp cho ta khá giả, không giàu nhưng sẽ khá.
Có câu chuyện như sau:
“Khi luận tội phước của chúng sanh chuẩn bị đưa đi đầu thai, Diêm Vương phán:
-Người nữ này cho đi đầu thai vào gia đình khá giả.
Phán Quan bèn thắc mắc:
- Bạch ngài, người nữ này kiếp trước đâu có làm gì Phước đâu mà cho đầu thai vào nhà khá giả này?
- Ngươi không thấy là người nữ này tuy không làm được Phước gì rõ ràng nhưng mà lúc sống ở đời trước người này rất là tiết kiệm, ăn miếng cơm cũng tính toán, dùng miếng điện miếng nước cũng đắn đo trước sau, không phí phạm. Cho nên ta thưởng cho người này được cuộc sống sung túc không giàu nhưng sẽ sung túc cả đời.
- Còn người nam này cho hắn đầu thai vào nhà nghèo cho ta.
- Sao vậy ngài, con thấy ông này đâu có hà tiện bỏn xẻn?
- Hắn không hà tiện bỏn xẻn nhưng hắn dùng tiền bừa bãi, gặp ai cũng móc tiền cho, kể cả người đi nhậu hắn cũng cho tiền. Do hắn dùng bừa bãi, điện hắn dùng xả láng, nước hắn dùng xả láng nên giờ cho hắn đầu thai vào cái nhà mà hai vợ chồng mới cất được cái chòi lá.”
Vì vậy trong Nhân Quả giàu nghèo này ta phải hết sức cẩn thận.
Có khi nghèo là do ta giúp nhầm người xấu chứ đừng tưởng ta cho người là ta được Phước giàu sang. Nhưng không phải như vậy vì nếu ta cho nhầm người xấu ta sẽ bị mắc quả báo nghèo.
Cho nên từ giờ cầm đồng tiền cho ai thì phải cân nhắc kỹ lưỡng, phải biết bảo đảm người đó dùng đồng tiền này chuẩn xác. Họ dùng để sống họ để tu họ để làm điều tốt thì ta cho, còn cầm đồng tiền đó mà để đi chơi game điện tử, đi đánh bài đi uống rượu là tuyệt đối không cho.
...............................
(Nhân Quả Giàu Nghèo- - Thượng Tọa Thích Chân Quang)

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

Đức Phật nói về bốn niềm vui của người tu tại gia



    Đạo Phật từ khởi nguyên cho tới bây giờ luôn tồn tại hai giới tu hành, đó là giới xuất gia và giới tại gia.

Người tu xuất gia cũng gọi là xuất gia đầu Phật. Xuất gia - là đến chốn hông nhà. 

Chữ “nhà”, là nhà ở cửa người thế tục. Người thế tục nào bỏ nhà ở của mình để đến ở nhà của Như Lai, là chùa để giữ gìn mạng mạch Phật pháp trường tồn và phát triển được, gọi là người trụ trì. Trụ, nghĩa ở; còn: Trì, nghĩa là giữ, giữ gìn. Thế nên Trụ Trì là ý nghĩa cao cả trong câu: Trụ Pháp Vương gia - Trì như Lai Tạng. Người tu xuất gia là người lấy Phật đức trang nghiêm thân tâm, khoác y Phật, đưa Phật Pháp vào lời nói, là người trưởng tử của Như Lai, tuyên dương giáo pháp làm lợi ích cho đời; bởi giáo pháp nhà Phật là giáo pháp bất ly thế gian để giác ngộ thế gian (chữ Hán biểu thị bằng câu: Phật pháp bất ly thế gian giác). 

Cho nên tu xuất gia mà dân gian gọi là tu chùa là lối tu cao tuột, hơn hẳn các lối tu khác. 
Người tu tại gia là người thực hiện các pháp tu ngay tại nơi ở, nơi sinh sống của mình cùng với gia đình (tại gia là tại nhà). Người tu tại gia gọi là Ưu bà tắc; là giới nữ gọi là Ưu bà di. Cũng có thể gọi chung là phật tử, tức con của đức Phật Thích Ca, và chính đức Phật đã chế định và khai mở đường lối tu này khi Ngài còn tại thế.

Lịch sử Phật giáo ghi nhận người tu tại gia đầu tiên là một nhà triệu phú ở gần thành Ba-la-nại, khi ông ta đi tìm người con trai của mình tên là Yasa đã bỏ nhà ra đi vì chán cảnh sống thế gian tầm thường, vô vị. Ông đã tìm được người con trai của mình tại Vườn Nai, con trai ông đang nghe Phật thuyết pháp.

Đến nơi, được nghe pháp, nhà triệu phú nọ cũng bị thuyết phục bởi những lời giảng của đức Phật về Tứ Đế và Bát Chính đạo. Thế rồi thể theo lời cầu xin của nhà triệu phú, đức Phật đã cho ông được quy y, trở thành người đệ tử tại gia đầu tiên. Nhà triệu phú nọ đã hoan hỷ trở lại nhà mình, tiếp tục công việc làm ăn, buôn bán. Còn người con trai của ông là Yasa thì được Phật cho xuất gia. 
Từ mẫu hình của người tu tại gia đầu tiên từ thời đức Phật cách đây hơn 25 thế kỷ ấy, thì các pháp tu này vẫn còn nguyên giá trị. Đó là, người phát nguyện tu tại gia nhất thiết phải được nhà chùa chấp thuận và làm lễ Quy y Tam bảo cho. 

Trong buổi lễ ấy, nhà chùa có thể đặt Pháp danh (tên đạo) cho người được Quy y. Sau buổi lễ người phật tử đó được trở lại nhà ở, gia đình của mình và làm ăn, sinh sống bình thường trong công đồng dân cư và tự giác thực hiện những điều đã phát nguyện trước Tam Bảo trong buổi lễ Quy y.

Để phát huy trách nhiệm của người phật tử tu tại gia, trước hết phải quan niệm sâu sắc lời Phật dạy qua kinh sách và những lời giảng Pháp của các thầy với các khóa học dành cho người tu tại gia; và không chỉ học hiểu mà còn biết kiến giải đúng nghĩa các thuật ngữ Phật học phổ thông như Tam Bảo, vô ngã, tứ vô lượng tâm, Phật tính v..v…Thực hành Bát chính đạo, sống có giá trị và ý nghĩa hướng thiện để đời sống của mình có giá trị và ý nghĩa, trở thành tấm gương sống đẹp, thực hành đời sống đạo đức, tâm linh, đồng thời Phật tử tu tại gia phải có tình thần hộ trì hoằng dương Chính Pháp, lợi lạc chúng sinh. Bên cạnh đó, người phật tử tu tại gia nếu có điều kiện sẵn sàng thực hành Pháp thí và Vô úy thí - tức là trao truyền kiến thức tu tập và bảo vệ che chở, đem niềm vui, hạnh phúc tới cho người khác, góp phần làm vơi bớt nỗi khổ niềm đau trên cuộc đời, trong xã hội.

Trong văn hóa dân gian Việt Nam từng truyền tụng câu thơ cửa miệng về “sự tu” thật sâu sắc:

Thứ nhất là tu tại gia
Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa

Chớ hiểu lầm về sự sắp xếp thứ tự.. nơi tu trong câu lục bát này. Bởi vì: Tu tại gia được xếp “thứ nhất” ấy chỉ là bước đầu tiên trong việc thâm nhập và khai mở tri kiến Phật, chưa phải là lối tu cao tuột của người xuất gia mà trong bài viết này đã đề cập, đã Kiến giải và mặc dù vậy, ngay từ buổi đầu tiên chế định ra đường lối tu này; sau lời truyền Pháp, đức Phật đã hoan hỷ, tuyên dương với đại chúng về bốn niềm vui chính đáng của người Phật tử tu tại gia. 

Đó là:

1. Niềm vui có của cải: Là do lao động chuyên cần bằng mồ hôi và những việc làm chính đáng của mình trong kinh doanh, làm khoa học kỹ thuật, hoặc lao động phổ thông. Sống lành mạnh, có đạo đức nghề nghiệp. được cộng đồng và pháp luật thừa nhận.

2. Niềm vui được giàu có: Được giàu có là do lao động siêng năng, lại khéo léo sắp xếp công việc hợp lý, có kế hoạch vì thế tạo ra những lợi nhuận ngày một cao. Khi thụ hưởng giàu sang mà vẫn không quên làm việc lành.

3. Niềm vui không có nợ nần: Là do có nghị lực kiềm chế. Thực hành “thiểu dục tri túc”, ít ham muốn, tự biết đủ. Không cờ bạc, rượu chè, giữ ngũ Giới… cho nên không có nợ nần, sống tự tại 

4. Niềm vui không bị chê trách: Là do các hành động của thân - khẩu - ý luôn thanh tịnh, không có điều gì đáng chê trách cho nên cuộc sống luôn thảnh thơi, tri thức thăng hoa, tâm thường hoan hỷ.

Trong bốn niềm vui của người tu tại gia, thì niềm vui thứ tư được đức Phật tán dương nhất; Ngài cho rằng: niềm vui không bị chê trách là niềm vui ưu việt hơn cả.

Ở nước ta, trong giới tu tại gia - các cư sĩ, phật tử ở thời nào cũng rất đông đảo. Họ là những thường dân, là thương gia giàu có, nhà khoa học, những nghệ sỹ tài năng và có cả những danh tướng, quân vương… nơi thế tục nhưng hết thảy những việc làm của họ đều xứng danh là các Hộ pháp ở thế gian còn nhiều những khổ đau này. 

Trong đó có những ngọn đuốc thiền sáng chói rất đáng tự hào, như nhà Trần (1225 - 1400) có Tuệ Trung Thượng sỹ Trần Tung - vị thiền sư lại là một cư sỹ tại gia, một nhà tư tưởng, nhà quân sự và cũng là một nhà thơ. Bác sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám (1897 - 1969) cũng là một cư sỹ tại gia mẫu mực, làm nhiều phật sự lớn như dịch Kinh Phật, mở các trường Phật học đào tạo tăng tài trong phong trào chấn hưng Phật giáo, đầu những năm 30 thế kỷ 20. 

Vậy là may mắn cho tôi và hết thảy những ai đó chưa hội đủ duyên lành để được làm người tu xuất gia, thì cũng chớ bỏ lỡ cơ hội Quy y Tam bảo, làm người tu tại gia, thực hiện các hạnh lành mà thụ hưởng bốn niềm vui mà đức Phật đã hoan hỷ chỉ bày.

Nam mô Công đức lâm Bồ Tát Ma ha tát!

Pháp Vương Tử
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 5 năm 2015


Tu Phật sẽ giàu có & an lạc



Bạn thực sự có khát vọng trở thành người giàu có và sống vui vẻ, hạnh phúc, an lạc trong đời sống hiện tại, cũng như tương lai thì ngay từ bây giờ hãy nhanh chân đầu tư vào ngân hàng "Phước đức". Một địa chỉ đầu tư vô cùng an toàn, lãi suất không chỉ đong đếm bằng các giá trị vật chất thông thường mà còn có cả giá trị làm thăng hoa đời sống tâm linh.

 

Ngay từ thời Đức Phật còn hiện hữu, Ngài đã khuyến cáo từng cá nhân hãy nỗ lực thực thi làm các việc công đức bằng cả sự nhiệt tâm, tinh cần để đem lại lợi ích lớn. Bạn nên nhớ một việc làm thiện tâm dù rất nhỏ, nhưng hiệu quả tốt đẹp của hành động đó có tác động rất lớn đối với nhiều người.
Xem ra, sự tích lũy các giá trị về công đức về việc làm, lời nói, ý nghĩ của thân khẩu ý sẽ tạo cho bạn một gia tài "Phước đức" để thọ hưởng, nếu hữu dư thì con cháu và những người khác kế thừa. Đây chính là ngân hàng "Phước đức" mà không ai khác hơn, mỗi cá thể đều có khả năng đầu tư, dù bạn là ai, đang sống ở đâu, đang làm gì, thu nhập ra sao, tùy theo khả năng đầu tư các công hạnh hữu ích mà có lãi suất thu nhập "phước đức" cho chính mình. Rõ ràng, "phước đức" không phải tự nhiên mà có, đó là cả quá trình đầu tư của mỗi cá thể trong việc thực thi đời sống tu tập tự thân hướng nội, sống đúng Chánh pháp và làm các việc hữu ích cho đời. Giống như một khu vườn, nếu bạn không đầu tư chăm sóc từ việc gieo hạt, bón phân, và thực hiện các công đoạn khác, thì chẳng bao giờ tận hưởng được hương thơm quả ngọt tốt lành.
Cho nên, bạn phải nhanh chân đầu tư vào ngân hàng "Phước đức" ở mọi lúc, mọi nơi. Chỉ cần bạn có ý thức tự nguyện tinh tấn làm các việc phước lành thì sẽ có hiệu quả ngay. Bằng cách, thông qua việc nỗ lực thực hành 6 pháp Ba la mật mà Đức Phật từng khuyến cáo, bất cứ ai muốn thực hiện đời sống hướng nội và thực thi hạnh nguyện Bồ tát độ mình và cứu đời thì có thể trở thành nhà đầu tư hữu ích nhất của xã hội. Đó là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Sáu phương thức thực thi đầu tư "Phước đức".
Bố thí là phương thức hữu hiệu nhất mà bất cứ ai hiện sống trên cõi đời này đều có khả năng thực thi được. Cho dù bạn là người sở hữu tài sản kếch xù, hay là kẻ bần cùng đều có cơ may thực hành hạnh nguyện đó. Có ba cách bố thí, chia sẻ những khổ đau với người khác: bố thí tài sản vật chất, bố thí pháp, bố thí sự vô úy.
Rõ ràng, không có ai có thể không thực thi một hình thức bố thí nào đó. Dù bạn đang lâm vào tình trạng khánh kiệt, thất nghiệp cũng có thể bố thí, chia sẻ những nỗi đau túng thiếu, mất mát của người khác hiện còn tệ hơn mình, hay có thể giúp vào các việc công ích bằng sự bố thí, dù nhỏ nhặt, nếu người ấy khao khát được thực hiện. Ngay cả một người hoàn toàn không thể làm được vậy, người ấy cũng có thể có ích cho người khác và xã hội bằng cách phát tâm phục vụ.
Một người có kiến thức, trí tuệ về lãnh vực chuyên môn nào đó cũng có thể dạy hay dẫn dắt người khác trong trường hợp người ấy không có tiền hay yếu kém về thể chất. Nói chung, người có hoàn cảnh khó khăn cũng có thể thực hiện sự bố thí pháp, như chỉ bảo người ta đi nghe pháp, hành pháp từ một vị giảng sư nào đó.
Một phương thức đầu tư ngân hàng "Phước đức" được bạn thể hiện nữa, bằng cách thực thi việc sống đúng các nguyên tắc giới luật, luật lệ được cộng đồng, tổ chức, xã hội định chế. Điều tối thiểu bạn cần nhận thức rõ là khi tự thân sống đúng Chánh pháp thì không chỉ cá nhân mình an lạc mà còn tác động đến ngưới khác theo chiều hướng đưa đến sự bình an, hạnh phúc; ngược lại sẽ dẫn đến khổ đau cho chính mình và đưa đến sự bất an, thậm chí gây tổn thương đến người khác. Tính tích cực của việc trì giới là phục vụ mọi người trong khát vọng ai cũng được an lạc. Càng thể hiện nhiều điều thiện lành thì bạn càng nâng cao mình lên và có khả năng phục vụ người khác hiệu quả nhiều hơn.
Phương thức thể hiện thứ ba cho việc đầu tư phước đức là thể hiện hạnh nguyện nhẫn nhục. Tính tích cực của sự nhẫn nhục trong mọi môi trường, hoàn cảnh sống là phát triển đức hạnh độ lượng. Chúng ta sẽ không còn giận dữ hay trách mắng người khác khi không vừa ý với chính mình. Nếu bạn không có hạnh nguyện nhẫn nhục, nhẫn nại hay độ lượng trong những tình huống như thế, hẳn sẽ gây khổ đau cho mình và người khác.
Phật từng dạy, một niệm sân khởi lên thì sẽ đốt cháy rừng công đức. Do đó, thực thi phương thức đầu tư này bạn sẽ có nhiều phước đức do tâm trí thanh thản, không còn có các cảm thọ về giận dữ và thù ghét những người gây tổn thương, sỉ nhục hay phản bội mà còn ra sức giúp đỡ họ nữa. Trên hết, bạn không bị dao động tâm lý trước sự vui buồn đối đãi mà chỉ biết yên lặng tỉnh thức để đưa ra quyết định chính xác lợi mình lợi người. Trạng thái tâm thức này là đỉnh điểm của sự tu tập nhẫn nhục, làm hóa hiện lòng từ bi đem đến hạnh phúc cho con người và hòa bình thế giới.
Tinh tấn là điều kiện cần và đủ để tạo ra phước đức. Tinh tấn đoạn tận các điều bất thiện chưa sanh, đừng cho chúng phát sinh và cả khi chúng đã sanh thì dứt khoát từ bỏ. Đồng thời bạn tinh tấn làm các điều thiện chưa sanh làm cho chúng hiện hành và cả lúc chúng phát sinh rồi thì làm cho thăng hoa nữa. Điều quan trọng, bạn phải nỗ lực làm các việc công đức dù là chuyện nhỏ nhất cũng không thể bỏ qua, kiên tâm phụng sự lý tưởng hạnh nguyện của mình.
Thiền định là sự đầu tư phước trí song tu, vô cùng quan trọng đối với một người hướng tâm tu tập giải thoát. Chúng ta không chỉ nỗ lực thực hành giáo lý nhà Phật mà còn biết nhìn sự vật bằng một cái tâm tĩnh lặng và suy nghĩ về sự vật đúng đắn. Sự quyết định đúng đắn để giải quyết vấn đề có thể đem lại những giá trị công ích và huân tập sự phước đức càng nhiều hơn.
Phương thức cuối cùng để đầu tư là trí tuệ. Bạn sẽ giải quyết mọi vấn đề không trọn vẹn nếu không trí tuệ rọi chiếu. Đơn cử, bạn gặp người đang đau đớn quằn quại vì thiếu thuốc, vì lòng thương hại mà bạn bố thí ít tiền thì thật sai lầm. Điều quan trọng là bạn phải hướng họ đi vào trường cai nghiện, thì việc làm ấy mới đem lại giá trị hữu ích đối với người đó. Xem ra, trí tuệ là nhân tố quan yếu đi đến sự thành công của con người.
Thực thi các phương thức đầu tư như thế, bạn sẽ là người trở nên người giàu có và hạnh phúc an lạc đời này và đời sau nhờ sự tích lũy và lợi nhuận từ ngân hàng "Phước đức". Trường hợp vị Sa di thay vì chết yểu, chỉ còn được sống trong bảy ngày trở nên trường thọ là nhờ phước đức cứu sống đàn kiến khi trên đường trở về nhà. Có người nhờ bố thí ngọn đèn sáng, nhân đó mà cả nhà đoàn tụ. Một ngọn đèn của người phụ nữ nghèo đã thắp sáng trí tuệ mọi người, nhờ nhân thiện lành đó mà gặp được người giàu có, cho nên phước báu đến không ngừng… và nhiều trường hợp khác còn hơn thế nữa như sử sách kinh điển ghi lại. Còn chờ đợi gì nữa, hỡi bạn, mà không mạnh dạn đầu tư!
(Đại đức Thích Phước Đạt)


Thứ Năm, 15 tháng 11, 2018

Kinh nghiệm tính sinh Con Trai, Con Gái



Cách 1: Tính năm sinh vợ chồng sinh con trai hay gái theo tuổi bố mẹ
Trước tiên, xác định tuổi âm lịch của vợ chồng. Sau đó đem cộng lại. Tổng lớn hơn 40 thì đem trừ cho 40, tiếp tục trừ cho đến khi số thu <40 thì ngừng. Nếu tổng nhỏ hơn 40 thì các mẹ không phải trừ nữa đâu ạ!
Bước kế tiếp, lấy số có được sau khi trừ cho 40 đem trừ 9, rồi trừ 8, trừ 9… lặp lại như thế đến khi có được số bằng hoặc nhỏ hơn 8, 9 thì ngưng. Và đây là cách đọc kết quả:
+ Nếu số dừng lại là chẵn: Bạn cấn thai trong năm và sinh cùng năm đó thì sẽ có bé trai. Ngược lại, muốn sinh bé gái thì cấn bầu năm trước, sinh trong năm.
+ Nếu số dừng lại là số lẻ: Bạn cấn bầu trong năm và sinh trong năm thì sẽ mang thai bé gái. Ngược lại nếu cấn bầu năm ngoái và sinh trong năm thì sẽ mang thai bé trai.
Em lấy ví dụ cho các mẹ dễ hiểu nha:
Nếu tuổi âm của chồng 35, của vợ là 29 thì cộng lại có tổng là 64.
Lấy 64 – 40 = 24.
Sau đó, tiếp tục lấy 24 – 9 = 15; Lấy 15 – 8 = 7
Số này nhỏ hơn 8, 9 nên dừng lại và đọc kết quả như trên đã hướng dẫn.
Sau khi đã xác định được năm sinh nào sẽ cho con trai và con gái, vợ chồng tiếp tục tính chuyện sinh con trai gái theo tuổi của mẹ và tháng sinh của con.

Cách 2: Tính sinh con trai gái theo tuổi của mẹ và tháng sinh con
Cách tính này bắt nguồn từ bài đồng dao dân gian có nội dung thế này:

49 từ xưa đã định rồi
Cộng vào tháng đẻ để mà chơi
Trừ đi tuổi mẹ bao nhiêu đấy
Thêm vào 19 để chia đôi
Tính tuổi trăng tròn cho thật chuẩn
Chẵn trai, lẻ gái đúng mười mười.

Theo bài đồng dao này, nếu gọi tháng sinh con âm lịch là X và tuổi âm lịch của mẹ là Y thì ta sẽ có công thức:
(49 + X – Y + 19): 2. Giản lược công thức ta có: (68 + X – Y): 2
Khi tính, bạn chỉ việc thay tháng sinh âm lịch của con vào X, tuổi mẹ vào Y.
Nếu kết quả là chẵn thì trong năm mẹ sinh con trai. Ngược lại, là lẻ thì mẹ sinh con gái.
Em lấy ví dụ cụ thể cho các mẹ hiểu:
Ví dụ: Tuổi âm mẹ 27, tháng dự sinh của con là tháng 8 âm lịch.
Cho vào công thức trên, mẹ được: (68 + 8 – 27): 2 = 23.5. Số 23.5 là số lẻ, nên mẹ sẽ sinh bé gái.
Sau khi biết tháng sinh của con, dùng lịch tính giới tính con dưới đây:

Cách 3: Cách tính sinh con trai gái theo tuổi của mẹ và tháng thụ thai

Cách tính này dựa trên một lịch cổ của thái giám Trung Quốc ngày xưa. Lịch này tính sinh con trai, gái dựa trên tuổi âm lịch của mẹ và tháng thụ thai.
Đây là lịch cho các mẹ theo dõi nhé!
Theo lịch, cột từ 18 đến 45 tương ứng với tuổi âm lịch của mẹ, cột bên trái là tháng thụ thai. Kết quả theo bảng này đều ghi rõ năm nào sinh con trai, con gái.
Thêm ví dụ cho mẹ biết cách dùng lịch này nha:
Chẳng hạn, tuổi âm của mẹ là 26, tháng thụ thai là tháng 3. So với cột dọc của lịch, mẹ thấy ngay kết quả là trai. Đó là một bé trai.
Sau khi biết về 3 phương pháp này, các mẹ có thể dùng riêng lẻ mỗi phương pháp để tính hoặc kết hợp đều được.
Em thì dùng cách tra lịch cổ vì cách này đơn giản và đỡ đau não hơn. Mẹ nào muốn sinh con trai, gái đủ nếp đủ tẻ thì thử coi sao nha!

(Theo kinh nghiệm dân gian rất hiệu nghiệm) HN-15/11/2018.

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

Phấn đấu vượt qua bệnh tật của một cựu chiến binh.

(Tác giả CCB Trần Văn Nghĩa đứng ngoài cùng bên trái)


Tôi đã sống qua những ngày vô cùng tuyết vọng và tôi đã vượt qua nó chính bằng nghị lực của bản thân, bằng tình yêu của người thân và bạn bè...
Vâng đã có lúc tôi thật sự tuyệt vọng. Không tuyệt vọng sao được khi tuổi đời còn trẻ - mới gần 40 tuổi (chính xác là 39 tuổi 6 tháng). Đi lính mới được 20 năm. Đã tham gia chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền bắc (hơn 1 năm); chiến đấu ở chiến trường miền nam (5 năm); biên giới tây nam (2 năm) và biên giới phía bắc (10 năm). lúc bị bệnh tôi đang là trường phòng vũ khí quân khu I, tương lai đang rộng mở phía trước, bỗng nhiên bị bệnh. Người luôn mệt mỏi, ăn uống không tiêu, tôi đã lâm bệnh nặng từ bao giờ không hay biết. Đi viện từ tháng 11 năm 1986 nằm viện liên tục, ăn tết ở trong bệnh viện; đến tháng 4 năm 1988 tôi mới được ra viện với chẩn đoán viêm gan vi rút B mãn, sơ gan bắt đầu. Ra viện sau thời gian dài nằm viện, sức khỏe rất yếu, lên mỗi tầng nhà đều phải nghỉ mới đủ sức lên tiếp tầng trên. Ra viện về đơn vị, không còn đủ sức khỏe để phục vụ ở đơn vị tuyến đầu được nữa. Tổ chức cho tôi lựa chọn hoặc nghỉ mất sức hoặc nếu xin được việc ở đâu thì sẽ tạo điều kiên cho tôi đi. Lúc đó hoàn cảnh gia đình tôi vô cùng khó khăn, Bố Mẹ già yếu luôn ốm đau, vợ là công nhân viên quốc phòng lương rất it, hai cháu còn nhỏ. Nếu tôi nghỉ, kinh tế gia đình chỉ do một tay vợ tôi đảm nhiệm, cuộc sống gia đình sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đang trong lúc tưởng như tuyệt vọng đó, có người khuyên tôi: “ sức khỏe yếu cậu thử xin về một trường học nào đó công tác, ở đó công việc ổn định hơn; cậu có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, ngồi một chỗ viết tài liệu cũng được chứ sao?” Nghe theo lời khuyên, tôi về học viện Quân sự cấp cao xin việc; xem qua lý lịch, quá trình công tác đơn vị đã đồng ý nhận tôi.
Vừa mừng vừa lo, mừng vì được về công tác gần nhà. Tôi đi lính 20 năm chỉ duy nhất được về phép 1 lần sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng; cả thời gian phục vụ quân đội vừa qua phần lớn thời gian là trực tiếp chiến đấu ở các mặt trận, rất ít khi được nghỉ phép thăm gia đình. Nay được về gần nhà thật không gì vui sướng bằng. Nhưng lo, lo vì sức khỏe quá yếu; bệnh gan vẫn tiềm ẩn nó có thể tái phát bất kỳ lúc nào. Do nền tảng sức khỏe yếu nên các bệnh khác liên tục phát sinh: tiếp bệnh gan đến bệnh tiểu đường, bệnh huyết áp tim mạch, bệnh gút, thoái hóa xương khớp, nghẽn mạch tim...Không cam chịu khuất phúc bệnh tật, phải tìm cách tồn tại để làm việc; để làm chỗ dựa cho gia đình, nếu có thể còn tiếp tục đóng góp cho xã hội. Với tôi cuộc chiến với bệnh tật cũng cam go ác liết không khác gí cuộc chiến trong những năm chiến tranh. Đã có lúc tưởng không qua nổi. Cứ thay đổi thời tiết là ốm, là đi viện. Lúc đó chỉ ước gì sống được đến 50 tuổi là mãn nguyện lắm rồi. Năm 2010 tôi đi giám định y tế và có một kết quả tồi tệ nữa, tôi đã bị  nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh. Đã bi quan về sức khỏe nay càng thấy tuyệt vọng. Càng bi đát hơn trong một lần đi khám ở bệnh viên TW quân đội 108  (năm 2013) phát hiện trong dạ dầy tôi có rất nhiều Polip (dạng đa polip tuyến). Từ đó đến nay cứ 6 tháng một lần tôi phải đi khám và cắt. Những năm gian khổ vất vả trong chiến tranh đã để lại trong tôi hàng chục thứ bệnh tật, đã tàn phá sức khỏe của tôi ghê gớm. Từ một chàng thanh niên khỏe mạnh không chút bệnh tật nay mới quá trung niên đã trở thành người tàn phế ư? Đang lúc buồn chán đó một bạn thân của tôi nói với tôi: “Cậu làm đếch gì phải buồn, cậu còn hơn bao thằng bạn của chúng mình; sau chiến tranh không còn cơ hội để trở về quê hương hoặc có trở về thì cũng thân tàn ma dại, cụt chân cụt tay. Bây giờ cậu sống ngày nào là có lãi ngày ấy rồi. Mà bệnh tật rồi khoa học sẽ tìm ra cách chữa. Hay là cậu thử áp dụng các phương pháp chữa bệnh của nền y học phương đông do cha ông mình để lại.” “ Hãy biết chấp nhận hoàn cảnh, luôn lạc quan yêu đời, không bi quan chán nản sẽ không bị suy sụp; nếu lúc nào cũng lo âu buồn chán thì không có thuốc nào có thể chữa hết bệnh cho cậu được đâu..”. Nghe bạn nói có lý, tôi đã có niềm tin để chiến đấu với bệnh tật.
Có bệnh thì vái tứ phương, ai nói ở đâu có thày giỏi, thuốc hay tôi đều lần đến để chạy chữa, hết thuốc tây lại thuốc nam, thuốc bắc. Sức khỏe cũng không thể vực lên được, người lúc nào cũng có cảm giác mệt mỏi, chán ăn; ăn vào thì khó tiêu. Thì ra với người bệnh chỉ có uống thuốc và ăn uống chưa đủ để mang lại sức khỏe mà còn cần phải luyện tập. Đầu tiên tôi đi tập khí công, tập được một thời gian tôi thấy người khỏe ra, ăn uống ngon hơn. Kết quả ban đầu đã khích lệ tôi đi tập chăm chỉ hơn; tôi đi tập rất đều dù ngày mưa, ngày gió, dù mùa đông giá rét hay mùa hạ nóng bức... tôi không nghỉ một ngày nào. Kết hợp tập khí công các buổi chiều tôi tham gia tập bóng bàn. Nhờ thuốc thang phù hợp, sinh hoạt, ăn uống điều độ; kết hợp với tập luyện đều đặn, kiên trì, sức khỏe của tôi ngày cáng tốt lên. Sức khỏe tốt lên nên tôi đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và tiếp tục phấn đấu vươn lên trong công tác. Để nâng cao trình độ tôi đã tham gia nhiều khóa học. Do sự phấn đấu của bản thân, nhiều lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi; được bổ nhiệm phó chủ nhiệm khoa tại học viên quốc phòng; tham gia biên soạn nhiều đề tài cho Tổng cục kỹ thuật. Từ sau đợt ốm nặng tôi về đơn vị mới và công tác ở đó liên tục 20 năm, đến năm 62 tuổi tôi mới nghỉ hưu; Cho đến khi nghỉ hưu tôi đã tham gia quân ngũ liên tục 42 năm.
Sau nghỉ hưu, do tuổi cao, nhiều bệnh tật nên sức khỏe giảm sút rất nhanh. Khi còn đang công tác, mỗi tuần chỉ có thể đi tập vào những ngày nghỉ (chủ nhật), đến khi về hưu tôi có thể đi tập tất cả các ngày trong tuần. Tôi tập yuga và tập thiền. sức khỏe cải thiện rõ rệt. Các bệnh thời khí ( cảm cúm, đau đầu chóng mặt khi thay đổi thời tiết ...) hầu như khỏi hẳn. có lúc cảm tưởng như mình không có bệnh gì. Tôi bị mắc bệnh viêm gan mãn từ năm 1986 do nhiễm viêm gan vi rút B. Đến năm 2012 (sau 26 năm) viêm gan vi rút B chuyển sang âm tính. Từ đó đến nay các chỉ số đánh giá chất lượng gan đều ở mức người không mắc bệnh. Tôi tự cảm nhận thấy rằng yuga và thiền là hai môn tập chính đã mang lại sức khỏe; ngoài ra tôi còn rất chú ý đến chế độ ăn và chế độ sinh hoạt.
Từ chỗ ốm đau liên miên, nay tôi đã có sức khỏe tạm ổn định so với tuổi tác. Thấy tôi đi tập có hiệu quả, nhiều người hỏi thăm, đến năm 2011 nhiều người đề nghị tôi hướng dẫn họ tập luyện. Ban đầu tôi còn băn khoăn, không biết mình có đủ khả năng hướng dẫn mọi người không? Liệu sức khỏe có cho phép mình không? Sau khi tham khảo ý kiến các thày trong câu lạc bộ thiền, đặc biệt là thày chủ nhiệm; mọi người đều khuyến khích động viên và hứa sẽ giúp đỡ. Tôi quyết tâm mở lớp, ban đầu chỉ có hơn chục học viên sau 1 năm số học viên đã lên tới vài chục người. Càng tập sức khỏe mọi người càng tốt lên. Thực tế đã chứng minh cho mọi người thấy tập luyện môn thiền rất tốt cho sức khỏe. Tiến lành đồn xa, học viên kéo đến xin học ngày càng đông, phải mở thêm nhiều lớp vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu của mọi người. Nếu tính cả Câu lạc bộ từ năm 2004 đến nay đã mở vài chục lớp cho hàng nghìn người.  Ai đến tập sức khỏe đều được nâng lên. Hầu như các bệnh thời khí (cảm cúm, trái giá trở trời...) sau thời gian ngắn tập luyện đã khỏi hẳn. Các bệnh mãn tính theo thời gian và sự chăm chỉ tập luyện cũng thuyên giảm rõ rệt; Thậm chí cả các bệnh nam y (Ung thư) cũng có trường hợp qua khỏi. Nếu thiền đều các bệnh (kể cả bệnh nặng ) hầu như ngừng phát triển.
Câu lạc bộ mà tôi tham gia giảng dạy tên gọi “ CÂU LẠC BỘ DƯỠNG SINH NĂNG LƯỢNG ESPERANTO HÀ NỘI”. Câu lạc bộ ngày càng phát triển, nó thực sự vì sức khỏe cộng đồng. Các giáo viên tham gia giảng dạy không ai nhận một đồng thù lao nào. Các học viên chỉ phải đóng góp một khoản lệ phí ít ỏi để thuê địa điểm , trả tiền điện nước, vệ sinh và sắm sửa đồ dùng phục vụ học tập (một năm mỗi người chỉ phải đóng góp khoảng từ 200 000đ đến 300000đ).
Năm nay tôi đã 72 tuổi, đã tham gia nhiều cuộc chiến tranh, đã phục vụ trong quân ngũ hơn 40 năm; bản thân lại mắc nhiều thứ bệnh. Song tôi vẫn đang có cuộc sống của người khỏe mạnh bình thường. Vẫn tham gia mọi hoạt động của người về hưu tại địa phương; vẫn tập luyện yuga, thể dục, thiền...đều đặn hàng ngày. Với môn thiền tôi chú ý tập luyện hàng ngày, không chỉ tham gia tập luyện tôi còn tham gia hướng dẫn cho nhiều người cùng tập.
Sở dĩ tôi có được cuộc sống tạm gọi là mạnh khỏe như hiện nay là nhờ trong cuộc sống tôi đã thực hiện tốt các nội dung sau:
*Cơ thể luôn cần được nạp đủ năng lượng để nuôi cơ thể. Cơ thể con người gồm hai phần: cơ thể vật lý (gồm: các bộ phận trong cơ thể, tim, gan, phổi não, dạ dày...); cơ thể thông tin ( hệ thần kinh). Thức ăn nuôi cơ thể vật lý thường được ăn qua miệng. Thức ăn nuôi cơ thể thông tin là năng lượng vũ trụ được ta thu nhận từ các huyệt đạo và các giác quan khác (Tai, mắt, da...). Ăn đủ , đúng là ăn để cân bằng âm dương trong cơ thể. Ăn phù hợp với thể trạng, bệnh tật từng người. Thiền là biện pháp tốt nhất để nạp đủ năng lượng nuôi hệ thần kinh.
*Luôn có một cuộc sống vận động (lao động, tập thể dục thể thao, đi bộ, ...). Nhờ lao động mà con người (kể cả động vật) mới tồn tại và phát triển. Khi về già, đã nghỉ hưu ta phải tích cực tập luyện như: thể dục thể thao, đi bộ, tham gia văn nghệ, múa hát...Tức là luôn phải có cuộc sống vận động. Không vận động thì dù có ăn uống tốt thế nào thì bệnh tật vẫn kéo đến.
*Có cuộc sống tâm thần cân bằng; sống vị tha, luôn suy nghĩ tích cực; làm nhiều việc tốt; có cuộc sống hòa đồng với thiên nhiên và xã hội...Không tham, sân, si; không cáu gắt, khó chịu với mọi người xung quanh. Tóm lại là luôn sống vui, sống khỏe, làm nhiều việc tốt.
*Với người già còn cần có yêu cầu thứ 4 là: thuốc thang phù hợp. Có thể dùng đông y hoặc tây y hoặc đông tây y kết hợp. nhưng phải theo chỉ dẫn của các nhà chuyên môn và biết lắng nghe cơ thể.
Vâng, tôi đã sống chung với bệnh tật như thế; và đã chiến đấu với bệnh tật như thé. Muốn chia sẻ cùng mọi người.

(Cựu chiến binh: Trần văn Nghĩa-Tổ dân phố 33- Phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Hà nội tháng 4 năm 2018)


Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2018

Cổng và cửa đặt hướng Thanh long làm ăn sẽ phát?



Tác giả và bạn trước ngôi nhà đang xây năm 2017.

 Đây là một bài viết về nghiên cứu Phong thủy.


Bẩy năm học, nghiên cứu và thực hành dương trạch đối với tác giả là chưa nhiều; song qua một quá trình thực hành phong thủy Dương trạch ít nhiều cũng thu được kinh nghiệm, Xin cảm ơn Thầy Nguyễn Trọng Tuệ (thầy dậy của tác giả).

Trước khi xem bài viết này tác giả mời mọi người xem bài viết “Gặp lại người đồng đội sau 36 năm xa cách”

 http://phuongdonghoaloi.blogspohttp://phuongdonghoaloi.blogspot.com/2012/06/gap-lai-nguoi-ong-oi-sau-36-nam-xa-cach.htmlt.com/2012/06/gap-lai-nguoi-ong-oi-sau-36-nam-xa-cach.html

        Có 3 loại cổng;  cửa nhà: Cổng cửa Thanh long; cổng cửa Bạch hổ; cổng cửa Chu tước.
Bài viết này đi sâu cổng và cửa Thanh long.

Cổng và cửa là hai bộ phận khác nhau ở phía trước và mặt tiền của nhà.Phong thủy học coi trọng cổng hơn cửa. Nhà ở thị xã,  thành phố do đất chật và khó về quĩ đất  nên phần nhiều  chỉ xây dựng nhà ống  đặt cửa chính mà không có  cổng; ở nông thôn đất rộng nên đa số làm nhà có cả cổng, cửa và có sân trước rộng rãi.Vì thế nên hướng cửa chính là hướng của ngôi nhà. Về ưu nhược điểm của loại nhà này.
Nhà không cổng cửa thì không tụ khí, nhà bịt kín cổng cửa, khí bị tù, không lưu thông. Những người am hiểu phong thủy đều coi trọng thiết kế cổng cửa.
Cổng cửa là nơi nạp khí, giao lưu với bên ngoài. Phong thủy rất chú ý đến đặt cửa ra vào.Cửa không nên đặt ở hướng  hung và quỉ môn .
Việc cát – hung  cổng cửa còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác mà không chỉ phụ thuộc vào hướng
Theo phong thủy học “Mở cổng, cửa bên trái nhà là đinh tài lưỡng đắc”
Bên trái nhà là phương Thanh long,là cát .Không nên mở cổng ở bên phải vì đó là hướng Bạch hổ.
Cửa hàng mở bên Thanh long buôn bán sầm uất,mở bên Bạch hổ buôn bán sẽ sa sút. Cửa hàng tốt nhất  mở cổng; cửa  trên toàn bộ hướng mặt tiền, nhưng hướng đi vẫn nên ở phía Thanh long là tốt nhất.
Về mở Cổng nên tương xứng với nhà:
Cổng quá to,nhà quá nhỏ,hoặc cổng quá nhỏ mà nhà quá lớn đều hung.Kích thước cổng nên chọn ltheo Lỗ Ban. Thước Lỗ Ban bán trên thị trường phần nhiều không chính xác do sai lệch khi sản xuất nên  muốn chọn kích thước cụ thể nên nhờ thầy phong thủy để tìm các trị số cát theo ước muốn của gia chủ.

Mở cổng năm 2012 (nối nhà ra đường thôn)

Căn cứ vào địa thế để mở cổng: Cổng mở nên ở bên Thanh Long. Còn có thể xẩy ra: Nếu bên trái nhà thấp, bên phải cao tức là dòng nước chảy từ bên Bạch hổ sang bên Thanh long, thì nên mở cổng sang bên Thanh long (bên trái). Nếu bên trái nhà cao, bên phải thấp thì dòng nước chảy tức là dòng nước chảy từ bên Thanh long sang bên Bạch hổ, trường hợp này nên mở cổng bên Bạch hổ (tức là bên phải) phải xem thật cụ thể khi gặp trường hợp này? Nếu địa thế hai bên bằng phẳng bằng nhau thì nên đặt cổng ở giữa hoặc bên trái
Khi trời mưa ra quan sát sẽ thấy hướng dòng nước mưa chảy thì sẽ biết bên nào cao bên nào thấp, để xác định kỹ hướng mở cổng.
Cần tránh:
Cửa đại kỵ đối diện với cổng:Nếu cửa đối diện với cổng , gió thổi rất mạnh , bất lợi đối với sức khỏe và tài vận . Trường hợp cửa cổng đối diện với nhau nên chọn phương án chuyển cổng hoặc cửa . Đa số gia chủ lựa chọn phương án chuyển cổng , vì chuyển cửa sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ cấu trúc căn nhà . Có trường hợp làm bình phong đặt giữa cổng và cửa . Phương pháp cổ nay trước đây thường được áp dụng ở khu vực nông thôn
Cửa Cổng đại kỵ xây vòm: Chỉ có cổng nhà thờ , nhà tang lễ , nghĩa trang mới xây vòm . Hiện nay , nhiều nhà tư nhân xây vòm , tuy tạo ra cảm giác thanh thoát song lại bất lợi về mặt tài vận
Nhà mở cổng và làm sân năm 2012

        Cửa cổng đại kỵ đối diện với cầu thang (Cầu thang khoe): Cửa thông với cầu thang khiến căn nhà không tụ khí , tức là tán tài . Về mặt khoa học dễ tạo thành luồng khí bất lợi đối với người ở . Nếu đã xây như vậy nên xây bức tường che chắn cầu thang hoặc đặt bình phong che chắn.
Cửa cổng đại kỵ sơn màu xanh sẫm hoặc màu tím: Màu xanh sẫm và màu tím đại diện cho âm khí mạnh , không cát lành . Cổng nên sơn màu sáng
Nhà tọa Nam hướng Bắc cửa kỵ sơn màu đỏ:Nhà tọa Nam hướng Bắc tốt nhất cửa sơn màu xanh hoặc màu trắng . Nếu cửa sơn màu đỏ tạo thành sự xung chiếu , Thủy – Hỏa tương khắc , vì vậy đại kỵ sơn màu đỏ đối với nhà hướng Bắc (tọa Nam)
Trước cổng đại kỵ tháp nhọn , tòa nhà lục lăng: Nếu trước cổng có tháp nhọn , tòa nhà lục lăng nên dùng gương lồi để hóa giải sát khí
Cổng đại kỵ đối diện với đèn đường , thang máy: Đèn đường chiếu vào cổng cửa tạo ra quang sát , nên đăỵ gương để hóa giải . Thang máy tạo ra từ trường xung quanh chiếu rất mạnh , bất lợi cho dòng khí vào nhà . Nên đặt bình phong hoặc phòng huyền quang (còn gọi là phòng minh đường bộ phận nối giữa cửa cổng và phòng khách)
Trước cổng đại kỵ có cây khô: Trước cổng có cây khô bất lợi tài vận và sức khỏe , đặc biệt đối với người già . Nên trông cây mới thay vào chỗ cũ
Cổng đại kỵ đối diện với cửa sổ:Cổng đối diện với cửa sổ khiến dòng khí bị phân tán. Cửa sổ nên treo rèm để hóa giải.
Minh đường rất quan trọng với ngôi nhà.
            Khi chọn mua đất để làm  nhà dù thuộc hướng nào, cũng đều quan tâm sao cho có một Minh Đường trước nhà. Nghĩa gốc của Minh Đường là nơi thiên tử (Vua) ngự triều có bá quan văn võ chầu quanh để giải quyết việc nước. Nghĩa cụ thể của Minh Đường là khoảng mặt đất (hoặc mặt nước) sáng sủa, nhận được ánh nắng mặt trời chiếu vào và nằm ở phía trước của ngôi nhà hay cuộc đất. Minh Đường cũng có tốt - xấu, sự đánh giá này là nhờ quan sát hình dáng của thế núi sông, đường sá, nhà cửa chung quanh khu vực Minh Đường đó. Có thể dù đã tổ chức được khu vực sáng rộng trước công trình nhưng nếu không khéo vẫn bị ảnh hưởng bởi tác động khách quan. Ví dụ có sân trước rộng nhưng lại kế cận đường lớn nhiều bụi bặm ồn ào, khoảng sân ấy sẽ thành nơi hứng bụi nếu không được che chắn, trồng cây hay làm hồ nước hợp lý. Hoặc ngay trước nhà có Minh Đường nhưng nhà đối diện lại là nhà xưởng lớn, thường xuyên khói bụi ô nhiễm. Muốn xác định được sự tốt xấu cần quan sát hình thế- cảnh vật phụ cận. Minh Đường tốt: Từ trong nhìn ra phải thoáng tầm mắt, không bị che chắn thì đều đem lại Cát Khí cho ngôi nhà. Minh Đường Giao Tỏa, Châu Mật, Triều Tiến, Đại Hội… là thuộc loại tốt do được những thành phần chung quanh vừa che chở vừa nâng đỡ không gian trước chủ thể. Minh Đường xấu: Trước nhà có địa hình khúc khuỷu, công trình xây cất lộn xộn, xiên vẹo đâm vào nhà mình (Kiếp Sát), hoặc trống không trơ trọi, sông lớn nước dữ chảy qua thì Tán Phong môi trường ở bị xấu đi nhiều. Những Minh Đường Kiếp Sát, Khoáng Dã, Phá Toái… là những Minh Đường xấu. Gặp những thế Minh Đường xấu như vậy, cách thức khắc phục thường là trồng cây xanh tạo bình phong che chắn, hoặc hồ nước để giảm tác động trực tiếp. Có thể chỉ cần một khoảng sân với thảm cỏ và cây xanh, tường chắn thấp cũng đủ tạo thành một  Minh Đường tốt (Nội MĐ). Minh Đường là nơi tài lộc tụ ; do vậy khoảng sân nho nhỏ trước ngôi nhà vô cùng quan trọng; ngoài ý nghĩa tài lộc còn là cái sân nho nhỏ của gia đình.
            Thực tế của tác giả qua kinh nghiệm xem phong thủy; khi đến nhà bạn thấy bạn có một cuộc sống với nhiều thiếu thốn nhưng lại ở một vùng bán sơn  địa không phải quá khó khăn. Khi tìm đến nhà bạn mình kiểm tra phong thủy thấy nhà bạn quay hướng Nam (bị Ngũ Quỉ); cổng vào Tuyệt Mệnh nếu hóa giải được sẽ có thể thay đổi và kinh tế tốt lên.
        Về hóa giải cổng: từ cổng vào nhà có một con đường nhỏ khoảng 1,5 m chỉ đủ xe máy và xe cải tiến vào ra; nên thuyết phục bạn mở rộng lên trên 3m (theo Lỗ Ban) để tăng khí vào nhà. Trước nhà treo gương bát quái để điều chỉnh khí. Và bạn đã thực hiện theo lời khuyên. Bạn hỏi bao giờ tôi sẽ có kinh tế tốt. Trả lời kinh tế tốt lên không phải do Phong thủy mà do lao động cần cù cù của vợ chồng bạn; còn Phong thủy chỉ giúp một phần thôi. Kinh phí làm cổng và nối đường từ đường thôn vào nhà và làm sân hết năm triệu, tác giả giúp một nửa.
Sau gần một tháng bạn làm song ; hôm đó bạn mổ gà chiêu đãi và cảm ơn thợ. Khi chuẩn bị ăn cơm không biết từ đâu có một xe công nông thấy đường đẹp chạy vào sân đỗ nhờ xin nước uống. Bạn mời ăn cơm; người chủ công nông nói “em đi buôn chuối thấy nhà Bác có sân rộng em vào đỗ nhờ”. Và người lái xe nói “ở vùng Bác có nhiều chuối, ngô, khoai bán bác chịu khó mua; em vào mua lại và trả công cho”. Bạn tôi từ đó có nghề “môi giới” và có cuộc sống “khá” và hôm nay Bạn cho người con gái làm nhà trên một phần đất của bạn và vợ chồng bạn có một phòng rộng, ngôi nhà cũ trở thành nơi thờ cúng ông bà.
            Cổng Thanh long là như vậy?

(Ngô Lê Lợi-Hà Nôi tháng 8/2018)

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

Nên gieo vào con trẻ hạt giống Bồ Đề ?




Gieo hạt Bồ đề là gieo vào lòng trẻ có  tình thương và tấm lòng  từ bi.

Dạy dỗ trẻ em, một việc tưởng đơn giản nhưng thực chất lại là việc rất khó và quan trọng. Dạy như thế nào là phù hợp với trẻ? Phải dạy làm sao để trẻ tiếp thu tốt và hình thành nhân cách tốt? Đấy là câu hỏi của tất cả những người làm cha làm mẹ?
Không có một quy chuẩn nào về phương pháp dạy trẻ, bởi mỗi đứa trẻ đều khác nhau về tâm sinh lý, vì vậy phương pháp dạy trẻ cũng khác nhau để phù hợp với từng trẻ. Càng không nên  áp đặt  phương pháp dạy con của người này, người kia để dạy con cái mình.
Hãy biết lựa chọn những gì phù hợp với con trẻ, điều này vừa giúp trẻ hình thành nhân cách tốt mà vẫn có cá tinh riêng cho bản thân trẻ.

    Khi con bắt đầu hiểu, khoảng 3 tuổi trở lên, dạy con thương yêu cha mẹ, ông bà và người thân và thầy cô giáo, là bài học quan trọng bậc nhất. Nếu không có bài học này mọi bài học khác sẽ khó thành công. Tuy nhiên, muốn bài học này đạt kết quả tốt thì bố mẹ phải là người gương mẫu. Từ tình thương dậy con lễ phép …cho con cái gì phải có câu “con xin”…”con xin bố”; “con xin mẹ”..vv.
Tiếp đến dậy con biết “xin lỗi”; Sau này con sẽ biết  có sai có sửa là phải chịu phạt như không cho chơi đồ chơi trẻ thích, hay đứng góc nhà một khoảng thời gian nhất định rồi lại cho trẻ chơi, làm tốt sẽ được biểu dương. Chỉ như vậy trẻ mới biết đúng sai ngay từ khi còn nhỏ. Tuyệt đối không được đánh trẻ ; đánh trẻ sẽ gây lên phản ứng thù hận không tốt đến cả mai sau?
 Nên giao cho trẻ những công việc phù hợp, yêu cầu trẻ phải hoàn thành. Việc làm này giúp trẻ sớm nhận thức được vai trò và trách nhiệm của chúng trong gia đình, xã hội.

     Đáp ứng cho trẻ theo sự cần thiết, chứ không đáp ứng theo yêu cầu: Làm như vậy, mục đích là để giúp trẻ em có được khái niệm về thực tế, biết phân biệt sự cần thiết khác với ham muốn.
Yêu cầu trẻ em phải biết chịu trách nhiệm: Bất cứ ở môi trường gia đình, trường học hay xã hội, nếu trẻ em phạm sai lầm thì cần phải buộc trẻ chịu trách nhiệm. Mục đích làm như vậy là nhằm giáo dục trẻ em biết thành thực, biết chịu trách nhiệm và có nghị lực, can đam để đối mặt với hiện thực.
Lợi ích của bố mẹ và lợi ích của trẻ em cũng quan trọng như nhau: Cho nên mua sắm cho con phải căn cứ vào thực tế của gia đình và mọi thành viên trong gia đình phải bình đẳng; không nên có suy nghĩ  con cái là tất cả và mọi sự hy sinh cho con như vậy sẽ tăng tính hưởng thụ của con cái và sẽ đòi hỏi tăng lên sẽ không đáp ứng được?

Và cuối cùng là gieo cho con trẻ hạt giống Bồ đề.
    Ra đường khi gặp những người khó khăn cơ nhỡ như bán tăm dạo, ăn xin (nếu gặp) thì mở lòng cho vài ba chục ngàn ta nên cho con trẻ đưa cho họ và dậy con nói “con cho chú ”; “Con giúp cô..,”. khi trẻ lớn cũng nên cho trẻ đến chùa và cho trẻ tự tay bỏ tiền công đức vào hòm “công đức”. Trong gia đình nếu nuôi thú vật như chó, mèo… nên cho trẻ tự tay mang thức ăn cho chúng.
 Mỗi ngày trẻ làm một việc nhỏ thôi nhưng sẽ thu được ở mai sau một nhân cách lớn. Một con người thành đạt và hiếu thảo?
Nhớ đừng mải mê kiếm tiền, chúng ta quên đi rằng: Những đứa trẻ mà chúng ta sinh ra mới là tài sản đáng quý nhất !
(Ngô Lê Lợi- Hà Nội 7/2018)




Thứ Ba, 29 tháng 5, 2018

Đoàn cán bộ đảng viên phường Trung Hòa Cầu Giấy thăm quê Bác Hồ.

Đ/C Bí Thư ĐU Phan Thanh Vĩnh và đ/c CT UBND Phường Lai Mạnh Tiến cùng đoàn viếng tại nhà thờ Bác Hồ 

Tháng 5/2018, mùa hè, trời nắng và phượng vĩ đã đỏ ối báo mùa hè đầy nắng.
Thực hiện chương trình công tác năm, Đảng ủy-HĐND-UBND phường Trung Hòa tổ chức cho các đồng chí Bí thư chi bộ và Tổ trưởng dân phố đi tham quan nghỉ mát tại TX Cửa Lò (Nghệ An) và thăm quê Bác Hồ.Từ 4 giờ sang ngày 25/5 đoàn khởi hành đi Cửa Lò trên 2 xe ô tô của công ty Hải Vân. Chỉ huy đoàn là đồng chí Bí thư Đảng ủy phường Phan Thanh Vĩnh. Đoàn về nhà nghỉ ở TX Cửa Lò là 10 giờ 30. Buổi chiều mọi người đi chơi tự do mua sắm và tắm biển.Biển Cửa Lò Cửa Lò là một bãi biển đẹp, nằm cách thành phố Vinh khoảng  16km, đường sá đi lại thuận tiện, hệ thống khách sạn, nhà nghỉ phong phú, đồ ăn ngon rẻ và người dân hiền lành, chất phác. Bãi biển rộng dài, một trong những bãi tắm đẹp nhất nước, nằm giữa quần thể du lịch – văn hóa xứ Nghệ. Ở đây có nguồn hải sản phong phú, đặc biệt có mực nhảy và mực câu nổi tiếng cả nước. Từ Hà Nội và Sài Gòn đều có thể đi bằng đường Tàu, máy bay, hoặc xe khách để tới Cửa lò. Nếu các gia đình  có xe riêng thì quá tuyệt rồi, đường quốc lộ từ Hà Nội đến Cửa Lò rất đẹp, khá vắng và dễ đi. Trên đường đi, bạn có thể dừng chân ăn sáng thưởng thức món bánh cuốn chả Phủ Lý hay bánh đa cá rô ngon tuyệt; hay các món phở bò, gà (Từ Hà Nội đi Cửa Lò các nhà xe hay dừng ăn sáng ở nhà hàng QUÂN NHÂN ;điểm này nằm trên xã Thanh Hải-huyện Thanh Liêm vì nơi đây có bãi xe rộng, nhà hàng khang trang và các món ăn cũng được đánh giá là “được” giá cả cũng được tuy không rẻ lắm; tuy nhiên nếu nhà hàng có  thêm các món  ăn như : xôi, bánh giò…thì sự lựa chọn của khách sẽ phong phú hơn. Còn nếu đi xe ôtô riêng  có thể chọn 1 trong hai tuyến đường 1A (có nhiều đoạn cao tốc) hoặc đường mòn đường mòn Hồ Chí Minh để ngắm cảnh 2 bên đường rất thú vị một thiên nhiên xanh?



Lưu ý về khách sạn. Khách sạn và nhà nghỉ tại Cửa Lò rất phong phú về số lượng cũng như về giá cả. Chất lượng khách sạn rất tốt, hiện đại đáp ứng được nhu cầu ở cho tất cả các thành phần từ nhà nghỉ bình dân cho đến khách sạn chất lượng cao cho bạn và gia đình.
Khách sạn ở Cửa lò chủ yếu xây theo kiểu phòng cũng rộng có 2 giường rộng 1,2 (có ti vi, tủ lạnh nhỏ, nóng lạnh đầy đủ) để cho khách đoàn và  gia đình 4-5 người có thể ở 1 phòng cho ấm cúng khi cùng đi du lịch. Giá cả tùy thuộc vào từng thời điểm. Vào mùa du lịch giá phòng hầu hết lên khá cao. Ở cửa lò mùa cao điểm rời vào tháng 6, 7 và ngày lễ 30/4, 1/5 còn các tháng còn lại như tháng 5,8 trung điểm giá cả cũng rẻ hơn, giá đầu tuần và cuối tuần cũng khác nhau: Đầu tuần được tính từ 12h trưa Chủ nhật Đến 12h trưa Thứ 5 còn lại là ngày cuối tuần thường giá cả cũng cao hơn ngày đầu tuần. Tóm lại cũng dánh giá tốt hơn nhiều nơi khác là “không có chặt chém”?
Còn về ăn thì phong phú và đa dạng, ngoài các thực đơn hải sản thì bữa bình dân khoảng 100,000 đến 200, 000đ cho một người chưa  có bia, rượu. Phục thì rất tốt.

Khách sạn bộ Xây dựng nơi đoàn nghỉ lưu trú 

          Đi lại di chuyển ở Cửa Lò có thể nói là tốt hơn hẳn các nơi khác chủ yếu là xe điện 4 bánh, có giá niêm yết tại đầu mõi xe là 10.000đ/lượt, nếu đi đoàn có thể mặc cả giá nhưng giá sẽ thấp hơn giá niêm yết. Nếu đi lẻ còn có xe ôm giá rất mềm ngang xe điện mà thôi? Xe điện chỉ đi trong vùng  TX Cửa Lò, Nếu đi xa hơn thì sử xe ta xi giá cũng tốt theo đồng hồ, còn cũng có thể mặc cả như kiểu “thuận mua-vừa bán?”...


Đoàn về quê Bác Hồ


Điểm đến đầu tiên của Làng Sen thuộc xã Kim Liên huyện Nam Đàn , tỉnh Nghê An, Làng Sen quê Bác là nhà thờ tưởng niệm Bác Hồ; đoàn đã đến dâng hoa và thành kính thắp hương tưởng niệm Bác và nghe Ban quản lí di tích giới thiệu khu di tích quê Bác Hồ; sau đó đoàn đi tham quan khu di tích.  

Bí thư Đảng ủy Phan Thanh Vĩnh thắp hương viếng Bác Hồ

 

Làng Sen xưa là làng Kim Liên thuộc xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, nay làng Sen thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Làng Sen là mảnh đất quê hương của Bác Hồ -Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi lưu giữ nhiều di tích, hiện vật, nhiều kỷ niệm, gắn liền với cuộc sống thời thơ ấu của Bác , cùng những thành viên trong gia đình của Người trong những năm 1901-1906 và hai lần Bác Hồ  về thăm quê năm 1957, 1961.

Làng Sen với hệ thống nhiều di tích lịch sử đặc biệt quan trọng như nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm, nhà thờ họ Nguyễn Sinh, nhà Cử nhân Vương Thúc Quý, lò rèn cố Điền, giếng Cốc, cây đa, sân vận động, đền làng Sen. Ngoài ra còn có khu tưởng niệm, nhà trưng bày, vườn cây lưu niệm và nhiều hạng mục công trình phục vụ công cộng khác. Tất cả đã tạo thành cụm Di tích Làng Sen.

*Di tích lò rèn Cố Điền: Lò rèn này thường tu sửa và sản xuất nông cụ cho nhân dân trong làng Kim Liên; Khi Bác Hồ về thăm quê Bác đã đến thăm gia đình này.





*Di tích nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc:  ngôi nhà gỗ 5 gian về dựng trên mảnh đất công của làng rộng 4 sào 14 thước  để mừng ông Phó bảng. Khi nhà cửa vườn tược  chu tất, nhân dân làng Sen đã xuống làng Hoàng Trù mời ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cùng các con là Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung về sống tại làng Sen. Về làng Sen ông Nguyễn Sinh Sắc sống cuộc sống thanh bạch, ấm cúng. Ông viết lên xà nhà mấy chữ Hán: “Vật dĩ quan gia, vi ngô phong dạng”, nghĩa là “Không lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà ta”. Ông gửi hai con trai học với thầy Cử nhân Vương Thúc Quý.








*Di tích nhà thờ họ Nguyễn Sinh: Di tích được xây dựng vào năm 1843, trên nền đất rộng 500m2 thuộc xóm Phú Đầm nay là làng Sen 3 xã Kim Liên, Nam Đàn để thờ phụng tổ tiên dòng họ Nguyễn Sinh. Như vậy, ngôi nhà thờ họ Nguyễn Sinh cũng là nơi thờ phụng cha mẹ, anh chị của Bác Hồ.



            Đoàn về thăm quê ngoại Bác Hồ. Làng Hoàng Trù; Làng Hoàng Trù cách làng Kim Liên khoảng 2 km, cùng thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; cách thành phố Vinh đi theo khoảng 15 km về phía tây. Nơi đây có cụm di tích Hoàng Trù, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời. Đây cũng là nơi gắn liền với những năm tháng tuổi thơ của Bác, cùng câu chuyện cảm động về những bậc sinh thành.
Cụm di tích Hoàng Trù bao gồm: Ngôi nhà của cụ Hoàng Đường và cụ Nguyễn Thị Kép – ông bà ngoại của Bác Hồ; ngôi nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân; và ngôi nhà của ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan – thân sinh Bác Hồ. Cụm di tích Hoàng Trù là một quần thể rộng 7 sào Trung Bộ (khoảng 3.500m2), mang đậm dấu ấn làng quê Việt.



          Không khí chuyến đi luôn luôn sống động vui vẻ do các đồng chí ở các Chi bộ và Tổ trưởng đã bằng những lời ca tiếng hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ và đất nước…


          Buổi tham quan quê Bác Hồ đã để lại ấn tượng sâu sắc về Bác Hồ giàu lòng yêu nước và giản dị trong đời thường là tấm gương sáng mãi;  mỗi cán bộ đảng viên sẽ  tự hứa và  phát huy những kết quả đã đạt được từ việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và Chuyên đề năm 2018 về là “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu , của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,  phong cách Hồ Chí Minh” (theo: Tài liệu phát cho cán bộ đảng viên); triển khai đến  các chi hội  đoàn thể, đồng thời thống nhất các biện pháp, những việc làm cụ thể mang lại hiệu quả cao nhất để luôn phát huy được sức mạnh tập thể. Trong đó, một trong những hoạt động được cán bộ đồng thuận và người dân hưởng ứng cao đó là phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; đề phòng hỏa hoạn, chống dịch sốt xuất huyết năm 2018 và  giữ gìn vệ sinh môi trường  để thành phố luôn xanh, sạch, đẹp./.

HẸN GẶP LẠI.....




(Ngô Lê Lợi-5/2018)